Chi hoa hồng 19,5%, thị trường chỉ 1-2%
Tại báo cáo gửi Quốc hội kết quả công tác kiểm toán ngân sách Bộ, ngành, địa phương năm 2021, Kiểm toán Nhà nước phát hiện một số doanh nghiệp kê khai xác định giá giao dịch liên kết theo phương pháp lợi nhuận chưa phù hợp, không lập hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết (tỉnh Bình Dương).
Cá biệt, cơ quan kiểm toán phát hiện có trường hợp hạch toán vào chi phí hợp lý để xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) một số khoản không hợp lý, không có căn cứ, làm giảm lớn số thuế TNDN phải nộp ngân sách nhà nước.
Khu đô thị du lịch bản Phan Thiết
Đó là trường hợp ở tỉnh Bình Thuận. Công ty TNHH Khu đô thị Du lịch biển Phan Thiết ký hợp đồng với hai công ty môi giới bất động sản tại TP.HCM với tỷ lệ 19,5%/giá trị bất động sản môi giới thành công, trong khi mức phí môi giới bất động sản phổ biến hiện nay trên thị trường là 1-2% giá trị bất động sản.
“Việc công ty ký các hợp đồng môi giới với mức chi phí cao bất thường (gấp khoảng 10 lần so với mức chi phí môi giới phổ biến trên địa bàn tỉnh Bình Thuận) đã làm tăng chi phí hợp lý và làm giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp rất lớn”, Kiểm toán Nhà nước nêu rõ.
Ngoài 1 vụ việc chuyển cơ quan điều tra, Kiểm toán Nhà nước đã cung cấp 160 báo cáo kiểm toán và các tài liệu có liên quan cho các đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra TƯ, Cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát.
Kiểm toán Nhà nước cũng đã chuyển điều tra, xử lý hành vi có dấu hiệu trốn thuế thu nhập doanh nghiệp của Công ty TNHH Khu đô thị Du lịch biển Phan Thiết.
Về công tác quản lý thu tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, Kiểm toán Nhà nước thấy rằng có địa phương chưa điều chỉnh đơn giá thuê đất khi hết thời kỳ ổn định đơn giá thuê; cho thuê đất nhưng chưa có hồ sơ liên quan nên cơ quan thuế tạm thu theo giá đất từ nhiều năm trước hoặc theo giá đất hiện hành; chậm tính và thu tiền thuê đất đối với các trường hợp đã được UBND tỉnh phê duyệt giá đất.
Đối với chi thường xuyên, tình trạng chi chưa đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức, nguồn kinh phí vẫn còn tồn tại. Quản lý, sử dụng nguồn viện trợ chưa đúng quy định; chưa xử lý dứt điểm tình trạng bị lấn chiếm về nhà, đất kéo dài qua các năm. Đơn cử, Đại học Quốc gia TP.HCM, có 426/782 hộ dân chưa đồng ý bàn giao mặt bằng cho trường; tổng diện tích hiện đang bị lấn chiếm, xây dựng trái phép là 312.601m2,...
Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước chỉ ra việc lập dự toán và cấp kinh phí hoạt động cho lao động hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP, cấp lương và phụ cấp cho biên chế chưa được tuyển dụng không phù hợp quy định, chi cho công an viên, phó trưởng thôn ngoài số lượng những người hoạt động không chuyên trách ở xã theo quy định (tỉnh Bình Thuận).
Kiểm toán Nhà nước cũng nêu về tình hình nợ đọng xây dựng cơ bản. Đến 31/12/2020, tại một số địa phương còn nợ đọng xây dựng cơ bản với giá trị lớn: Hà Nam 5.924 tỷ đồng; Ninh Bình 5.371 tỷ đồng; Lào Cai 620 tỷ đồng; Hà Giang 363 tỷ đồng; Hà Tĩnh 335 tỷ đồng; Sơn La 307 tỷ đồng...
Một số địa phương còn để phát sinh mới nợ xây dựng cơ bản trong năm 2020 như tỉnh Hưng Yên 353,4 tỷ đồng; Hà Tĩnh 163,5 tỷ đồng; Sơn La 163,4 tỷ đồng; Lào Cai 132,7 tỷ đồng...
Kiểm toán chỉ ra nhiều vấn đề liên quan quản lý thuế. Ảnh: L.Bằng
Quản lý thuế còn nhiều vấn đề
Kiểm toán Nhà nước cũng thông tin một số kết quả kiểm toán chuyên đề công tác quản lý nhà nước tại Tổng cục Thuế và các Cục Thuế liên quan đến việc hoàn thuế, miễn, giảm, gia hạn thuế, chống trốn thuế, chuyển giá năm 2020.
Theo đó, một số Cục Thuế chưa đôn đốc kịp thời số truy thu, truy hoàn, tiền phạt, tiền chậm nộp, thu hồi qua công tác thanh tra, kiểm tra để nộp ngân sách số tiền 7.188 tỷ đồng, chưa thu hồi khoản tiền thuế đã hết thời gian gia hạn 3.112 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, công tác lập dự toán hoàn thuế chưa sát thực tế, chưa đánh giá tác động của cơ chế chính sách đến số hoàn thuế giá trị gia tăng; giải quyết hồ sơ hoàn thuế chưa kịp thời; công tác quản lý miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế còn nhiều sai sót; chưa xác định lại đơn giá thuê đất đối với các thời kỳ ổn định đơn giá thuê; thủ tục giải quyết, xử lý hồ sơ còn chậm, chưa chặt chẽ.
Theo Kiểm toán Nhà nước, một số cơ chế chính sách miễn, giảm, gia hạn, hoàn thuế, chống trốn thuế và chuyển giá còn bất cập, chưa rõ ràng, cụ thể, chậm được sửa đổi và chưa sát thực tế. Điều đó gây khó khăn trong tổ chức thực hiện; hiệu quả chính sách chưa cao, mới mang tính chất giải quyết khó khăn theo từng thời điểm, chưa mang tính ổn định, liên tục...
Không chuyển tiếp kiểm toán chuyên đề y tế sang 2022
Theo kế hoạch kiểm toán năm 2021, Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán 190 cuộc (181 cuộc theo KHKT đầu năm; 17 cuộc bổ sung; 08 cuộc giảm), dự kiến tổ chức thành 211 đoàn kiểm toán. Đến 30/9/2021, toàn ngành đã triển khai 146/211 đoàn, kết thúc 108 đoàn (đạt 51% kế hoạch), phát hành 88 BCKT, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.
Do dịch Covid-19, đến 30/8/2021 có 37 đoàn phải dừng kiểm toán, đến nay các đoàn đã tiếp tục triển khai kiểm toán (tại những địa phương đã kiểm soát được dịch Covid-19 và có văn bản đề nghị KTNN tiếp tục kiểm toán.
Đối với các cuộc kiểm toán không thực hiện được trong năm 2021 do tác động của dịch Covid-19, một số cuộc sẽ chuyển sang năm 2022. Tuy nhiên, riêng các cuộc kiểm toán chuyên đề y tế không chuyển tiếp.