Chiết khấu kiểu "ban phát", doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tiếp tục lên tiếng

“Hãy để các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối xăng dầu tự thỏa thuận với nhau về lợi ích, để họ tự phân chia lợi ích thì thị trường sẽ dần hài hòa…”.

xang-dau-1678163096.png Cần để thị trường xăng dầu tự vận hành.

Những gì diễn ra suốt hơn 1 năm qua đã chứng minh, chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ là do sự “ban phát” từ doanh nghiệp đầu mối. Đây là thực tế được ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc nêu lên tại toạ đàm “Kinh doanh xăng dầu và bài toán đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia - Tiếng nói người trong cuộc” do báo Tiền Phong tổ chức ngày 6/3/2023.

DOANH NGHIỆP BÁN LẺ PHẢI "BỎ TIỀN TÚI" ĐỂ TỒN TẠI

Theo ông Giang Chấn Tây, hơn một năm qua, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu phải dùng tiền túi để bù lỗ nhằm duy trì hoạt động kinh doanh. Cứ nghĩ rằng việc này chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, nhưng không ngờ nó diễn ra hơn một năm qua, khiến cho doanh nghiệp bán lẻ lỗ nặng, bị kiệt quệ về tài chính. Thậm chí có doanh nghiệp phải bán cả ruộng vườn, đất đai, cầm cố tài sản để bù lỗ.

Trong khi đó, khi quyết toán năm tài chính (trọn 1 năm) doanh nghiệp trích 20% nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và phân chia các quỹ khen thưởng, phúc lợi, bù lỗ các năm trước còn lỗ. Nên doanh nghiệp bán lẻ cũng không còn nguồn lực tài chính để gánh lỗ kéo dài hơn 1 chu kỳ kinh doanh.

chiet-khau-0-dong-1678163269.jpg Ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh): "Chiết khấu 0 đồng thì chắc chắn là sẽ có khâu khác gom hết của doanh nghiệp bán lẻ".

Có điều đặc biệt, ông Giang Chấn Tây ngạc nhiên, sau ngày 14/02/2023 (ngày diễn ra “Hội nghị góp ý sửa đổi Nghị định 95 về xăng dầu” do VCCI tổ chức) thì chiết khấu xăng dầu bắt đầu tăng lại từ 1.000 - 1.500 đồng/lít, tùy khu vực.

“Đây là hiện tượng không bình thường. Vậy chiết khấu này từ đâu mà có? Trong khi Nghị định thì chưa sửa lại và diễn biến thị trường không hề thay đổi. Có phải chăng do không phân chia rõ chi phí lưu thông và lợi nhuận định mức ở các khâu, nên doanh nghiệp đầu mối lợi dụng gom hết phần này? Nay thấy không thể thâu tóm được tất cả nên phải trích ra cho doanh nghiệp bán lẻ”, ông Tây đặt câu hỏi.

Dẫn lại giải đáp từ Bộ Công Thương cho rằng chiết khấu là do “thoả thuận để tạo công bằng, cạnh tranh”, tuy nhiên ông Tây phân tích, những gì diễn ra suốt hơn 1 năm qua đã chứng minh điều ngược lại, chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ là do sự “ban phát” từ doanh nghiệp đầu mối.

Bởi vì theo Thông tư 104 của Bộ Tài chính thì chi phí lưu thông và lợi nhuận định mức này có ghi rõ là bao gồm cả khâu bán buôn và khâu bán lẻ, nhưng chỉ vì không ghi rõ tỷ lệ phân chia ở các khâu, nên doanh nghiệp đầu mối đã lợi dụng kẻ hở này một cách triệt để hưởng hết phần chi phí này. Chiết khấu 0 đồng thì chắc chắn là sẽ có khâu khác gom hết của doanh nghiệp bán lẻ.

Vì vậy, ông Tây đề nghị liên Bộ Tài chính - Công Thương thành lập hội đồng để phân chia 1.350 đồng này xem doanh nghiệp bán lẻ nhận được bao nhiêu đồng? Để làm cơ sở cho việc phân chia chi phí cơ bản này trong Nghị định mới và làm cơ sở quay ngược lại truy thu phần mà doanh nghiệp bán lẻ bị chiếm đoạt.

“Mức nhận được của doanh nghiệp bán lẻ là 900 đồng/lít mà mới nhận được có 100 đồng/lít. Đề nghị doanh nghiệp đầu mối hoàn trả lại cho doanh nghiệp bán lẻ thêm 800 đồng/lít nữa và thống kê tổng số lượng hàng hóa bán ra để tính ra tổng mức mà doanh nghiệp đầu mối phải chi trả bổ sung cho doanh nghiệp bán lẻ. Nếu không, doanh nghiệp bán lẻ chúng tôi sẽ đồng loạt làm đơn gửi Chính phủ yêu cầu giải quyết”, ông Tây nói.

Đồng thời, ông Tây kiến nghị sửa Nghị định 95 và Nghị định 83 về xăng dầu, cần định vị lại doanh nghiệp bán lẻ. Cụ thể, trong Nghị định mới, nên dùng từ doanh nghiệp bán lẻ chứ không dùng từ là đại lý bán lẻ.

Dẫn Điều 166, Luật thương mại quy định “Đại lý thương mại là đại lý bán hàng để hưởng thù lao”, ông Tây cho biết trong hơn 1 năm qua, có tháng doanh nghiệp bán lẻ bán hàng với mức thù lao 0 đồng, thậm chí âm. Như vậy, về bản chất đây không phải là hoạt động đại lý.

Do vậy, ông Tây đề nghị được thực hiện theo Điều 11 của Luật Thương mại là: “Trong hoạt động thương mại, các bên hoàn toàn tự nguyện, không bên nào được thực hiện hành vi áp đặt, cưỡng ép, đe doạ, ngăn cản”.

Mặt khác, cho doanh nghiệp bán lẻ được lấy hàng ở nhiều nguồn, áp dụng theo Luật cạnh tranh, sẽ góp phần điều tiết nguồn hàng theo quy luật cung cầu để không bị chèn ép về thù lao, về nguồn hàng nhằm khắc phục tình trạng đầu mối găm hàng để hưởng chênh lệch giá.

Hơn nữa, phần chi phí lưu thông và lợi nhuận định mức cần phải phân chia rõ ở hai khâu là bán buôn và bán lẻ theo tỉ lệ phần trăm phải được quy định trong Nghị định sửa đổi bổ sung mới, riêng khâu bán lẻ phải đạt giá trị từ 5-6%/giá bán lẻ. Có như vậy doanh nghiệp bán lẻ mới đủ trang trải chi phí hoạt động và xem đây là công cụ quản lý của nhà nước, để bán lẻ hoạt động ổn định trong mọi tình huống của giá xăng dầu thế giới.

CẦN ĐỂ THỊ TRƯỜNG TỰ VẬN HÀNH

Trước ý kiến của ông Giang Chấn Tây, với vai trò thương nhân phân phối, ông Văn Tấn Phụng, Chủ tịch HĐQT Công ty Thương mại Dầu khí Đồng Nai chia sẻ, thương nhân phân phối không phải là nơi điều tiết chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ. Chiết khấu là do đầu mối quyết định. Doanh nghiệp bán lẻ có trách nhiệm đối chiếu.

Ông Phụng cho rằng thị trường xăng dầu bất ổn thời gian qua là bài học lớn trong lịch sử kinh doanh xăng dầu. Do vậy cần sửa đổi triệt để Nghị định kinh doanh xăng dầu, cần để thị trường tự vận hành, sau đó sửa thành Luật dầu khí.

Đại diện cơ quan quản lý, ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng Quản lý giá (Bộ Tài chính) nêu ý kiến, giá chiết khấu phụ thuộc nhiều yếu tố như dự báo giá, hàng tồn kho… Khâu đánh giá chi phí với chiết khấu theo chuỗi từ bán buôn đến bán lẻ. Bộ Tài chính cũng đã có văn bản gửi Bộ Công Thương về chi phí chiết khấu cho bán lẻ.

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) thì cho rằng chúng ta phải đặt ngược lại là tại sao trước đây không nêu vấn đề chiết khấu mà gần đây lại nêu ra? Chiết khấu phụ thuộc nhiều yếu tố, cung cầu, cạnh tranh, tài chính doanh nghiệp, tồn kho...

Có nước nào quy định chiết khấu tối thiểu không? Nhà nước có nên can thiệp hoạt động các doanh nghiệp không? Nếu có thì tỷ lệ bao nhiêu phần trăm là hợp lý, khoa học?

Thêm nữa, nếu đưa chiết khấu vào như vậy tăng thêm chi phí, khi đó giá xăng dầu tăng lên thì quyền lợi người tiêu dùng thế nào? Kiểm soát CPI nhà nước ra sao? Ông Đông cho rằng chúng ta phải xem xét thấu đáo các vấn đề.

“Câu chuyện chiết khấu các doanh nghiệp có thời kỳ lên 1.500- 2.000/lít. Tại sao chúng ta không tính chiết khấu bình quân? Tại sao doanh nghiệp bán lẻ không tìm cách chiết khấu đàm phán hợp đồng”, ông Đông nói.

TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương nêu quan điểm, đến thời điểm hiện tại, các bên không nên mổ xẻ trách nhiệm và đổ lỗi qua lại cho nhau vì thị trường vốn bất định. Doanh nghiệp bán lẻ không thể đổi lỗi cho doanh nghiệp nhập khẩu, cung ứng xăng dầu và ngược lại.

chiet-khau-0-dong-2-1678163363.jpeg TS Nguyễn Đình Cung: "Những công cụ quản lý của nhà nước đối với thị trường xăng dầu hiện tại đã không còn phù hợp". Ảnh: TP.

“Chúng ta nói về khái niệm chiết khấu, tôi nghĩ rằng thuật ngữ này không chính xác. Hãy để các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối xăng dầu tự thỏa thuận với nhau về lợi ích, để họ tự phân chia lợi ích, như vậy thị trường sẽ dần hài hòa”, ông Cung nói.

Bên cạnh đó, việc liên tiếp thanh tra, kiểm tra với doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu hiện tại chỉ khiến thị trường khó khăn hơn. Nhà nước đừng để doanh nghiệp bị thua lỗ bởi sự can thiệp hành chính, bởi cơ chế và chính sách.

Phải thừa nhận những công cụ quản lý của nhà nước đối với thị trường xăng dầu hiện tại đã không còn phù hợp, hệ quả chính là sự thua lỗ của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Do đó, các doanh nghiệp cần phải ngồi lại, cùng nhau đưa ra vấn đề để hướng tới thay đổi chính sách.