Chi tiết việc Bộ Tài chính, Bộ Công Thương "nhường" nhau quản lý xăng dầu

Ban đầu, Bộ Tài chính lẫn Bộ Công Thương đều muốn "nhường" bộ còn lại quản lý xăng dầu. Đến khi Bộ Công Thương đổi ý, Bộ Tài chính vẫn giữ nguyên quan điểm.

Bộ Công Thương, Bộ Tài chính từng nhiều lần công khai "nhường" nhau quản lý xăng dầu. Trong vòng một tháng qua, thực trạng này diễn biến còn "căng" hơn khi 2 lần Bộ Công Thương đưa ra dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu là 2 lần Bộ Tài chính có ý kiến trái chiều.

Ở dự thảo Nghị định lần 1, Bộ Công Thương đề xuất giao toàn bộ việc điều hành và tính toán các chi phí kinh doanh xăng dầu cho Bộ Tài chính. Còn Bộ Công Thương sẽ chỉ phối hợp theo chức năng nhiệm vụ được giao.

Lý lẽ được Bộ Công Thương đưa ra là phương án này bảo đảm việc phân công, quản lý xăng dầu về đúng chức năng nhiệm vụ của các bộ, ngành. Bộ Tài chính có chuyên môn về lĩnh vực tài chính sẽ tính toán, hướng dẫn và công bố giá điều hành với mặt hàng xăng dầu.

Trường hợp giữ nguyên các quy định hiện hành, Bộ Công Thương cho rằng nhược điểm là khi có vấn đề phát sinh, cần phải có sự phối hợp giữa các bộ, ngành để cùng xử lý.

Ngay lập tức, Bộ Tài chính góp ý việc giao thống nhất nhiệm vụ về giá cho Bộ Công Thương sẽ giúp cơ quan chủ trì điều hành giá nắm bắt bản chất của các yếu tố hình thành giá cơ sở để điều hành giá xăng dầu, phù hợp thực tế phát sinh.

Bộ Tài chính cho rằng Bộ Công Thương là cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, cũng là cơ quan chủ trì điều hành giá xăng dầu.

Tuy nhiên, một số nhiệm vụ thuộc công tác điều hành giá xăng dầu lại được phân công cho Bộ Tài chính như giám sát trích lập, sử dụng quỹ bình ổn giá, rà soát tính toán công bố các khoản định mức để tính giá cơ sở. Điều này dẫn đến sự phân tán trong khâu tổ chức thực hiện.

Chi tiết việc Bộ Tài chính, Bộ Công Thương nhường nhau quản lý xăng dầu - 1

Hình ảnh một cửa hàng xăng dầu đóng cửa vào giai đoạn nguồn cung căng thẳng cuối năm 2022 (Ảnh: VH).

Sang đến dự thảo lần 2, Bộ Công Thương "rút kinh nghiệm" khi thôi muốn chuyển hẳn cho Bộ Tài chính quản lý xăng dầu mà đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành. Tuy nhiên, Bộ Tài chính vẫn muốn nhường hết việc quản lý xăng dầu cho Bộ Công Thương. Bộ Tài chính sẽ chỉ thực hiện chức năng thanh, kiểm tra.

Bộ Tài chính lập luận, việc giao 2 Bộ quản lý sẽ gây phân tán trong khâu tổ chức thực hiện; làm phát sinh thêm quy trình và gây khó khăn cho cơ quan điều hành giá vì giá cơ sở là tổng hòa của các yếu tố hình thành giá, không chỉ đơn giản là việc quyết định tăng hoặc giảm giá tại thời điểm điều hành giá.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương là cơ quan quản lý, cấp phép các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu; hướng dẫn hoạt động kinh doanh; xuất nhập khẩu… bảo đảm cung ứng xăng dầu được ổn định, đáp ứng nhu cầu xăng dầu trên địa bàn.

Vì vậy, Bộ Công Thương có thể chủ động xác định chính xác và tính toán các yếu tố hình thành giá cơ sở và công bố điều hành; chủ động phương án điều hành trong những tình huống thiếu hụt, bất thường.

Hiện nay, Bộ Công Thương là cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, đồng thời là cơ quan chủ trì điều hành giá xăng dầu. Trong khi đó, Bộ Tài chính thực hiện việc giám sát trích lập, sử dụng quỹ bình ổn giá, rà soát tính toán công bố các khoản định mức để tính giá cơ sở.