Châu Á đối mặt “quả bom già hóa”

Trên khắp Đông Á, dân số đang già đi nhanh hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Và trong khi thế hệ trẻ ngày càng thu hẹp, những người lao động lớn tuổi thường phải làm việc chăm chỉ hơn ở độ tuổi 70 trở lên.

gia-hoa-dan-so-1674135414.jpg Ông Yoshihito Oonami làm việc cho một nhà bán sỉ ở Tokyo.

40% người nghỉ hưu phải đi làm

Trước đây, tất cả những gì Yoshihito Oonami muốn làm là nghỉ hưu và để cho cơ thể mệt mỏi của mình được nghỉ ngơi. Tuy nhiên, cụ ông 73 tuổi này phải dậy từ 1:30 sáng hàng ngày, lái xe 1 tiếng đồng hồ đến chợ nông sản ở Vịnh Tokyo để lấy hàng. Ông thường xuyên phải nâng những hộp nặng đựng nấm, củ gừng, khoai lang, củ cải và các loại rau để xếp vào xe, khiến lưng ông đau nhức. Sau đó, ông phải lái xe khắp thủ đô của Nhật Bản, giao hàng cho các nhà hàng tới 10 lần/ngày. Bác sĩ của ông cho biết việc nâng vật nặng quá nhiều đã làm mòn sụn trong cột sống của ông. Song khi đủ tuổi nghỉ hưu là 60, ông Oonami vẫn không thể ngừng làm việc, bởi ông chỉ đủ điều kiện nhận lương hưu quốc gia cơ bản, khoảng 60.000 yên/tháng, tương đương 477USD, không đủ để trang trải chi phí hàng ngày.

Với dân số ở Đông Á đang giảm và ít người trẻ tuổi tham gia lực lượng lao động, ngày càng có nhiều người lao động ở độ tuổi 70 trở lên như ông Oonami vẫn phải làm việc cật lực. Các công ty rất cần họ trong khi những người lớn tuổi rất cần công việc. Dân số già hóa đã làm tăng quỹ lương hưu, gây khó khăn cho các chính phủ trong việc trả đủ tiền sinh sống cho người về hưu mỗi tháng. Các nhà nhân khẩu học đã cảnh báo về quả bom hẹn giờ ở các quốc gia giàu có. Nhật Bản và các nước láng giềng đã bắt đầu cảm nhận được những tác động, với việc chính phủ, công ty và người già đang vật lộn với những hậu quả sâu rộng của một xã hội già hóa. “Làm việc ở độ tuổi này không vui chút nào, nhưng tôi phải làm thế để tồn tại” - ông Oonami nói.

Giờ đây, câu hỏi các quốc gia già hóa này đang phải vật lộn là làm thế nào để thích nghi với thực tế mới và những lợi ích tiềm năng của lực lượng lao động lớn tuổi, đồng thời đảm bảo mọi người có thể nghỉ hưu sau cả đời làm việc mà không rơi vào cảnh nghèo đói. Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đều đã buộc phải thử nghiệm những thay đổi chính sách, chẳng hạn như trợ cấp doanh nghiệp và điều chỉnh chế độ hưu trí, để thích ứng với sự thay đổi dân số. Bởi lẽ, Nhật Bản không phải là quốc gia duy nhất ở Đông Á nơi người già cảm thấy không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục làm việc. Ở Hàn Quốc, với tỷ lệ nghèo ở người lớn tuổi gần 40%, có đến 40% người từ 65 tuổi trở lên vẫn đang làm việc. Tỷ lệ này hơn 25% ở Nhật Bản, trong khi chỉ 18% ở Mỹ.

Tại Nhật Bản và Hàn Quốc, các tổ chức việc làm và nghiệp đoàn tạm thời đã được thành lập để hỗ trợ những người lao động lớn tuổi. Trong khi nhiều người trong số họ phải làm việc vì nhu cầu kinh tế, người sử dụng lao động cũng trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào họ.

Việc tạm, lương thấp

Để đối phó với “xã hội siêu già hóa”, các nhà hoạch định chính sách ở Đông Á ban đầu tập trung vào việc cố gắng thúc đẩy sinh đẻ và sửa đổi luật nhập cư để củng cố lực lượng lao động. Nhưng các biện pháp như vậy có tác dụng rất ít trong việc làm chậm xu hướng già hóa, vì tỷ lệ sinh đã giảm và nhiều quốc gia đã phản đối các kế hoạch nhập cư quy mô lớn. Điều đó khiến các nhà tuyển dụng đỏ mắt tìm công nhân. Thí dụ, tại Nhật Bản, các cuộc khảo sát cho thấy có tới một nửa số công ty báo cáo tình trạng thiếu nhân công toàn thời gian. Vì vậy, phải cần những người lớn tuổi để lấp đầy khoảng trống. Thậm chí, công ty Koureisha ở Tokyo đã quy định ứng viên phải từ 60 tuổi trở lên.

Tại Tokyu Community, một công ty quản lý tài sản cho các khu chung cư ở Tokyo, gần một nửa số nhân viên từ 65 tuổi trở lên. Với mức lương chỉ 2.300.000 yên/năm (chưa đến 17.146USD), công việc này không hấp dẫn những người lao động trẻ tuổi, trong khi những người lớn tuổi sẵn sàng chấp nhận mức lương thấp để có thêm thu nhập hưu trí. Gloria, một công ty ở ngoại ô Tokyo chuyên sản xuất đồng phục cho cảnh sát, đã bỏ tuổi nghỉ hưu bắt buộc cách đây 6 năm vì thiếu lao động. Trên trang web của mình, Gloria cho biết họ muốn “trở thành một công ty nơi mọi người có thể làm việc cho đến khi chính họ quyết định nghỉ việc”.

Những người lớn tuổi ở Trung Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản hoặc Hàn Quốc thường chỉ làm những công việc lương thấp như dọn dẹp văn phòng, nhân viên cửa hàng tạp hóa, tài xế dịch vụ giao hàng hoặc nhân viên bảo vệ. Những công việc toàn thời gian ổn định, thu nhập tốt thường đều dành cho những người trẻ, khiến nhiều người lao động lớn tuổi phải làm những công việc hợp đồng lương thấp, bấp bênh sau khi bị buộc thôi việc do tuổi nghỉ hưu thấp. Khi họ nghỉ hưu, lương hưu do nhà nước hỗ trợ thường không trang trải đủ các chi phí sinh hoạt cơ bản. Tại Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc, lương hưu trung bình hàng tháng dưới 500USD.

Để giúp giải quyết tình trạng thiếu lao động và theo kịp các khoản thanh toán lương hưu, các chính phủ đang cố gắng nâng tuổi nghỉ hưu lên cao hơn, điều này đã gây ra một số phản đối. Tuy nhiên, thường giới chủ là những người phản đối mạnh nhất chính sách nâng tuổi hưu. Bởi với hệ thống trả lương dựa trên thâm niên phổ biến ở Đông Á, các công ty muốn đẩy những nhân viên lớn tuổi ra khỏi bảng lương, không muốn kéo dài thời gian làm việc của họ. Trong trường hợp không có thêm sự hỗ trợ của chính phủ, một số người lớn tuổi đang tự tạo cơ hội làm việc cho mình. Li Man, 67 tuổi, buộc phải nghỉ hưu ở tuổi 45 sau công việc tại một kho lạnh thuộc sở hữu nhà nước ở Bắc Kinh. Chính phủ nói tiếp tục làm việc trong nhiệt độ đóng băng là quá nguy hiểm đối với bà. Nhưng Li cho rằng bà vẫn có thể làm việc “trong thời kỳ vàng son của cuộc đời mình” để trang trải học phí và chi phí sinh hoạt cho con gái tại trường điện ảnh ở California. Bà bắt đầu trông trẻ và bán các món ăn tự làm như cá kho tộ và thịt lợn xào bí cho hàng xóm. Đối với ông Oonami, người giao rau ở Nhật Bản, nghỉ hưu chỉ là giấc mơ. Ông không có tiền tiết kiệm. “Tôi thậm chí không thể tưởng tượng được cuộc sống mà tôi không làm việc” - Oonami nói.