Tiến sỹ Hans Kluge, Giám đốc văn phòng WHO khu vực châu Âu, dẫn số liệu từ Viện Thông số và đánh giá y tế (IHME) có trụ sở ở Seatle, Mỹ nói rằng một “cơn thuỷ triều lây nhiễm từ Tây sang Đông” của biến chủng Omicron đang quét qua châu Âu, trong lúc biến chủng Delta vẫn đang hoành hành mạnh – CNBC đưa tin.
“Omicron đang nhanh chóng trở thành chủng chính ở khu vực Tây Âu và lan sang vùng Balkan”, ông Kluge nói. Ông nói thêm rằng châu Âu đã ghi nhận hơn 7 triệu ca nhiễm trong tuần đầu tiên của năm 2022, tăng hơn gấp đôi so với tuần trước đó.
“Với tốc độ này, IHME dự báo rằng hơn 50% dân số ở châu Âu sẽ bị. nhiễm Omicron trong 6-8 tuần nữa”, vị quan chức WHO cho biết.
Omicron đang càn quét châu Âu với một tốc độ đáng báo động, khiến một số nước phải tái áp các biện pháp hạn chế xã hội nhằm kiềm chế đà lây. Những dấu hiệu ban đầu cho thấy Omicron ít nguy hiểm hơn biến chủng Delta, nhưng các nhà khoa học vẫn lo ngại rằng số lượng ca nhiễm lớn hoàn toàn có thể gây quá tải cho hệ thống y tế.
Giáo sư John Bell thuộc Đại học Oxford, một cố vấn khoa học của Chính phủ Anh, nói với hãng tin BBC hồi tháng 11 rằng Omicron không giống như những biến chủng trước. “Những cảnh tượng đáng sợ mà chúng ta chứng kiến cách đây 1 năm - với những phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) kín bệnh nhân và nhiều người không giữ được sinh mạng – giờ đã trở thành lịch sử, theo quan điểm của tôi. Tôi cho rằng chúng ta có thể tin tưởng rằng điều đó không tiếp diễn nữa”.
Nói về Omicron, ông Bell nói thêm: “Biến chủng này có vẻ ít nghiêm trọng hơn, và nhiều người phải nằm viện trong một thời gian tương đối ngắn. Họ không cần phải trợ thở khí oxy, và thời gian nằm viện chỉ khoảng 3 ngày”.
Ông Kluge ngày 11/1 nói rằng tỷ lệ tử vong do Covid ở châu Âu hiện vẫn ổn định và mức cao nhất vẫn rơi vào những nước có tỷ lệ lây nhiễm cao kết hợp với tỷ lệ tiêm vaccine thấp.
Với tốc độ lây nhanh của Omicron, một loạt quốc gia liên tục lập kỷ lục về số ca nhiễm Covid mới trong những ngày gần đây.
Mỹ ghi nhận số ca nhiễm mới và số ca nằm viện do Covid-19 cùng cao chưa từng thấy kể từ khi đại dịch bắt đầu. Chỉ riêng trong ngày thứ Hai, nước này xác định 1,5 triệu ca nhiễm mới, nâng số ca nhiễm bình quân mỗi ngày trong 7 ngày lên 754.000 ca, theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins. Còn theo dữ liệu của Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ, số ca Covid nằm viện ở nước này vào hôm Chủ nhật vừa qua là 144.441 ca, vượt mức đỉnh 142.315 ca thiết lập vào ngày 14/1 năm ngoái.
“Lây nhiễm đang diễn ra rất mạnh trên cả nước và đến cuối đợt dịch này, có lẽ khoảng 30-40% dân Mỹ bị nhiễm Omicron”, cựu cao uỷ viên của Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Liên bang (FDA) Scott Gottlieb, một thành viên hội đồng quản trị hãng dược Pfizer, nói với CNBC.
Tại Pháp, số ca nhiễm mới đã lập thêm kỷ lục vào ngày thứ Ba, với 368.149 ca, phá vỡ kỷ lục trước đó ghi nhận vào hôm 5/1.
Tại Philippines, tỷ lệ xét nghiệm Covid cho kết quả dương tính đã lên tới 46% vào hôm thứ Hai, cao gấp hơn 4 lần so với con số ở thời điểm cuối năm 2021, theo hãng tin Bloomberg. Lây nhiễm ở Philippines đã tăng mạnh sau kỳ nghỉ Giáng sinh và đón năm mới, khiến hơn một số giường ICU tại các bệnh viện ở nước này đang có bệnh nhân, dẫn tới những dự báo cho rằng Chính phủ Philippines sẽ phải sớm tái áp các biện pháp hạn chế.