Chính phủ sẽ cho ý kiến việc tách Luật Giao thông đường bộ

18/01/2022 09:06

Qua lấy ý kiến các ban Đảng, các ủy ban của Quốc hội và các bộ, ngành thuộc Chính phủ cho thấy còn nhiều ý kiến khác nhau về việc tách Luật Giao thông đường bộ.

Bộ GTVT vừa báo cáo Chính phủ về dự án Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) sửa đổi. Trong đó, bộ này cho biết việc tách luật trên thành Luật GTĐB và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn (TTAT) GTĐB vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.

Nhiều ý kiến khác nhau

Theo Bộ GTVT, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Bộ GTVT đã xin ý kiến các ban Đảng, các ủy ban của Quốc hội (QH) và các bộ, ngành thuộc Chính phủ… về dự thảo Luật GTĐB sửa đổi, kèm văn bản giải trình một số ý kiến của đại biểu (ĐB) QH tại kỳ họp thứ 10 QH khóa XIV. Qua đó cho thấy có ý kiến đồng thuận với việc tách luật, có ý kiến chưa đồng thuận, có ý kiến đề nghị rà soát và nghiên cứu kỹ để bảo đảm thống nhất, đồng bộ, tránh cục bộ khép kín, độc quyền...

Lực lượng CSGT tuần tra, xử phạt người vi phạm giao thông tại TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Cụ thể, Ban Nội chính Trung ương tán thành việc tách các nội dung về bảo đảm TTATGTĐB ra khỏi Luật GTĐB. Riêng Ban Tổ chức Trung ương chỉ đề nghị Bộ GTVT báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định những nội dung liên quan đến dự luật.

Trong khi đó, Ban Kinh tế Trung ương không đưa ra quan điểm có nên tách luật không nhưng đề nghị cơ quan soạn thảo thận trọng, vì hai dự án luật này có mối liên hệ mật thiết với nhau. Do vậy, khi xây dựng luật cần phải được xem xét, đánh giá đầy đủ mối quan hệ giữa các nội dung; tránh chồng chéo, xung đột và trái ngược nhau.

Ở chiều ngược lại, Ban Tuyên giáo Trung ương lại đưa ra ý kiến thẳng thắn hơn là không nên tách Luật GTĐB 2008 vì không bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, bao trùm mục tiêu và phạm vi của luật. “Đề nghị bổ sung nội dung quy tắc GTĐB và người điều khiển phương tiện giao thông vào Luật GTĐB” - Ban Tuyên giáo nêu quan điểm.

Ủy ban Pháp luật cho rằng qua lấy phiếu thăm dò ý kiến đại biểu QH tại kỳ họp thứ 10 QH khóa XIV, đa số ý kiến ĐBQH không tán thành phương án chuyển giao chức năng quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe (GPLX) từ Bộ GTVT sang Bộ Công an. Tuy nhiên, dự thảo luật không điều chỉnh nội dung này, tức là chưa tiếp thu theo ý kiến của đa số ĐBQH. “Đề nghị cơ quan soạn thảo đánh giá kỹ lưỡng tác động và giúp Chính phủ tiếp tục làm rõ, giải trình thuyết phục hơn về nội dung này để báo cáo QH…” - Ủy ban Pháp luật nêu quan điểm.

Trong khi đó, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng một số ý kiến đề nghị gộp hai mảng nội dung do Bộ GTVT và Bộ Công an đang dự thảo thành một luật chung. Trong đó chia nội dung thành hai phần rõ ràng như hai bộ đang chuẩn bị thì dễ được QH đồng thuận hơn. Cạnh đó, việc theo dõi, thực hiện của các lực lượng chức năng và người tham gia giao thông cũng sẽ thuận lợi, hiệu quả hơn...

Bộ GTVT không có thẩm quyền quyết định việc tách luật

Trong báo cáo giải trình ý kiến các ĐBQH về việc tách Luật GTĐB, Bộ GTVT cho rằng quyết định thực hiện xây dựng một luật hay hai luật không phải thẩm quyền ở Bộ GTVT mà thuộc về sự phân công của Chính phủ.

“Bộ GTVT với vai trò là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giao thông vận tải sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện đầy đủ trách nhiệm của cơ quan tham mưu trình để xây dựng luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật…” - Bộ GTVT cho hay.

Về việc chuyển đào tạo sát hạch lái xe sang cho Bộ Công an, Bộ GTVT thừa nhận quá trình lấy ý kiến có nhiều quan điểm khác nhau nhưng không nói rõ quan điểm công việc này nên giao cho cơ quan nào.

Cụ thể, Bộ GTVT nêu quan điểm: Với lịch sử 25 năm triển khai thực hiện, công tác đào tạo, sát hạch cấp GPLX ngành giao thông đã phát huy tối đa mọi nguồn lực để theo kịp với sự đổi mới của kinh tế - xã hội, sự phát triển của phương tiện và kết cấu hạ tầng giao thông. Việc xã hội hóa công tác đào tạo thông qua phương thức quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện đã nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, giúp lĩnh vực này tiệm cận với quy chuẩn thế giới, “tự động hóa” công tác sát hạch.

Tuy nhiên, để bảo đảm phù hợp với nghị quyết của trung ương… Bộ GTVT cho rằng việc tiếp thu chỉnh lý nội dung này cần thực hiện theo hướng: Kế thừa, phát triển, hoàn thiện những chế định về quản lý, đào tạo, sát hạch cấp GPLX của Luật GTĐB 2008; kế thừa những thành tựu đã đạt được của công tác này trong việc xã hội hóa, phát triển, công nghệ, hợp tác quốc tế…

Cạnh đó, Bộ GTVT cho rằng công tác này cần bảo đảm sự ổn định, kiện toàn về bộ máy và công tác quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch cấp GPLX; tiếp tục duy trì, phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trên các nền tảng công nghệ đã được đầu tư để phát huy hiệu quả và tiết kiệm chi phí đầu tư. “Đặc biệt, cần tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa công tác đào tạo, sát hạch trên cả nước; cắt giảm các thủ tục hành chính, các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực này cho phù hợp với cơ chế thị trường…” - Bộ GTVT nêu quan điểm.

Để quyết định những nội dung này, ngày mai (19-1), Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ chủ trì cuộc họp Chính phủ chuyên đề pháp luật tháng 1, trong đó sẽ thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật GTĐB và Luật Bảo đảm TTATGTĐB.•

Luật Giao thông đường bộ đổi thành Luật Đường bộ

So với lần trình ra QH vào tháng 10-2020, dự thảo lần này có điểm mới nhất đó là đổi tên Luật GTĐB thành Luật Đường bộ và giảm từ 102 điều luật xuống còn 100 điều.

Các bộ ý kiến gì?

Bộ VH-TT&DL: “Nếu giữ nguyên phương án tách luật cần cân nhắc đến kết quả tại phiếu xin ý kiến ĐBQH (62,79% ĐB không đồng ý tách luật) và xin quyết định của Thủ tướng. Trường hợp Chính phủ quyết định trình theo hướng tách luật, Bộ VH-TT&DL nhất trí với dự thảo và giải trình của Bộ GTVT”.

Bộ Công Thương: “Nghị quyết 123/2020 của Chính phủ đã thống nhất qua việc chuyển giao thẩm quyền cấp giấy phép, sát hạch, đào tạo lái xe cho Bộ Công an. Tuy nhiên, Bộ Công Thương đề nghị Bộ GTVT và Bộ Công an thống nhất kế thừa, duy trì và hoàn thiện các chế định với vấn đề này, bảo đảm tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa, khẳng định quan điểm Nhà nước không tham gia vào hoạt động đào tạo, sát hạch”.

Bộ Xây dựng: “Đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu đề xuất tên gọi và phạm vi điều chỉnh của luật để phù hợp với ý kiến của ĐBQH về việc không tách hai luật”…

Bạn đang đọc bài viết "Chính phủ sẽ cho ý kiến việc tách Luật Giao thông đường bộ" tại chuyên mục CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0931318385hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@biztoday.vn).  
#