Chiến sự ở Ukraine có thực sự ảnh hưởng đến cung khí từ Nga sang châu Âu?

08/03/2022 09:18

Bất chấp hàng loạt lệnh trừng phạt phương Tây áp lên Nga để đáp trả chiến dịch quân sự của nước này ở Ukraine, một thứ cho đến lúc này vẫn chưa bị ảnh hưởng.

Châu Âu vẫn phụ thuộc đáng kể vào khí đốt từ Nga – cung cấp khoảng 40% nhu cầu, và đang lo ngại Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể đáp trả theo khía cạnh này. Nhưng Nga, bơm khí đốt thông qua đường ống đi qua Ukraine và các quốc gia miền đông châu Âu khác, đang cần có nguồn thu.

Tình trạng hiện tại của sự phụ thuộc qua lại này hiện như nào.

Có sự gián đoạn nguồn cung khí đốt nào do chiến sự gây ra hay chưa?

Hiện tại là chưa. Nga vẫn cung cấp khí đốt qua châu Âu theo các hợp đồng dài hạn, theo các bên mua như Uniper và RWE ở Đức và các nhà giao dịch ở vùng Baltic.

Nhưng từ năm ngoái, Nga chỉ cung cấp khối lượng theo hợp đồng, không có bên mua nào muốn mua bổ sung và Nga cũng không dư nhiều khí đốt. Điều này khiến giá khí đốt tăng bởi, trong quá khứ, Nga thường cung cấp thêm hàng. Giá khí đốt còn tăng vì các nhà sản xuất lớn khác không thể tăng cung trong bối cảnh thị trường toàn cầu thắt chặt và lực cầu tăng khi kinh tế thế giới phục hồi từ đại dịch.

oalwke66gfjsrkt6vz3cermsw4-7767-16466713

Ảnh minh họa: Reuters.

Dòng chảy khí đốt từ Nga qua Ukraine đến châu Âu có bị ảnh hưởng bởi chiến sự? 

Chưa. Khối lượng khí đốt Nga được giao tại biên giới Slovakia, sau hành trình khoảng 800 dặm (1.287 km) qua Ukraine, trên thực tế còn tăng kể từ khi chiến sự ở Ukraine nổ ra, theo số liệu từ công ty vận chuyển khí đốt Eustream của Slovakia.

Giá khí đốt trên thị trường giao ngay tăng mạnh, khiến khí đốt Nga – thường được bán thông qua các hợp đồng dài hạn – hấp dẫn các bên mua ở châu Âu hơn, giới phân tích nhận định.

Ukraine cấm một số hoạt động giao dịch khí đốt xuyên biên giới nhưng thông báo không hạn chế dòng chảy khí đốt Nga sang châu Âu.

Trong Ukraine, một số đường ống phân phối phụ để tiêu thụ nội địa đã hư hại vì pháo kích và không kích, theo Gas TSO of Ukraine, đơn vị vận hành đường ống dẫn khí của Ukraine. Công ty thông báo buộc phải dừng cung ứng khí đốt cho một số khu vực, khiến hàng trăm nghìn người thiếu khí đốt.

Chuyện gì xảy ra tiếp theo với Nord Stream 2 sau khi Đức đóng băng dự án ống dẫn khí đốt Nga này?

Các tòa án có thể là điểm dừng tiếp theo cho những người ủng hộ Nord Stream 2 – những người muốn thách thức pháp lý với quyết định đưa ra hồi tháng 2 của Thủ tướng Đức Olaf Scholz là dưng cấp phép cho dự án ống dẫn khí đốt này.

Nord Stream 2 nếu đi vào hoạt động sẽ giúp gấp đôi công suất chuyển khí đốt hiện tại theo đường ống dẫn khí dưới biển Nord Stream 1 từ Nga sang Đức.

Nord Stream 2, trị giá 11 tỷ USD, được xây dựng dọc theo bờ biển từ Nga tới Đức. Nord Stream 2 đã hoàn thành nhưng chỉ khi được chính phủ Đức cấp phép, hệ thống đường ống này mới đi vào hoạt động. Nếu không, các đường ống sẽ vẫn nằm im, xuống cấp từ từ và gây thiệt hại cho đơn vị sở hữu – gã khổng lồ năng lượng Nga Gazprom cùng 5 công ty năng lượng phương Tây tham gia dự án.

Hồi sinh Nord Stream 2 cần có sự tái thiết niềm tin giữa hai nhà bảo trợ chính – chính phủ Nga và Đức – điều được giới chức Đức mô tả là rất khó nếu Tổng thống Vladimir Putin còn đương chức.

Trong một diễn biến có thể khiến tình hình thêm căng thẳng, Bộ Kinh tế Đức đang đánh giá lại Nord Stream 2 và có thể kết luận đường ống gây nguy hiểm, hơn là đóng góp, cho an ninh nguồn cung năng lượng Đức.

Nord Stream 1 hiện ra sao? Tại sao Nord Stream 1 không bị trừng phạt hay dừng hoạt động?

Nord Stream 1, đã vận chuyển khí đốt từ Nga suốt hơn một thập kỷ qua, hiện là huyết mạch khí đốt của Đức. Phần lớn khí đốt từ Nga đến Đức thông qua Nord Stream 1, do đó, nếu dừng hoạt động, kinh tế Đức sẽ chịu đòn giáng nghiêm trọng.

Nord Stream 2 là câu chuyện khác do hệ thống chưa đi vào hoạt động và đến lúc này, Đức chưa cần thêm nguồn cung khí đốt. Gazprom lập luận họ muốn xây Nord Stream 2 để cung ứng toàn bộ khí đốt cho Đức trực tiếp qua biển Baltic thay vì qua Ba Lan và Ukraine. Gazprom nhiều lần cáo buộc Ukraine đánh cắp khí đốt – điều Kiev đã bác bỏ.

120495943-nord-streams-pipelin-2992-7491

Vị trí đường ống Nord Stream 1 và 2. Đồ họa: BBC.

Tại sao Nga chưa đáp trả bằng cách dừng chuyển khí đốt cho phương Tây?

Điện Kremlin từng tuyên bố sẽ đáp trả các lệnh trừng phạt từ phương Tây nhưng chưa nêu cụ thể. Nhưng Nga không có lợi ích gì từ việc cắt vận chuyển khí đốt bởi điều đó sẽ khiến nước này mất nguồn thu và thúc đẩy các quốc gia phương Tây giảm phụ thuộc vào nguồn cung từ Moscow.

Suốt nhiều thập kỷ, Nga muốn xây dựng hình ảnh là bên cung ứng khí đốt tin cậy. Cuối năm 2021, khi Belarus dọa cắt đường ống dẫn khí qua lãnh thổ nước này để đáp trả các lệnh trừng phạt phương Tây áp lên Minsk, Nga lập tức trấn an các khách hàng châu Âu rằng sẽ đáp ứng đầy đủ các cam kết giao hàng hiện tại và tương lai.

Đức có cân nhắc kéo dài tuổi thọ một số nhà máy điện hạt nhân?

Ba nhà máy điện hạt nhân của Đức, cung ứng khoảng 12% tổng lượng điện trong năm 2021, dự kiến đóng cửa năm nay. Đức đã quyết định từ bỏ năng lượng hạt nhân sau thảm họa Fukushima ở Nhật Bản năm 2011.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck gần đây đề cập khả năng để các lò phản ứng hoạt động dài hơn.

Các trở ngại kỹ thuật, pháp lý và chính trị sẽ đáng kể và điện hạt nhân không thể thay thế hoàn toàn khí đốt từ Nga. Gia hạn hoạt động với các nhà máy điện hạt nhân đòi hỏi quốc hội Đức thay đổi các chính sách hiện hành, đồng nghĩa đối mặt với sự phản đối từ đảng Xanh.

Hai đơn vị vận hành nhà máy điện hạt nhân E. ON và RWE, đã hoài nghi về khả năng tiếp tục hoạt động sau ngày 31/12, cho biết nhiên liệu của họ sẽ sử dụng hết vào cuối năm 2022. Đơn vị còn lại, EnBW, thông báo để ngỏ mọi khả năng.

Trong khi đó, Đức đang cân nhắc các cách giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga, bao gồm tăng xây dựng các cảng để tiếp nhận khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và trì hoãn phá dỡ các nhà máy nhiệt điện dùng than nằm trong danh sách phải đóng cửa. Những tháng gần đây, Đức đã tăng sử dụng than.

Bạn đang đọc bài viết "Chiến sự ở Ukraine có thực sự ảnh hưởng đến cung khí từ Nga sang châu Âu?" tại chuyên mục THẾ GIỚI. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0931318385hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@biztoday.vn).  
#