Châu Âu có thêm gần 2 triệu ca COVID-19 trong một tuần

Ở nhiều quốc gia Trung và Đông Âu, việc người dân chần chừ tiêm vắc xin đã dẫn đến tình trạng quá tải ở các bệnh viện, khiến nhiều người liên tưởng đến những ngày đầu khi đại dịch COVID-19 càn quét nước Ý.

Người dân ngồi nghỉ sau khi tiêm vắc xin ngừa COVID-19 ở Heverlee (Bỉ). Ảnh: AP

“Chín trong số 10 bệnh nhân nằm phòng chăm sóc đặc biệt của chúng tôi đã tử vong”, ông Ivan Poromanski, người đứng đầu bệnh viện Pirogov cho biết. Đây là một trong những cơ sở y tế lớn nhất ở thủ đô Sofia của Bulgaria, nơi điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nặng. Đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có 23% trong số gần 7 triệu người của Bulgaria được tiêm đủ liều, mức thấp nhất trong Liên minh châu Âu (EU).

Ngày 9/11, Bulgaria ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 cao kỷ lục, với 334 ca chỉ trong 24 giờ. Dữ liệu chính thức cũng cho thấy hơn 8.500 người đang phải nằm viện. Trong đó có 734 người cần được chăm sóc đặc biệt.

Nhiều quốc gia, từ Cộng hòa Séc đến Gruzia, đang phải khổ sở đối phó với số ca mắc mới COVID-19 và số ca nhập viện cao chót vót. Latvia đã phải tăng công suất bệnh viện lên mức cao hơn cả thời kỳ đầu bùng dịch.

Nước láng giềng phía Bắc của Bulgaria, Romania thậm chí đã phải chuyển bệnh nhân nặng đến Đức, Hungary và Ba Lan vì hết giường chăm sóc đặc biệt. Tỷ lệ tiêm chủng đủ liều ở Romania hiện mới chỉ đạt khoảng 34%, thấp thứ hai trong EU. Tháng trước, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cử một nhóm chuyên gia đến Romania để hỗ trợ chính phủ nước này đối phó với COVID-19.

Tại Nga, số ca tử vong do COVID-19 chạm mốc kỷ lục 1.211 ca vào ngày 9/11 dù đã kết thúc giai đoạn 9 ngày nghỉ làm trên toàn quốc để hạn chế sự lây lan của virus. Trong suốt giai đoạn này (từ ngày 30/10 đến 7/11), số ca mắc mới COVID-19 hằng ngày vẫn ở mức cao.

Tại Ukraine, số ca mắc mới và tử vong do COVID-19 đều lần lượt chạm mốc kỷ lục với 27.377 ca mắc (ngày 4/11) và 833 ca tử vong (ngày 9/11). Dù hiện Ukraine có sẵn bốn loại vắc xin là Pfizer/BioNTech, Moderna, AstraZeneca và Sinovac, nhưng hiện chỉ có 18% dân số nước này được tiêm chủng đầy đủ.

Ngay cả ở những nơi có tỷ lệ tiêm chủng cao như Anh hoặc Đức - nơi gần 70% dân số được tiêm chủng đầy đủ - số ca bệnh lại một lần nữa tăng đột biến.

Báo cáo dịch tễ học hàng tuần của WHO công bố ngày 10/11 cho thấy khu vực châu Âu đã ghi nhận thêm 1,9 triệu ca mắc mới COVID-19 trong tuần qua, với hơn 26.700 ca tử vong, tương đương 63% tổng số ca mắc toàn cầu và 55% tổng số ca tử vong.

Theo WHO, số ca mắc mới ở châu Âu đã tăng 7%, trong khi số ca tử vong tăng 10%. Con số này cao hơn nhiều so với mức trung bình của thế giới: số ca mắc mới tăng 1%, và số ca tử vong giảm 4%. Ngoài châu Âu, chỉ có châu Phi cũng ghi nhận sự gia tăng số ca mắc mới.

Tính từ ngày 1 đến ngày 7/11, các nước ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 cao nhất thế giới lần lượt là Mỹ (510.968 ca), Nga (281.305 ca), Anh (252.104 ca), Thổ Nhĩ Kỳ (197.335 ca) và Đức (169.483 ca).

Bà Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật về COVID-19 của WHO cho biết vắc xin đã giúp giảm hiệu quả số ca bệnh nặng và số ca tử vong ở nhiều quốc gia. Nhưng số ca bệnh đang gia tăng khi các chính phủ đang dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang và giữ khoảng cách. Ở bán cầu Bắc, mùa đông đến cũng khiến mọi người tăng cường ở trong không gian kín, tạo điều kiện cho virus lây lan.

Các yếu tố khác cũng đóng vai trò nhất định, bao gồm sự chững lại của chiến dịch tiêm chủng, cũng như việc triển khai chậm trễ các mũi tiêm tăng cường cho nhóm nguy cơ cao.

Bài học từ châu Âu

Để làm chậm tốc độ lây lan của COVID-19, nhiều quốc gia châu Âu đã buộc phải áp dụng trở lại các biện pháp hạn chế sau nhiều tháng mở cửa.

Tại Đan Mạch – nơi tỷ lệ tiêm chủng đủ liều đạt mức cao (khoảng 70%), quy định đeo khẩu trang cùng nhiều lệnh hạn chế khác đã được dỡ bỏ từ tháng 9. Tuy nhiên, do số ca mắc mới đang tăng trở lại (khoảng 2.000 ca/ngày), chính phủ nước này đang xem xét áp dụng yêu cầu xuất trình giấy chứng nhận tiêm chủng hoặc kết quả xét nghiệm âm tính đối với khách đến quán bar, nhà hàng.

Tại Pháp, học sinh tiểu học sẽ bắt đầu phải đeo khẩu trang trở lại từ ngày 15/11, sau khoảng gần một tháng được thoải mái bỏ khẩu trang.

Giám đốc WHO khu vực châu Âu – Hans Kluge mới đây đã cảnh báo các quốc gia khác, đặc biệt là Mỹ, nên chú ý và rút bài học từ châu Âu để sớm đưa ra các biện pháp phù hợp khi làn sóng dịch mới manh nha xuất hiện.

“Nguyên tắc cơ bản là nếu số ca bệnh tăng nhanh trong thời gian ngắn thì đừng chờ đợi. Hãy áp dụng trở lại các biện pháp phòng dịch càng sớm càng tốt, càng chặt chẽ càng tốt”, Kluge nói với CBS News. “Vắc xin là yếu tố thay đổi cuộc chơi. Nhưng chỉ mình vắc xin thì chưa đủ. Chúng ta cần duy trì đeo khẩu trang, rửa tay, giữ cho không gian thông thoáng, đặc biệt là ở các trường học.”

Khi được hỏi về Lễ Tạ ơn và Giáng sinh sắp tới – hai ngày lễ quan trọng nhất năm đối với người Mỹ, Kluge cho rằng người dân có thể tổ chức các sự kiện một cách an toàn, giảm số lượng người tụ tập. Ông cũng đặc biệt lưu ý sự cần thiết của tiêm chủng và thông gió ở các không gian kín.