Chưa tận dụng tốt lợi thế các FTA

Đến nay Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác và đã có hiệu lực, nhưng các số liệu thống kê từ các cơ quan chức năng cho thấy tỷ lệ hàng xuất khẩu của doanh nghiệp (DN) trong nước tận dụng được lợi thế các FTA rất ít, thậm chí những mặt hàng là thế mạnh cũng chiếm thị phần rất nhỏ ở một số thị trường tiềm năng.

fta-1661138404.jpg 

Theo số liệu của Bộ Công Thương, trong năm 2021 tỷ lệ tận dụng được các lợi thế của 15 FTA đã có hiệu lực chỉ ở mức 33%, trong đó bao gồm cả 4 FTA đã hoàn thành chương trình cắt giảm thuế quan.

Chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) là công cụ hữu hiệu giúp DN tận dụng được những lợi thế của các FTA mang lại. C/O thể hiện nguồn gốc, xác nhận quốc gia, nơi sản phẩm được nhập khẩu, hoặc nơi xuất xứ một phần hoặc tất cả bộ phận hay nguyên vật liệu được sử dụng vào quy trình hoàn thành sản phẩm.

Các thông tin được thể hiện trong C/O bao gồm thông tin nước xuất khẩu, thông tin nước nhập khẩu, địa điểm nhận hàng hóa, tuyến đường quy hoạch, số lượng hàng, tổng trọng lượng tịnh, mô tả về hàng hóa, mô tả các dấu hiệu đóng gói, các nước xuất khẩu...

Tuy nhiên, hiện nay chưa nhiều DN quan tâm và nắm bắt được công cụ này. Thậm chí, nhiều DN xuất khẩu vẫn chưa biết cách làm thủ tục khai và xin C/O để tận dụng lợi thế FTA cho xuất khẩu hàng hóa của mình. Nhiều DN còn cho rằng hàng hóa xuất khẩu vào các thị trường này hiện đã được hưởng thuế suất 0% nên không cần xin C/O. 

Sau 2 năm đánh giá lại hiệu quả của FTA Việt Nam-EU (EVFTA, có hiệu lực từ ngày 1-8-2020), nhiều ý kiến cho rằng đây chính là xung lực rất tốt cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong 2 năm qua, tuy nhiên thị phần hàng Việt Nam tại EU vẫn còn khiêm tốn.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, sau 2 năm, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt khoảng 83 tỷ USD, tăng xấp xỉ 15% so với giai đoạn trước khi có hiệp định. Rau củ quả vốn được xem là thế mạnh trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam, nhưng mặt hàng này chỉ chiếm thị phần tại EU chưa đến 4%. Tương tự, các mặt hàng thủy sản cũng chiếm thị phần chưa đến 8%, trong khi xuất khẩu gạo vào EU còn khiêm tốn hơn.

Theo đánh giá của đại diện Bộ Công Thương, tỷ lệ thị phần hàng hóa ở EU thấp, đồng nghĩa các DN đang tập trung quá nhiều vào thị trường truyền thống, thị trường Đông Á, trong khi thị trường EU rất lớn, hiệu quả vẫn chưa được tận dụng khai thác. 

Đối với thị trường EU, bên cạnh EVFTA, hiện vẫn duy trì chương trình ưu đãi theo Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP). Trong bối cảnh như vậy, tỷ lệ xin giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu EUR.1 vẫn đang ở mức 25%, tương đương với mức nhiều FTA khác sau vài năm mới đạt được. Dẫu vậy, đây vẫn là tỷ lệ thấp.

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), một trong những lý do khiến DN xuất khẩu chưa tận dụng được lợi thế của EVFTA để thúc đẩy xuất khẩu sang EU, là phải đáp ứng được các tiêu chuẩn về kỹ thuật, an toàn thực phẩm, chất lượng hàng hóa, truy xuất nguồn gốc…

Không riêng EVFTA, đối với các FTA khác, DN Việt Nam vẫn chưa tận dụng được lợi thế “cuộc chơi”. Đơn cử từ đầu năm nay, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã đi vào thực thi, góp phần thúc đẩy trao đổi thương mại, đầu tư của Việt Nam với ASEAN và 5 đối tác là Australia, New Zealand, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.

Tuy nhiên, RCEP cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ thu hút nhiều vốn FDI vào các lĩnh vực sản xuất, là thách thức lớn đối với ngành sản xuất trong nước. Với những lợi ích thu được từ các cam kết trong FTA, các nhà đầu tư nước ngoài có lợi thế về tài chính, công nghệ và thị trường, sẽ đầu tư vào các ngành sản xuất trong nước.

Các DN nước ngoài sẽ dịch chuyển nhà máy từ nhiều quốc gia sang các nước được đầu tư, gây ra áp lực cạnh tranh với DN trong nước. Khi đó, các sản phẩm hàng hóa trong nước sẽ bị cạnh tranh khốc liệt với sản phẩm của DN FDI, đặc biệt về giá và chất lượng sản phẩm.