Chứng khoán 2022: Nâng hạng sẽ “tiếp lửa” VN-Index lên vùng 1.750 điểm

Trong kịch bản lạc quan, thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp của FTSE vào kỳ đánh giá thị trường hàng năm vào tháng 9 năm 2022...
Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Trong báo cáo cập nhật triển vọng thị trường chứng khoán năm 2022 vừa công bố, VnDirect nhận định, tăng trưởng lợi nhuận giai đoạn 2022 - 2023 sẽ là bệ phóng vững chắc cho các chỉ số chứng khoán trong năm Nhâm Dần 2022.

VN-INDEX SẼ LÊN 1.750 ĐIỂM 

Theo đó, trong năm 2022, VnDirect kỳ vọng tăng trưởng EPS của các công ty niêm yết trên HOSE sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao 23% so với cùng kỳ. Một số ngành dự kiến có sự cải thiện mạnh mẽ về tăng trưởng lợi nhuận, bao gồm Hàng hóa công nghiệp và Dịch vụ, Bán lẻ và Bất động sản trong khi tăng trưởng lợi nhuận của Dầu khí, Tiện ích công cộng và Công nghệ vẫn duy trì ở mức cao.

Đối với năm 2023, dự báo tăng trưởng EPS của các công ty niêm yết trên HOSE là 19% so với cùng kỳ, vẫn cao hơn mức tăng trưởng bình quân 12%/năm trong giai đoạn 2017-2020.

Chứng khoán 2022: Nâng hạng sẽ “tiếp lửa” VN-Index lên vùng 1.750 điểm - Ảnh 1
 

Thanh khoản trên thị trường chứng khoán Việt Nam có thể tăng 10-15% so với cùng kỳ vào năm 2022, được thúc đẩy bởi các chất xúc tác sau: Dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân trong nước có thể tiếp tục chảy vào thị trường chứng khoán trong bối cảnh lãi suất huy động vẫn đang ở vùng thấp lịch sử. Hiện lãi suất huy động kỳ hạn 1 năm của các ngân hàng thương mại bình quân ở mức 5,5%/năm, thấp hơn lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 năm bình quân giai đoạn 2017-2019 (trước đại dịch COVID-19) là 6,8%-7,0%/năm.

Dự báo lãi suất huy động có thể tăng nhẹ 30-50 điểm cơ bản vào năm 2022 và vẫn thấp hơn đáng kể so với mặt bằng lãi suất trước đại dịch. Trong bối cảnh lãi suất huy động thấp, nhà đầu đầu tư cá nhân sẽ tiếp tục chuyển hướng sang các kênh đầu tư khác có lợi suất cao hơn; tiêu biểu là đầu tư chứng khoán.

Ngoài ra, các tính năng mới dự kiến sẽ được triển khai nếu hệ thống giao dịch chứng khoán mới (KRX) chính thức đi vào hoạt động trong nửa đầu năm 2022 như mua bán chứng khoán cùng phiên, bán chứng khoán chờ về. Hệ thống giao dịch mới cũng giúp giải quyết điểm nghẽn về tỷ lệ ký quỹ giao dịch bằng tiền mặt, từ đó có thể thúc đẩy dòng vốn nước ngoài trở lại Việt Nam

Thị trường chứng khoán Việt Nam có cơ hội được thông báo nâng hạng lên Thị trường mới nổi thứ cấp FTSE trong đợt đánh giá phân loại thị trường hàng năm vào tháng 9 năm 2022 nếu hệ thống giao dịch chứng khoán mới (KRX) chính thức đi vào hoạt động trong nửa đầu năm 2022.

Tại thời điểm ngày 06/12/2021, theo dữ liệu của Bloomberg, VN-Index đang giao dịch ở mức P E trượt 12 tháng là 16,7 lần, thấp hơn một chút so với mức P/E hồi đầu năm 2021 ở mức 17,3 lần. Định giá thị trường vẫn đang ở mức hấp dẫn với P/E dự phóng 2022 và 2023 lần lượt ở mức là 13,4 lần và 11,5 lần (thấp hơn P/E trung bình 3 năm gần nhất là 16,1 lần).

Chứng khoán 2022: Nâng hạng sẽ “tiếp lửa” VN-Index lên vùng 1.750 điểm - Ảnh 2
 

Công ty chứng khoán này kỳ vọng VN-Index đạt 1.700-1.750 điểm trong năm 2022, dựa trên các giả định sau: kỳ vọng P/E của VN-Index vào khoảng 16,0-16,5 lần vào cuối năm 2022, dự báo lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp trên HOSE sẽ tăng trưởng 23% so với cùng kỳ và tỷ suất lợi tức cổ phần của VN-Index năm 2022 ở mức 1,4%.

Tiềm năng tăng giá bao gồm: ngành hàng không và du lịch mở cửa trở lại sớm hơn dự kiến và thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp của FTSE vào kỳ đánh giá thị trường hàng năm vào tháng 9 năm 2022.

DỰ BÁO THÁNG 9/2022 VIỆT NAM ĐƯỢC ĐƯA VÀO THỊ TRƯỜNG MỚI NỔI THỨ CẤP 

Chi tiết hơn về nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp, theo VnDirect thị trường Việt Nam đang có bước tiến mới trong lộ trình nâng hạng lên thị trường chứng khoán mới nổi. Việt Nam chính thức đưa vào hoạt động Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX). Đây là cơ quan đầu mối quản lý chung thị trường chứng khoán Việt Nam, thay thế mô hình hai sở giao dịch riêng lẻ hiện nay là Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).

Ngoài ra, Việt Nam đang hợp tác với các đối tác Hàn Quốc để nâng cấp hệ thống giao dịch chứng khoán, dự kiến hoàn thành trong 6 tháng đầu năm 2022. Chính phủ cũng có kế hoạch thành lập trung tâm thanh toán bù trừ trung tâm (CCP) (trực thuộc VNX), dự kiến sẽ giải quyết điểm nghẽn về tỷ lệ ký quỹ giao dịch bằng tiền mặt mà cả FTSE và MSCI đều coi là nút thắt trong việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam lên thị trường mới nổi. Hệ thống giao dịch mới cũng giúp VNX cung cấp thêm các dịch vụ mới như mua bán chứng khoán cùng phiên, bán chứng khoán chờ về,…

Trong kịch bản lạc quan, VnDirect hy vọng rằng FTSE có thể thông báo đưa thị trường chứng khoán Việt Nam vào nhóm Thị trường mới nổi thứ cấp trong kỳ đánh giá thị trường hàng năm vào tháng 9 năm 2022.

Trong kịch bản cơ sở, kỳ vọng thị trường chứng khoán của Việt Nam sẽ được thông báo để đưa vào Chỉ số thị trường mới nổi thứ cấp của FTSE trong kỳ đánh giá thị trường hàng năm vào tháng 9 năm 2023.

Đồng thời, trong kịch bản cơ sở, nếu Việt Nam hoàn thành triển khai hệ thống giao dịch chứng khoán mới trong nửa đầu năm 2022, Việt Nam có thể được đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường chứng khoán mới nổi của MSCI trong kỳ đánh giá thị trường thường niên vào tháng 5/2023. Sau đó, Việt Nam có thể được thông báo nâng hạng lên thị trường mới nổi trong kỳ review thị trường thường niên của MSCI vào tháng 5/2024.