"Phác thảo" chân dung chủ đầu tư của Dự án Hồng Kông mới bị thanh tra
Mới đây, UBND tỉnh Bắc Ninh ký quyết định thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quá trình thực hiện dự án Trung tâm thương mại Hồng Kông, khách sạn, căn hộ để bán và căn hộ cho thuê (Dự án Hồng Kông; Chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Tập đoàn Hanaka) tại phường Đông Ngàn, TP Từ Sơn, Bắc Ninh. Thời hạn thanh tra là 45 ngày kể từ ngày 22/12.
Đoàn thanh tra liên ngành do ông Trần Vượng, Phó chánh thanh tra tỉnh Bắc Ninh làm trưởng đoàn. Thanh tra sẽ tập trung vào việc thực hiện các quy định về quy hoạch đô thị; quy định về đầu tư; quy định về nhà ở; quy định về đầu tư xây dựng công trình; các quy định về đất đai; quy định về bảo vệ môi trường; quy định về phòng cháy chữa cháy; quy định về kinh doanh bất động sản và các quy định khác có liên quan.
Được biết, Dự án Hồng Kông là một dự án trọng điểm bao gồm 2 toà tháp đôi xây dựng trên mặt bằng 1,7ha, toạ lạc tại vị trí đẹp nhất của TP. Từ Sơn. Tổng vốn đầu tư hơn 800 tỷ đồng, với các hạng mục như siêu thị, văn phòng, khách sạn, showroom, căn hộ cao cấp, nhà hàng, sân tennis. Đến nay đã gần 20 năm trôi qua, dự án vẫn là khối bê tông "án binh bất động", gây mất mỹ quan đô thị.
Về phía chủ đầu tư, Tập đoàn Hanaka được thành lập vào tháng 2/2007, địa chỉ tại Khu công nghiệp Hanaka, TP Từ Sơn, Bắc Ninh. Hanaka hoạt động trong lĩnh vực sản xuất dây cáp điện, máy biến áp, trạm tủ điện, bao bì kim loại, bất động sản khu công nghiệp, bất động sản biệt thự, chung cư.
Tập đoàn Hanaka là chủ đầu tư của rất nhiều dự án lớn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Ngoài Dự án Hồng Kông mới bị thanh tra, phải kể đến các các dự án khác như Khu công nghiệp Gia Bình II, Khu công nghiệp Hanaka tại Từ Sơn, Dự án Cụm công nghiệp làng nghề Văn Môn – Mẫn Xá, Dự án Bất động sản Hanaka Paris Ocean Park tại Từ Sơn, Dự án Trung tâm thương mại HongKong London…
Trong đó, Khu công nghiệp Gia Bình II lớn nhất với diện tích 250ha với tổng vốn đầu tư gần 4.000 tỷ đồng, tiếp đến là Khu công nghiệp Hanaka tại Từ Sơn với diện tích 74ha, và Cụm công nghiệp làng nghề Văn Môn – Mẫn Xá với diện tích 26ha. Các dự án bất động sản khác có Hanaka Paris Ocean Park diện tích khoảng 81,5ha cả hai giai đoạn với tổng vốn đầu tư gần 2.000 tỷ đồng.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hanaka là ông Mẫn Ngọc Anh sinh năm 1971. Vị doanh nhân người Bắc Ninh là Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Bắc Ninh khóa V, là người tiền nhiệm của ông Nguyễn Tiến Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Long Phương.
Quá trình phát triển của Tập đoàn Hanaka cũng trải qua nhiều thăng trầm. Thành lập từ những năm 1990 với trên cơ sở một nhà máy sản xuất thiệt bị điện, Tập đoàn Hanaka vươn mình thành tập đoàn kinh doanh đa ngành với các ngành nghề đa dạng, điển hình như thực phẩm, đồ uống, bao bì...
Vài năm gần đây, khi thị trường bất động sản trở nên sôi động, Tập đoàn Hanaka cũng lấn sân sang các dự án khu đô thị, khu công nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, kinh doanh khách sạn, nhà hàng.
Liên quan đến hệ sinh thái Hanaka, được biết, ngoài Tập đoàn Hanaka, ông Mẫn Ngọc Anh còn đại diện các doanh nghiệp: Công ty Cổ phần Hanaka A.B.M; Công ty Cổ phần Bao bì Kim loại Vina Can Sài Gòn; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vinacans; Công ty Cổ phần Sản xuất Dây diện từ Hanaka; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Re Xam A.B.M; Công ty Cổ phần Bao bì Ha na ka A.B.M; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xây dựng Đường 277 - Yên Phong; Công ty Cổ phần Tập đoàn Hanaka Lands; Công ty Cổ phần Sản xuất Thiết bị điện, Bao bì, Kim loại Sài Gòn; Công ty Hồng Ngọc - (TNHH); Công ty Cổ phần Sản xuất Máy biến áp truyền tải 220-500kv Hanaka; Công ty Cổ phần Sản xuất Thiết bị điện, Găng tay TE BE A SVN; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xây dựng Hạ tầng Văn Môn; Công ty Cổ phần Bao bì Hanaka.
Tuy nhiên, trong hệ sinh thái đầu tư dàn trải của ông Mẫn Ngọc Anh, Tập đoàn Hanaka vẫn giữ vai trò chủ lực.
Để mở rộng mô hình kinh doanh, trong năm 2021, Tập đoàn Hanaka đã liên tục vốn điều lệ, từ 1.699 tỷ đồng lên 2.599 tỷ đồng, rồi sau đó nâng lên 3.686,8 tỷ đồng. Cập nhật đến tháng 3/2022, vốn điều lệ của Hanaka lên 4.686,8 tỷ đồng.
Việc bổ sung vốn chủ sở hữu đã giúp Hanaka giảm lệ thuộc vào những món nợ khác. Theo đó, năm 2021, tổng nợ phải trả đã giảm gần 1.000 tỷ đồng, xuống còn 2.393 tỷ đồng. Tuy nhiên, Hanaka vẫn còn các khoản vay tín dụng ngắn và dài hạn lên đến 1.650 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong khối tài sản trên 5.016 tỷ đồng, có 706 tỷ đồng là hàng tồn kho, 1.330 tỷ đồng là chi phí xây dựng cơ bản dở dang. Hanaka phân bổ gần 840 tỷ đồng đầu tư vào công ty con, gần 150 tỷ đồng đầu tư vào các công ty liên doanh, liên kết. Ngoài ra, các khoản phải thu ngắn và dài hạn chiếm khoảng 1.850 tỷ đồng.
Mặc dù liên tục tăng vốn nhưng hoạt động kinh doanh của Hanaka cũng không mấy khả quan. Năm 2019, Hanaka ghi nhận doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ 2.700 tỷ đồng, đến năm 2020 giảm về 1.658 tỷ đồng, năm 2021 giảm về chỉ còn 1.163 tỷ đồng.
Kéo theo đó, lợi nhuận sau thuế cũng giảm mạnh và quá "bèo bọt" so với doanh thu khi chỉ đạt hơn 23 tỷ đồng (2019) và hơn 4 tỷ đồng (2020). Đặc biệt, năm 2021, Hanaka đã báo lỗ hơn 15 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, một số công ty trong "hệ sinh thái" của Tập đoàn Hanaka cũng có kết quả kinh doanh "lẹt đẹt". Cụ thể, Công ty Hồng Ngọc - TNHH có vốn điều lệ 389 tỷ đồng (ông Mẫn Ngọc Anh góp trên 385,4 tỷ đồng, tương ứng 99,08% cổ phần) có tỷ lệ nợ cao gấp đôi vốn cao. Theo đó, tại ngày 31/12/2021, doanh nghiệp này có 850 tỷ đồng nợ phải trả, cao gấp đôi vốn chủ sở hữu (408 tỷ đồng).
Đáng chú ý, Công ty Hồng Ngọc đã sử dụng hầu hết tài sản để đầu tư tài chính dài hạn khi rót 1.105 tỷ đồng (chiếm 88% tài sản) vào các công ty con trong hệ thống. Tuy nhiên, doanh thu của công ty này lại chưa đầy 1 triệu đồng/năm. Do đó, doanh nghiệp liên tục thua lỗ trong các năm 2019 (1,8 tỷ đồng), 2020 (233 triệu đồng) và 2021 (374 triệu đồng).
Nhiều lần bị xử phạt
Mặc dù là tập đoàn lớn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, nhưng Tập đoàn Hanaka đã nhiều lần vướng vi phạm trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản.
Liên quan đến tiến độ Dự án Hồng Kông, trước đó, UBND TP Từ Sơn đã xử phạt Tập đoàn Hanaka số tiền 75 triệu đồng với lỗi vi phạm đưa hạng mục công trình, công trình xây dựng vào sử dụng khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.
Trước đó, năm 2019, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã giao Thanh tra tỉnh tiến hành thanh tra Dự án Hanaka Paris City do liên quan đến phản ánh có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc góp vốn mua đất tại dự án này.
Cũng trong năm 2019, Tập đoàn Hanaka có liên quan đến vụ việc đổ chất thải trái phép. Cụ thể: Ngày 30/10/2019, UBND tỉnh Bắc Ninh ban hành Văn bản số 3911/UBND-NN.TN về việc dừng ngay việc đổ chất thải tại Cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá – Văn Môn. Văn bản nêu rõ: “Yêu cầu Công ty Cổ phần Tập đoàn Hanaka dừng ngay việc đổ chất thải trên Cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá – Văn Môn, huyện Yên Phong và hoàn trả lại mặt bằng theo hiện trạng ban đầu”.
Văn bản số 3911 cũng yêu cầu Công an huyện Yên Phong, Công an xã Văn Môn phải lập chốt tại khu vực Cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá – Văn Môn để giám sát, yêu cầu Hanaka san lấp trả lại mặt bằng nguyên trạng khu vực đã đào hố và dừng mọi hoạt động tại khu đất này khi chưa hoàn thành các thủ tục về đất đai, xây dựng.
Các cơ quan gồm Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh, Sở Xây dựng phải kiểm tra thực địa, đề xuất hướng xử lý với UBND tỉnh. Thế nhưng, sau đó, không thấy UBND tỉnh Bắc Ninh ra quyết định xử phạt đối với hành vi nêu trên.
Năm 2021, Tập đoàn Hanaka bị UBND tỉnh Bắc Ninh ra Quyết định số 1404/QĐ-XPVPHC ngày 8/11/2021 về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản đối với Dự án Cụm công nghiệp làng nghề Văn Môn – Mẫn Xá, huyện Yên Phong.
Cụ thể, Hanaka kinh doanh bất động sản không đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định hoặc không được phép đưa vào kinh doanh. Hành vi này trái với quy định tại Điểm a, Khoản 3, Điều 57, Nghị định số 139/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở. Tập đoàn Hanaka đã bị xử phạt số tiền 275 triệu đồng cho hành vi nêu trên.
Ngày 16/6/2022, UBND tỉnh Bắc Ninh lại ra Quyết định số 548/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm Tập đoàn Hanaka vì: “Đưa hạng mục công trình vào sử dụng, hoạt động khi chưa có giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy”.
Hành vi trên của Tập đoàn Hanaka vi phạm quy định tại Khoản 5, Điều 38, Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tệ nạn xã hội, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, phòng chống bạo lực gia đình. Theo đó, Hanaka đã bị xử phạt số tiền 90 triệu đồng và buộc phải thực hiện thẩm duyệt, nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy trong thời gian 30 ngày.
Cũng trong ngày 16/6/2022, Công ty Cổ phần Cáp điện Hanaka – Korea (đơn vị thành viên của Hanaka) bị UBND tỉnh Bắc Ninh xử phạt số tiền 170 triệu đồng. Theo Quyết định số 546/QĐ-UBND về việc xử phạt vi phạm hành chính Công ty Cổ phần Cáp điện Hanaka – Korea đã thực hiện 2 hành vi: “Đưa hạng mục công trình, công trình vào sử dụng, hoạt động khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy” và “Đưa hạng mục công trình, công trình vào sử dụng, hoạt động khi chưa có giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy”.
Hành vi này của Hanaka vi phạm Khoản 4, Khoản 5, Điều 38, Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tệ nạn xã hội, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, phòng chống bạo lực gia đình.