"Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và người dân còn gặp nhiều khó khăn. Giá cả nguyên vật liệu đầu vào, nhất là giá xăng dầu có nhiều biến động", Phó thủ tướng Lê Văn Thành, thừa ủy quyền của Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội sáng 23/5.
Báo cáo đánh giá không chỉ thị trường chứng khoán, bất động sản, mà thị trường trái phiếu cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nền kinh tế. Trong khi đó, sức ép về lạm phát vẫn rất lớn khi giá xăng dầu biến động. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong 4 tháng đầu năm đã tăng 2,1%.
Đồng loạt khởi công các dự án lớn vào cuối năm
Phó thủ tướng Lê Văn Thành trình bày báo cáo và nhấn mạnh mục tiêu của Chính phủ vẫn là giữ múc tăng trưởng kinh tế 6-6,5% trong năm nay. Chính phủ cho rằng đây là "thách thức rất lớn".
Một trong những giải pháp được đưa ra là chủ động điều hành linh hoạt, phối hợp chặt chẽ chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách khác nhằm tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn và kiểm soát lạm phát. Đẩy mạnh tăng thu ngân sách bền vững, triệt để tiết kiệm chi, đặc biệt là chi sự nghiệp có tính chất đầu tư.
Chính phủ sẽ tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản. Ảnh: HC.
Chính phủ sẽ tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, bảo đảm phát triển lành mạnh, an toàn và bền vững. Theo dõi chặt chẽ thị trường, giá cả; điều hành, bình ổn giá; thúc đẩy thương mại, xuất nhập khẩu; có giải pháp hiệu quả duy trì ổn định chuỗi cung ứng.
Trước đó, các cơ quan chức năng đã tấn công trấn áp mạnh mẽ các loại tội phạm, nhất là tội phạm kinh tế, tội phạm có tổ chức, thao túng thị trường chứng khoán, bất động sản, tín dụng đen, tội phạm mạng. Trong những tháng đầu năm đã phát hiện, xử lý 2.205 vụ vi phạm về trật tự quản lý kinh tế; 134 vụ vi phạm pháp luật về tham nhũng và chức vụ.
Trong năm nay, Chính phủ sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phát triển hạ tầng chiến lược về giao thông, năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, hạ tầng thương mại và hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội…
Các cơ quan đang tập trung cao độ triển khai một số dự án trọng điểm quốc gia, tạo động lực mới cho sự phát triển. Mục tiêu trong năm nay là hoàn thành 361 km đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1. Trong quý IV, khởi công đồng loạt 12 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 và khởi công đường băng, nhà ga cảng hàng không quốc tế Long Thành...
Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định 5 dự án trọng điểm quốc gia có tính liên kết vùng. Đó là các tuyến đường bộ cao tốc: Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, đường vành đai 3 của TP.HCM, đường vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội.
Giá dầu ảnh hưởng đến doanh nghiệp và người dân
Báo cáo của Chính phủ cũng đánh giá kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi, nhiều quốc gia đã mạnh dạn mở cửa, nới lỏng các chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của xung đột Nga - Ucraina cùng với những hậu quả của dịch Covid-19, kinh tế thế giới phục hồi chậm hơn so với dự báo trước đó, lạm phát ở nhiều nước tăng cao, giá dầu và một số hàng hóa quan trọng biến động mạnh.
Trong nước, nền kinh tế được mở cửa trong trạng thái bình thường mới, dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, các hoạt động văn hóa - xã hội dần trở lại bình thường. Tuy nhiên, giá cả một số hàng hóa đầu vào tăng, nhất là giá xăng dầu, nguồn nhân lực lao động thiếu hụt cục bộ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.
Phó thủ tướng Lê Văn Thành, thừa ủy quyền của Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội sáng 23/5. Ảnh: Hồng Phong.
Theo đánh giá của Chính phủ, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát. Thị trường tiền tệ, tỷ giá, lãi suất ổn định; dư nợ tín dụng đến cuối tháng 4 tăng 7,18% so với cuối năm 2021.
Thu ngân sách 4 tháng đạt 657.400 tỷ đồng, bằng 46,6% dự toán, tăng 15,4% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu đạt 122,4 tỷ USD, tăng 16,4%; kim ngạch nhập khẩu đạt 119,8 tỷ USD, tăng 15,7%; xuất siêu trên 2,5 tỷ USD.
Tăng trưởng kinh tế quý I đạt 5,03%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2020 và 2021 . Trong 4 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,5%; sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, sản lượng lúa ước đạt 10,8 triệu tấn; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng.
Tuy nhiên, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và người dân còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều chuỗi cung ứng tiếp tục bị ảnh hưởng; kim ngạch xuất khẩu còn phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Đáng chú ý, thu ngân sách tăng 15,4% so với cùng kỳ, tuy nhiên thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh chỉ tăng 5,4%; thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến sản phẩm nông nghiệp còn thấp; xuất khẩu nông sản tiểu ngạch chiếm tỷ trọng lớn.
"Quản lý tài sản công, đất đai, tài nguyên còn lãng phí, tình trạng ô nhiễm môi trường chậm được cải thiện", báo cáo nêu.