Cụ thể, thu nhập từ lãi và thu nhập từ hoạt động dịch vụ (không bao gồm thu phí từ dịch vụ ngân hàng đầu tư) của TCB tăng trưởng mạnh, đóng góp chính nâng tổng thu nhập hoạt động lên 40,9 nghìn tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước.
Thu nhập từ lãi đạt 30,3 nghìn tỷ đồng, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước,
Thu nhập từ hoạt động dịch vụ tăng 24,8% so với cùng kỳ năm, đạt 9,7 nghìn tỷ. Trong đó, thu phí từ dịch vụ thẻ đạt 1.980,6 tỷ đồng (tăng 83,5% so với cùng kỳ).
Thu phí từ dịch vụ bảo hiểm (đạt 1.750,6 tỷ đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm ngoái): Trong năm 2022, Techcombank đã ghi nhận mức phí bảo hiểm quy năm (APE) đạt 1,5 nghìn tỷ đồng, tăng 23,0% so với cùng kỳ năm ngoái. Chiến lược tập trung tăng cường sự thâm nhập vào phân khúc khách hàng thu nhập cao (AFF) đã giúp APE của phân khúc này tăng trưởng 57% so với cùng kỳ.
Thu từ thư tín dụng (LC) (đạt 2.016,0 tỷ đồng, tăng 154,0% N/N), tiền mặt & các khoản thanh toán (đạt 467,7 tỷ đồng, tăng 76,2% N/N). Kết quả tích cực này đến từ việc tăng cường số hóa và cá nhân hóa sản phẩm, bao gồm những giải pháp tối ưu cho ngoại hối và giao dịch, và ứng dụng hàng đầu mới cho khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ (BB). Sau 7 tháng từ ngày ra mắt, tổng khối lượng giao dịch trên nền tảng số của tập khách hàng BB tăng 33,5% so với cùng kỳ, chiếm 78,4% tổng giá trị thanh toán của phân khúc này trong năm 2022. Song song với đó, Ngân hàng tiến tới việc cung cấp các khoản vay được phê duyệt trước thông qua kênh số hóa với tổng giá trị lên tới 1 nghìn tỷ đồng, đã cải thiện đáng kể trải nghiệm của khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, và dần dần trở thành ngân hàng giao dịch chính của khách hàng.
Ông Jens Lottner, Tổng Giám đốc Techcombank cho biết: “Techcombank khép lại năm 2022 nhiều biến động, kiên định đà phát triển bền bất chấp những ảnh hưởng không thuận lợi trong một số lĩnh vực kinh doanh chính của Ngân hàng. Chúng tôi cho rằng một số thách thức này có khả năng vẫn tiếp diễn, đặc biệt trong nửa đầu năm 2023. Tuy nhiên chúng tôi tự tin vào đà tăng trưởng và khả năng duy trì thế mạnh nổi trội như chất lượng tài sản, vị thế thanh khoản và hoạt động hiệu quả, khả năng sinh lời của Ngân hàng”.
Chiến lược quản lý chuỗi giá trị giúp chủ động ứng phó, giảm thiểu rủi ro
Cuối năm 2022, tổng tài sản Techcombank đạt 699,0 nghìn tỷ đồng, tăng 22,9% so với đầu năm. Danh mục tín dụng tiếp tục được chuyển dịch từ cho vay doanh nghiệp lớn sang cho vay cá nhân, giảm thiểu rủi ro danh mục và tăng hiệu quả sử dụng vốn của Ngân hàng.
Dư nợ cho vay khách hàng cá nhân tăng 40,1%, đạt 226,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 49,1% danh mục tín dụng của Ngân hàng (tăng từ mức 39,4% tại ngày 31 tháng 12 năm 2021). Dư nợ cho vay khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng 7,3% so với cùng kỳ, đạt 69,4 nghìn tỷ đồng.
Chia sẻ tại buổi “Gặp gỡ nhà đầu tư cá nhân” ngày 02/02/2023, ông Ngô Hoàng Hà, Giám đốc cao cấp Tài chính Doanh nghiệp TCB cho biết, mảng bất động sản là một trong những mảng trụ cột của Ngân hàng. Mảng bất động sản trong quý 4/2022 chịu khó khăn tạm thời khi lãi suất tăng cao, thanh khoản co hẹp nhưng về dài hạn vẫn rất tích cực khi tỷ lệ đô thị hóa ở Việt Nam còn thấp, tỷ lệ đáp ứng nhu cầu nhà ở chỉ 5%. TCB sẽ tiếp tục phát triển mạnh ở mảng này bên cạnh việc đa dạng hóa các mảng khác.
Để vượt qua khó khăn giai đoạn này, TCB đã thực hiện chiến lược quản lý chuỗi giá trị, tức là quản lý từ chủ đầu tư, bên thi công xây dựng cho đến khách hàng cá nhân. Điều này giúp TCB quản lý được về mặc dòng tiền nên rủi ro sẽ thấp hơn và hiểu ngay được khi nào thì doanh nghiệp bất động sản có khó khăn dòng tiền và xử lý kịp thời.
Ngoài ra, TCB chọn các khách hàng doanh nghiệp uy tín có chất lượng tài chính lành mạnh, dự án có pháp lý tốt. Đối với khách hàng cá nhân, TCB cho vay những khách hàng có thu nhập cao.
TCB cũng đã chuẩn bị các kịch bản ứng phó với biến động của thị trường. Chẳng hạn, thách thức tương tự Quý 4/2022 kéo dài trong những tháng đầu năm 2023, hay kịch bản khó khăn hơn là lãi suất tiếp tục tăng, tỷ giá biến động mạnh…. Trong cả hai kịch bản thì nợ xấu TCB đều được kiểm soát ở mức ổn định, và không ảnh hướng đến tình hình tài chính ngân hàng.
Cân bằng lợi ích sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn
Cũng theo ông Hà, khi đánh giá thời hạn trả nợ khoản huy động thì luôn dựa vào thực tế, chẳng hạn cho vay dài hạn 30 năm nhưng thực tế khách hàng trả nợ 3-5 năm.
Đối với phần huy động không kỳ hạn (CASA), có 2 nguồn: thanh toán và đầu tư.
Đối với CASA thanh toán, khách hàng thường duy trì một mức số dư trên tài khoản tiền gửi không kỳ hạn để thanh toán các khoản như điện, nước… Bản chất khoản này khá ổn định, duy trì trong dài hạn (PV- Hơn 80% khách hàng cá nhân duy trì CASA hơn 12 tháng).
Đối với khoản tiền gửi 1 tháng, 6 tháng hay 12 tháng, thường khách hàng không rút ra mà tái gửi lại. Điều này giúp TCB luôn duy trì được thanh khoản, đánh giá được khoảng chênh lệch giữa tài sản và huy động, đưa ra được quản lý rủi ro kịp thời nếu có.
Bên cạnh đó, việc đa dạng hóa nguồn vốn, gồm huy động khách hàng trong nước và nước ngoài (huy động hơn 1 tỷ USD trong năm 2022 khoảng trung dài hạn 3-5 năm) giúp TCB đảm bảo tỷ lệ ngắn hạn cho vay trung dài hạn duy trì mức thấp (28.8%).
Xu hướng dòng tiền ổn định giúp nợ nhóm 2 sẽ chuyển sang nhóm 1
Quý 4, dư nợ nhóm 2 của TCB tăng do khách hàng có khó khăn tạm thời về dòng tiền. Tuy nhiên, theo ông Hà, với kế hoạch trả nợ mới và xu hướng dòng tiền thì TCB tin rằng khách hàng sẽ trả nợ theo đúng thời hạn mới và khoảng nợ này sẽ chuyển về nhóm 1 trong năm 2023.
Về quản lý nợ xấu, TCB làm việc với các doanh nghiệp phát triển bất động sản có tiềm lực mạnh, chủ động quản lý dòng tiền từ chủ đầu tư đến người mua cuối cùng, nên biết rõ khi nào khách hàng có dòng tiền về và trả nợ được bao nhiêu. Do đó, TCB không bị động trong việc khách hàng có trả nợ được hay không. “Điều quan trọng là Techcombank đồng hành cùng khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn này. Bên bộ phận quản lý rủi ro của Ngân hàng cũng liên tục đưa ra các kịch bản của nền kinh tế về lãi suất, thanh khoản, những ảnh hưởng toàn cầu, từ đó đưa ra phương án xử lý kịp thời”, ông Hà nói thêm.