Chủ đầu tư dự án Wyndham Sky Lake Resort & Villas ngập trong nợ phải trả

Nợ phải trả của Công ty Cổ phần DK ENC Việt Nam – chủ đầu tư dự án Wyndham Sky Lake Resort & Villas, trong giai đoạn 2016 – 2019 đều hơn 1.000 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu ở năm cao nhất cũng chỉ hơn 200 tỷ đồng. Cá biệt năm 2017, công ty này còn âm vốn chủ sở hữu hàng chục tỷ đồng.

Chủ đầu tư dự án Wyndham Sky Lake Resort & Villas ngập trong nợ phải trả

Hình hài Công ty Cổ phần DK ENC Việt Nam

Thời gian gần đây, dự án biệt thự Wyndham Sky Lake Resort & Villas, nằm bên hồ Văn Sơn, huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội được quảng bá khá rầm rộ. Dự án này có diện tích 200ha, trong đó 167ha là mặt nước tự nhiên. Giai đoạn 1 của dự án rộng 6,5ha, cung cấp ra thị trường 92 lô biệt thự (10 lô đơn lập và 82 lô song lập) có thời hạn sở hữu 50 năm. Dự án được quản lý bởi tập đoàn khách sạn danh tiếng quốc tế Wyndham.

Tính đến tháng 7/2021, dự án đã xây xong thô và đang bước vào giai đoạn hoàn thiện nội thất của các căn biệt thự. Chính sách bán hàng dự kiến của dự án này là chia sẻ doanh thu cho thuê (chủ sở hữu biệt thự hưởng 50% - chủ đầu tư hưởng 50%), ngoài ra chủ sở hữu có thêm 30 đêm nghỉ miễn phí. Đây là một phương thức bán hàng quen thuộc của các dự án bất động sản nghỉ dưỡng trong nhiều năm qua.

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, chủ đầu tư dự án Wyndham Sky Lake Resort & Villas là Công ty Cổ phần DK ENC Việt Nam. Công ty này thành lập tháng 10/2008, đóng trụ sở tại xã Hoàng Văn Thụ, huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội. Đây là một doanh nghiệp có vốn nước ngoài. Ngành nghề chính của công ty là kinh doanh bất động sản với quyền sở hữu hoặc đi thuê.

Tính đến trước tháng 4/2018, công ty tồn tại ở loại hình công ty TNHH với 2 cổ đông là ông Jang Chin Hyuk (93,42%) và Công ty TNHH DK ENC (Hàn Quốc, 7,58%). Vốn điều lệ là 105,6 tỷ đồng.

Đến tháng 4/2018, công ty tăng vốn lên 112,5 tỷ đồng, đồng thời mở rộng danh sách cổ đông, gồm: Công ty TNHH DK ENC (7,115%), Jang Chin Hyuk (86,753%), Đinh Mạnh Hùng (2,044%), Nguyễn Thị Minh Phượng (2,044%), Lê Việt Anh (2,044%). Những cổ đông cá nhân mới này sau đó sẽ nắm giữ các chức vụ quan trọng tại công ty.

Tháng 5/2018, công ty chuyển đổi sang loại hình công ty cổ phần và giữ tên gọi đó cho đến thời điểm hiện tại.

Từ tháng 6/2018, ban bệ của công ty được hình thành rõ nét. Cụ thể, chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc là ông Jang Chin Hyuk, người Hàn Quốc, sinh năm 1964, hiện đang sinh sống tại tòa tháp Keangnam Landmark 72 (quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội).

Hội đồng quản trị bao gồm những cá nhân sau: bà Nguyễn Thị Minh Phượng (sinh năm 1981, thường trú tại phường Láng Thượng, quận Đống Đa, TP. Hà Nội), ông Lê Việt Anh (sinh năm 1986, thường trú phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội), ông Nguyễn Văn Nam (sinh năm 1981, thường trú phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội).

Ban kiểm soát có sự góp mặt của: bà Nguyễn Thị Bích Hợi (sinh năm 1984, thường trú Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội), bà Vương Thị Kim Hồng (sinh năm 1979, thường trú phố Hà Trung, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội), bà Nguyễn Thị Phong (sinh năm 1990, xã Nghi Thuận, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An). Trong khi đó, ông Trần Ngọc Anh (thường trú Hà Nội) giữ cương vị kế toán trưởng.

Tháng 8/2018, chủ tịch hội đồng quản trị Jang Chin Hyuk giảm tỷ lệ sở hữu xuống 41,885%.

Tháng 11/2019, hội đồng quản trị bổ sung gương mặt mới là ông Đinh Mạnh Hùng, sinh năm 1985, thường trú thị trấn Sơn Dương, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Ban kiểm soát cũng có người mới là ông Đinh Quang Việt, sinh năm 1987, thường trú phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Cũng trong tháng này, công ty tăng vốn điều lệ lên 435,275 tỷ đồng. Đi liền với đó, Công ty TNHH DK ENC giảm tỷ lệ sở hữu xuống 1,839%, còn ông Jang Chin Hyuk tăng tỷ lệ sở hữu lên 44,264%.

Tình hình tài chính Công ty Cổ phần DK ENC Việt Nam: Nợ cao, khả năng thanh toán ngắn hạn thấp

Dữ liệu của VietnamFinance cho thấy trong giai đoạn 2016 – 2019, tổng tài sản của Công ty Cổ phần DK ENC Việt Nam có sự lên xuống song nhìn chung vẫn là tăng trưởng, từ 1.212 tỷ đồng lên 1.377 tỷ đồng, tương đương tăng 13,6%.

Tài trợ chính cho sự tăng trưởng này là nợ phải trả khi thường xuyên duy trì trên 1.000 tỷ đồng (lần lượt là 1.211 tỷ đồng, 1.205 tỷ đồng, 1.001 tỷ đồng, 1.149 tỷ đồng), tức trung bình chiếm hơn 80% tổng tài sản.

Đáng chú ý, trong suốt những năm 2016 – 2019, nợ ngắn hạn của công ty luôn lớn hơn gấp nhiều lần tài sản ngắn hạn. Cụ thể, năm 2016, nợ ngắn hạn là 353 tỷ đồng, cao gấp 8,8 lần tài sản ngắn hạn; năm 2017 là 365 tỷ đồng, cao gấp 11,7 lần; năm 2018 là 194 tỷ đồng, cao gấp 1,6 lần; năm 2019 là 347 tỷ đồng, cao gấp 2,8 lần.

Sự chênh lệch quá lớn giữa nợ ngắn hạn và tài sản ngắn hạn khiến hệ số khả năng thanh toán ngắn hạn của Công ty Cổ phần DK ENC Việt Nam luôn ở mức cực kỳ thấp, tạo ra rủi ro rất lớn về thanh khoản.

Về tình hình kinh doanh, giai đoạn 2016 – 2019, doanh thu thuần của công ty tăng trưởng khá đáng kể, từ 94 tỷ đồng lên 149 tỷ đồng. Biên lãi gộp khá cao, trung bình các năm đạt hơn 40%. Tuy vậy, lãi sau thuế lại là một câu chuyện buồn khi công ty rơi vào cảnh lỗ liên tiếp trong các năm 2016 – 2018 với mức lỗ ngày càng nặng, lần lượt là: -5,5 tỷ đồng, -42,6 tỷ đồng và -74,7 tỷ đồng. Phải tới năm 2019, công ty mới thoát lỗ.

Việc lỗ triền miên đã khiến vốn chủ sở hữu của công ty rơi xuống đáy vào năm 2016 (chỉ 1,1 tỷ đồng), thậm chí “phá đáy”, xuống tận -41,5 tỷ đồng vào năm 2017. Phải nhờ quá trình tăng vốn mạnh mẽ trong các năm 2018 – 2019, vốn chủ sở hữu mới dương trở lại với giá trị lần lượt là: 215 tỷ đồng và 228 tỷ đồng.

Tuy vậy, so với vốn điều lệ đạt tới 435 tỷ đồng vào cuối năm 2019, có thể thấy Công ty Cổ phần DK ENC Việt Nam đang phải gánh một khoản lỗ lũy kế không hề nhỏ.