The Guardian dẫn lời Giám đốc điều hành (CEO) của Shell, ông Ben van Beurden cho biết châu Âu có thể đối sẽ phải đối mặt với vài mùa đông thiếu khí đốt.
Nguồn cung khí đốt từ Nga sụt giảm do xung đột Ukraine đã đẩy các quốc gia châu Âu vào một cuộc khủng hoảng năng lượng tàn khốc. Giá bán buôn đã tăng chóng mặt, người tiêu dùng đối mặt với hóa đơn năng lượng khổng lồ và tỷ lệ lạm phát lên mức cao nhất kể từ những năm 1980.
Trò chuyện trong cuộc họp báo tại Na Uy hôm 29/8, ông Ben van Beurden cho biết khủng hoảng hiện nay có thể kéo dài trong vài năm: “Có thể chúng ta sẽ phải chịu đựng vài năm trong lúc tìm kiếm giải pháp”.
Ông Van Beurden cho biết giải pháp cho cuộc khủng hoảng có thể được tìm thấy thông qua việc “tiết kiệm hiệu quả, giới hạn tiêu thụ năng lượng và nhanh chóng xây dựng [nguồn năng lượng] thay thế”.
“Tôi nghĩ chúng ta nên gạt những điều viển vông sang một bên, chẳng hạn như bằng một cách nào đó [cuộc khủng hoảng này] sẽ trở nên đơn giản hay kết thúc sớm”, ông nói thêm.
Sau khi xung đột Ukraine nổ ra, Nga đã cắt nguồn cung khí đốt tới nhiều nước châu Âu. Mặc dù không phải quốc gia nào cũng phụ thuộc trực tiếp vào khí đốt của Nga, nhưng sự tranh giành nguồn nhiên liệu khan hiếm đã đẩy giá loại năng lượng này lên mức kỷ lục.
Giá khí đốt tại châu Âu đã tăng khoảng 30% vào tuần trước, chạm ngưỡng 343 EUR/MWh hôm 26/8. Mức giá này gấp hơn 15 lần so với đầu năm 2021 và hơn 10 lần so với giá khí đốt hiện tại ở Mỹ.
Phát biểu cùng CEO của Shell tại Na Uy, Giám đốc điều hành TotalEnergies, ông Patrick Pouyanné cho biết các chính phủ châu Âu và các nhà lập pháp sẽ phải lập kế hoạch cho một tương lai không có khí đốt Nga.
“Nếu bạn không nghĩ về [khí đốt của Nga], chúng ta sẽ tìm ra cách. Có đủ năng lượng trên hành tinh này để không cần tới Moscow”, ông Pouyanné nói thêm.
"Hiện thực cay đắng"
Mặc dù không trực tiếp mua khí đốt của Nga, Anh vẫn phải đối mặt với chi phí tăng chóng mặt trên thị trường.
Ngoại trưởng Liz Truss, người nhiều khả năng sẽ trở thành Thủ tướng tiếp theo của Anh, cho đến nay vẫn từ chối tiết lộ những sự giúp đỡ mà bà sẽ dành cho các hộ gia đình của Anh khi giá trần hóa đơn năng lượng dự kiến tăng 80% vào tháng 10 sắp tới, lên mức 3.549 bảng Anh (tương đương 98 triệu đồng) mỗi năm.
Vào hôm 29/8, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen cho biết một gói hỗ trợ khẩn cấp sẽ được công bố sớm nhất trong tuần này. Bà von der Leyen nói rằng sẽ có sự “can thiệp khẩn cấp” cùng với những cải cách thị trường năng lượng trong dài hạn. “Giá điện tăng vọt đang bộc lộ ra những hạn chế trong cấu trúc thị trường điện của châu Âu”, bà nói.
Thủ tướng Pháp Elizabeth Borne đã cảnh báo các doanh nghiệp rằng năng lượng sẽ bị hạn chế vào mùa đông này, trong khi Bộ Năng lượng Bỉ cho biết 5 đến 10 năm tới sẽ đầy khó khăn.
Hôm 29/8, Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelensky cáo buộc Nga đang “khủng bố kinh tế” bằng cách cắt nguồn cung khí đốt tới châu Âu. “Moscow đang tạo ra áp lực bằng khủng hoảng giá năng lượng, nghèo đói để làm suy yếu châu Âu”.
Theo Reuters, Phó Thủ tướng Đức Robert Habeck cũng bày tỏ sự lo lắng với cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra. Trong cuộc trò chuyện với Chủ tịch Ủy ban châu Âu von der Leyen, ông Habeck cho biết Đức sẽ đối mặt với “hiện thực cay đắng” nếu Nga không khôi phục nguồn cung khí đốt sau khi bảo trì.
“[Khí đốt] sẽ không trở lại … Đó là hiện thực cay đắng”, ông nói.
Ngày 26/8, Gazprom đã thông báo sẽ tạm hoãn dòng chảy khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 trong 3 ngày, từ 31/8 tới 2/9 để bảo trì. Kể từ giữa tháng 6, lượng khí đốt qua đường ống quan trọng này đã giảm chỉ còn 20% công suất thông thường.