Chứng khoán liên tiếp giảm điểm: Sau cơn mưa, trời có sáng?

Thị trường liên tục 'quay xe', đang xanh bỗng đỏ, đang lao dốc ào ào lại bất ngờ 'hồi sức' - diễn biến nhanh như chớp của thị trường chứng khoán (TTCK) những phiên gần đây đã khiến hàng loạt nhà đầu tư trở tay không kịp.

Bán cắt lỗ hay "giữ niềm tin, bền ý chí” là câu hỏi được nhiều nhà đầu tư đặt ra lúc này.

Điểm sáng vốn ngoại

Phiên 20/4, TTCK có những cú hồi nhất định sau phiên nhuộm đỏ bảng điểm 19/4. Tạm dừng phiên sáng, VN-Index tăng 2,32 điểm (0,16%) lên 1.408,77 điểm. HNX-Index giảm 0,38 điểm (-0,1%) xuống 392,31 điểm và UPCoM-Index giảm 0,44 điểm (-0,41%) xuống 107,88 điểm. Thanh khoản toàn thị trường giảm sút ghi giá trị giao dịch trên cả ba sàn chỉ chưa đến 13.000 tỷ đồng. Trước đó, thị trường liên tục ghi nhận những phiên giảm sâu của VN-Index. Hàng trăm cổ phiếu nằm sàn, nhà đầu tư hốt hoảng.

Nhà đầu tư giao dịch tại một sàn chứng khoán ở Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu bị bán ròng nhiều nhất là DGC với 135,5 tỷ đồng. Tiếp theo là SSI với 75 tỷ đồng. Phiên 18/4, trên HOSE, khối ngoại mua ròng khoảng 7 tỷ đồng. Điều này cũng thể hiện niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với TTCK Việt Nam cũng như những nỗ lực của Chính phủ trong phục hồi kinh tế

Nguyên nhân thị trường giảm điểm, theo Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán SSI Nguyễn Duy Hưng, khi tăng lãi suất giá vốn không còn rẻ thì thị trưởng chứng khoán tất nhiên sẽ giảm điểm. Đây mới chính là nguyên nhân của xu thế thị trường khi cả thế giới đang kiểm soát cung tiền ra thị trường.

Việc cơ quan chức năng kiểm soát việc giao dịch của một số nhóm thao túng thị trường, cũng như đang kiểm tra chấn chỉnh việc phát hành trái phiếu DN của các Tập đoàn kinh tế tư nhân đã ảnh hưởng giảm sâu đến thanh khoản và giá của một số mã chứng khoán nhưng thực sự vẫn theo xu thế chung của thị trường thế giới.

Từ đầu năm tới nay, VN-Index giảm 7%, Mỹ (SP500) giảm 6,4%, Hàn Quốc (Kospi) giảm 9%, Hongkong (Trung Quốc - Hang Seng) giảm 9,7%, Trung Quốc (Shanghai) giảm 16,5% … Theo dữ liệu thống kê, sau khi tăng lãi suất thông thường trong 2 tháng đầu thị trường chứng khoán luôn bị điều chỉnh giảm, nhưng sau 12 tháng đa số thị trường tăng điểm cao hơn so với trước khi tăng lãi suất.

Trên bức tranh tối màu của TTCK, giao dịch khối ngoại là điểm sáng. Chỉ trong phiên sáng 20/4, khối này đã mua ròng gần 300 tỷ đồng trên sàn HOSE, lực mua tập trung vào các mã như GEX, STB, DXG, VIC…

Trước đó, dù bảng điểm đỏ rực trong phiên 19/4, khối ngoại vẫn mua ròng trên HOSE với 275 tỷ đồng, tương ứng khối lượng ròng 10,6 triệu cổ phiếu. DPM là cổ phiếu được mua ròng nhiều nhất với 93,6 tỷ đồng. Tiếp theo là GEX với 85,3 tỷ đồng và KBC với 61,1 tỷ đồng.

Tính chung trong 6 phiên trở lại đây, khối ngoại đã đẩy mạnh mua ròng hơn 1.709,5 tỷ đồng, tương đương 72,7 triệu USD, bất chấp lực bán mạnh của nhà đầu tư nội. Điều này cho thấy niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài với tình hình kinh tế Việt Nam cũng như những nỗ lực thanh lọc, minh bạch TTCK của Chính phủ.

Điều chỉnh giảm ngắn hạn là bình thường

Theo các chuyên gia, việc thị trường điều chỉnh giảm ngắn hạn lần này là bình thường, năm nào cũng có. Vì thế, việc nhà đầu tư cần làm là ổn định tâm lý, tránh tin đồn thất thiệt, trang bị kiến thức chuẩn, tránh kinh nghiệm thực chiến chung chung chỉ có vẻ hay trong uptrend, hiểu và tập trung vào giá trị, xây dựng chiến lược đầu tư rõ ràng và tuân thủ kỷ luật.

Chủ tịch HĐQT SSI cho hay, theo suy nghĩ cá nhân của ông, thị trường đang mang lại nhiều cơ hội hơn là rủi ro cho nhà đầu tư so với lúc thị trường tăng nóng ở đỉnh. “Còn tất nhiên khi thị trường giảm bất kể vì lý do gì thì các nhà đầu tư đang giữ danh mục cổ phiếu đều thấy mất tiền và có cảm giác bi quan. Tuy nhiên, “qua cơn mưa trời lại sáng”, việc lành mạnh hóa thị trường luôn là yếu tố tích cực nhằm bảo vệ nhà đầu tư và cả nền kinh tế” – ông Hưng nhấn mạnh.

Nhận định về xu hướng thị trường, báo cáo của Công ty Chứng khoán SHS nhận định, với trạng thái tâm lý thị trường như hiện tại, theo thống kê, thị trường rất có thể sẽ sớm hình thành đáy ngắn hạn và hồi phục.

“Do đó, chúng tôi cho rằng nhà đầu tư không nên tiếp tục bán ra ở phiên tiếp theo 20/4, bởi thị trường có thể sớm hồi phục trở lại. Nhà đầu tư nếu đã mua vào trong vùng hỗ trợ 1.400 - 1.425 điểm (đáy tháng 12/2021) tiếp tục nắm giữ danh mục và có thể gia tăng tỷ trọng nếu thị trường chiết khấu về các vùng giá hấp dẫn hơn” - chuyên gia SHS khuyến nghị.

Thông tin từ Bộ Tài chính, trong những tháng đầu năm 2022, nền kinh tế Việt Nam có nhiều khởi sắc trong bối cảnh dịch Covid-19 được kiểm soát, kinh tế thế giới duy trì đà hồi phục, các hoạt động sản xuất, kinh doanh được đẩy mạnh. Thanh khoản trên thị trường cổ phiếu năm 2021 vẫn tiếp tục gia tăng trong những tháng đầu năm 2022, với mức bình quân đạt 30.845 tỷ đồng/phiên, tăng 15,9% so với bình quân năm trước.

Về quy mô giao dịch TTCK Việt Nam hiện đã vượt qua Singapore, đứng thứ 2 trong ASEAN sau Thái Lan, giá trị giao dịch bình quân đạt 30.845 tỷ đồng/phiên, tăng 15,9% so với bình quân năm trước.

Nhằm đảm bảo TTCK tiếp tục phát triển ổn định, minh bạch, trong năm 2022, Bộ Tài chính chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước triển khai nhiều giải pháp. Đó là hoàn thiện khung pháp lý cho TTCK, hoàn thiện xây dựng chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030 để định hình mục tiêu, giải pháp và lộ trình phát triển TTCK về dài hạn.

Đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động thị trường, tăng cường công tác giám sát, rà soát, nhận diện các mã cổ phiếu có giao dịch bất thường; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Tiếp tục thực hiện tái cấu trúc công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ rà soát, phân loại, kiểm tra tại chỗ, xây dựng phương án đối với từng công ty để có biện pháp xử lý.

Tiếp tục phát triển và đa dạng hóa các loại hình quỹ đầu tư nhằm cải thiện chất lượng cầu đầu tư, hướng tới cầu đầu tư bền vững. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường cung cấp thông tin chính thống giúp nâng cao nhận thức, hiểu biết và kỹ năng tài chính của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân, qua đó góp phần giúp các nhà đầu tư tham gia TTCK an toàn và hiệu quả.

Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ đạo các Bộ, ngành, cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động thực hiện ngay các biện pháp nhằm bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động thị trường tài chính, tiền tệ.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động thực hiện ngay các biện pháp ổn định thị trường tài chính tiền tệ, chứng khoán. Bộ Công an, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ TT&TT, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các cơ quan liên quan theo chức năng và nhiệm vụ được giao tiếp tục phối hợp chặt chẽ để thực hiện tốt, hiệu quả, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Công điện số 8857/CĐ-VPCP ngày 3/12/2021, Công điện số 304/CĐ-TTg ngày 7/4/2022, Công điện số 311/CĐ-TTg ngày 11/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 14/TTg-KTTH ngày 14/4/2022.

Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp với các cơ quan liên quan làm việc, yêu cầu các DN thực hiện công bố thông tin theo đúng quy định pháp luật; trường hợp phát hiện công bố thông tin không rõ ràng, không chính xác thì yêu cầu cải chính và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Thực hiện ngay việc công bố và cung cấp thông tin chính thức, trung thực về vụ việc và tình hình, triển vọng phát triển kinh tế - xã hội đất nước cho các cơ quan báo chí và nhà đầu tư để nhà đầu tư tin tưởng, yên tâm tiếp tục thực hiện các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh theo quy định pháp luật...