Chiến sự Nga - Ukraine: Chưa giảm nhiệt dù 2 bên hòa đàm

Nga tiếp tục kiểm soát thêm thành phố của Ukraine và tiến về Kiev trong khi hai bên bước vào vòng hòa đàm đầu tiên về khả năng chấm dứt chiến tranh.

28-2 là ngày thứ năm liên tiếp của chiến dịch quân sự đặc biệt Nga nhằm vào Ukraine. Đã có chuyển biến tích cực trên mặt trận ngoại giao khi hai bên bắt đầu phiên đối thoại đầu tiên thảo luận các thủ tục và điều kiện đình chiến. Tuy nhiên, các nguồn tin thực địa cho biết giao tranh vẫn diễn ra dữ dội khi quân Nga tiếp tục đà tiến mạnh về phía thủ đô Kiev và các mục tiêu xung quanh.

Nga có bước tiến mới, Kiev vẫn vững phòng thủ

Theo cập nhật mới nhất của Bộ Quốc phòng Nga, lực lượng Nga trong ngày 28-2 đã kiểm soát thành công hai TP thuộc tỉnh Zaporizhzhya phía đông nam Ukraine là Berdyansk và Enerhodar, hãng tin Reuters cho biết. Hai TP nằm trên bờ biển hướng nhìn ra biển Azov và là hai địa phương của Ukraine mới nhất phía Nga chiếm được, sau TP Melitopol hôm 26-2.

Phái đoàn Nga (trái) và Ukraine (phải) trong phiên hòa đàm ngày 28-2 ở Belarus. Ảnh: TASS

Cột khói bốc lên từ những khu vực bị trúng đạn pháo Nga ở thủ đô Kiev của Ukraine ngày 27-2. Ảnh: GETTY IMAGES

Thị trưởng Berdyansk cho biết các binh sĩ Nga khi tiến vào TP đã đề nghị chính quyền địa phương tiếp tục hoạt động như bình thường nhưng họ từ chối và đồng loạt rời khỏi văn phòng để phản đối, còn tình hình ở Enerhodar thì không rõ.

Nga cũng tuyên bố kiểm soát luôn cả Nhà máy hạt nhân Zaporizhzhya trong vùng và cho hay nhà máy vẫn hoạt động bình thường, mức độ phóng xạ vẫn được giữ ở mức ổn định. Zaporizhzhya là nhà máy hạt nhân lớn nhất của Ukraine và toàn châu Âu nói chung, đóng vai trò then chốt trong mạng lưới năng lượng của nước này. Phía Ukraine sau đó đã ra thông báo bác bỏ thông tin Zaporizhzhya rơi vào tay Nga.

Ở nhiều TP khác khu vực phía nam Ukraine, truyền thông quốc tế cho biết lực lượng Nga tiến hành các đợt pháo kích và bắn tên lửa làm hư hại nhiều cơ sở hạ tầng dân sự lẫn quân sự. Những TP có vị trí chiến lược quan trọng và đông dân cư như Chernihiv và Kharkiv - TP lớn thứ hai của Ukraine, trở thành những mục tiêu bị lực lượng Nga đặc biệt nhắm vào. Các đợt bắn pháo tại các địa phương này được cho là kéo dài cả đêm 27 đến rạng sáng 28-2.

Nhiều đơn vị trên bộ Nga được tung vào Chernihiv và Kharkiv nhưng gặp phải kháng cự mạnh, theo đài CNBC. Hiện quân Nga được cho là đã quyết định đi vòng qua Chernihiv để tiếp tục hướng mũi tấn công đến Kiev, còn kế hoạch đánh chiếm Kharkiv vẫn được tiến hành.

Thủ đô của Ukraine đến nay vẫn chưa bị thất thủ, các vòng phòng thủ bên trong Kiev và các khu vực vòng ngoài vẫn được giữ vững. Tướng Oleksandr Syrskyi, Chỉ huy lực lượng trên bộ Ukraine, khẳng định các lực lượng bảo vệ Kiev vừa thành công đẩy lùi một số đợt tấn công quy mô lớn của Nga hôm 27-2. Tuy nhiên, nhiều nguồn tin Ukraine và phương Tây tiết lộ trên thực tế các binh sĩ thuộc đơn vị trinh sát Nga đã xâm nhập vào Kiev, mặc quân phục Ukraine để cải trang.

Tờ The Guardian cũng cho biết hình ảnh cho thấy Nga đang tập trung một lượng lớn thiết giáp và xe tăng tiến về Kiev từ hướng tây bắc theo một đoàn dài khoảng 5 km, tuy phần lớn các nhóm quân chủ lực trong chiến dịch quân sự đặc biệt vẫn cách Kiev khoảng 30 km và đang bị phân tán vì các đợt giao tranh với quân Ukraine tại những vùng xung quanh.

Nhìn chung, bản đồ chiến sự Ukraine cho thấy Nga đã giành được thế chủ động và kiểm soát tình hình ở khu vực phía nam nhưng giới chức quân sự Ukraine và phương Tây khẳng định đà tiến công của Nga đã chậm đi với lý do là nước này gặp vấn đề về hậu cần và thiếu hụt nhiên liệu. Ngược lại, quan chức Moscow khẳng định lúc này đã hoàn toàn làm chủ không phận Ukraine và đang bao vây những khu vực quan trọng gần bán đảo Crimea để mở đường cho lực lượng Nga ở đây tiến vào tham chiến.

Nga, Ukraine ngồi vào đàm phán

Tối 28-2 (giờ Việt Nam), phái đoàn Ukraine đã đến TP Gomel của Belarus để bắt đầu phiên đối thoại đầu tiên với phái đoàn Nga về thỏa thuận đình chiến. Cuộc đàm phán được cho là bắt đầu muộn hơn vài giờ vì lý do hậu cần từ phía đoàn Ukraine. Cụ thể, hãng tin Sputnik dẫn nguồn tin nội bộ tiết lộ phái đoàn Ukraine đã di chuyển qua Ba Lan để đến Belarus, thay vì di chuyển trực tiếp từ Ukraine sang.

“Do lo ngại cho sự an toàn tính mạng, phái đoàn Ukraine đã không chọn đường đi trực tiếp qua Gomel, mà đến Belarus thông qua chốt kiểm soát cầu Warsaw của Ba Lan. Họ chọn một hành trình khá dài” - người này khẳng định.

Về nguyện vọng của hai bên, Reuters cho hay Văn phòng tổng thống Ukraine ra thông báo khẳng định các mục tiêu chính của Ukraine khi đàm phán với Nga là Nga phải ngừng bắn ngay lập tức và rút quân.

Trong khi đó, trưởng đoàn đàm phán của Nga là ông Vladimir Medinsky - trợ lý của Tổng thống Putin chỉ chia sẻ là Moscow mong muốn “đạt được một thỏa thuận nào đó” với Ukraine càng sớm càng tốt và phải phù hợp với lợi ích của hai bên. Phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov thì cho rằng thế giới nên để cho Moscow và Kiev đàm phán trong im lặng, đồng thời bày tỏ sự tiếc nuối là đàm phán không thể bắt đầu sớm hơn.

Trước đó, trong bài phát biểu hôm 27-2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từng khẳng định ông sẵn sàng đàm phán với Nga nhưng bác bỏ đề xuất của Moscow về việc tổ chức cuộc gặp tại Belarus. Nhà lãnh đạo Ukraine muốn lựa chọn một nước trung lập hơn như Ba Lan hoặc Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Zelensky nói rằng “các hành động gây hấn” từ lãnh thổ Belarus đồng nghĩa với việc không thể tổ chức các cuộc đàm phán ở nước này. Phía Ukraine được cho là đã đánh chặn một tên lửa hành trình phóng từ lãnh thổ Belarus về phía thủ đô Kiev.

Quyết định sang Belarus đàm phán chỉ được ông Zelensky đồng ý vào phút chót sau khi Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko gọi điện cho ông và đảm bảo sẽ giữ an toàn tối đa cho phái đoàn Ukraine lúc diễn ra đàm phán và khi trở về. Minsk cũng đồng ý sẽ đảm bảo các máy bay, trực thăng, tên lửa trên lãnh thổ Belarus phải “án binh bất động” trong suốt thời gian đó.

Đài CNN cho biết về quan điểm của giới chức Ukraine lúc này thì đây sẽ là một cuộc đàm phán không cần điều kiện tiên quyết và Kiev sẽ không đầu hàng. Dù vậy, Tổng thống Zelensky cho biết ông không có nhiều niềm tin vào kết quả đàm phán và kỳ vọng phương Tây tiếp tục hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. •

500.000 dân thường Ukraine đã phải di tản khỏi Ukraine kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt nhắm vào nước này, theo cập nhật ngày 28-2 của Văn phòng Cao ủy nhân quyền Liên Hợp Quốc. Con số dân thường thương vong đến nay là 406 người, gồm 102 người thiệt mạng và 304 người bị thương.

Cửa vào EU của Ukraine đang mở

Trong cuộc trả lời phỏng vấn trang Euronews hôm 28-2, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã tuyên bố Ukraine giống như một phần của Liên minh châu Âu (EU) và cả khối kỳ vọng nước này có thể gia nhập.

“Chúng tôi đã bắt đầu tiến trình kết nạp với Ukraine như tích hợp thị trường nước này vào một thị trường châu Âu duy nhất. Chúng tôi cũng hợp tác rất chặt chẽ về mạng lưới năng lượng với họ. Có rất nhiều vấn đề hai bên đang phối hợp tích cực với nhau và theo thời gian, họ dần dần thuộc về EU. Họ là một phần của khối và chúng tôi muốn kết nạp họ” - bà Leyen cho biết.

“Phát ngôn của bà Leyen nhiều khả năng có liên quan tới phát biểu của Tổng thống Volodymyr Zelensky hôm 26-2 khi ông kêu gọi trên trang Twitter chính thức rằng giờ là thời điểm quyết định EU nên thông qua quyết định kết nạp Ukraine vào khối và ông cũng đã thảo luận vấn đề với người đứng đầu Hội đồng châu Âu” - Thủ tướng Bỉ Charles Michel cho biết.

Cũng trong ngày 28-2, EU ra thông báo sẽ “tài trợ cho việc mua và chuyển giao vũ khí” cho Ukraine. Khối cũng cấm các đơn vị truyền thông Nga như RT và Sputnik hoạt động ở các nước thành viên với cáo buộc các cơ quan này phát tán “thông tin sai lệch có hại”. Các biện pháp này bổ sung cho hàng loạt lệnh trừng phạt mà EU đã áp dụng đối với nền kinh tế Nga trước đó trong các lĩnh vực ngân hàng cũng như đối với hàng trăm quan chức, bao gồm cả Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Khi được hỏi về khả năng diễn ra các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine, bà Leyen cho biết điều quan trọng là Kiev “đồng ý với các cuộc đàm phán và các điều kiện đưa ra tích cực”. Dù vậy, theo bà, thách thức lớn nhất vào tiến trình hòa đàm lúc này nằm ở sự thiếu tin tưởng lẫn nhau giữa Kiev và Moscow.