Chứng khoán Mỹ có chuỗi "leo dốc" kéo dài, Dow Jones vừa có thêm gần 350 điểm

Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 7/7 tiếp đà đi lên khi Phố Wall nối dài đà tăng khiêm tốn trước khi công bố báo cáo việc làm quan trọng.Chỉ số Dow Jones vừa có thêm gần 350 điểm.
Hình minh họa
Hình minh họa

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm (7/7), chỉ số Dow Jones tăng 346,87 điểm (tương đương 1,12%) lên 31.384,55 điểm. Chỉ số S&P 500 tiến 1,50% lên 3.902,62 điểm, còn chỉ số Nasdaq Composite cộng 2,28% lên 11.621,35 điểm.

Theo Bespoke Investment Group, S&P 500 vừa trải qua 4 phiên tăng liên tục, chuỗi đi lên dài nhất kể từ đầu năm 2022 đến nay. So với đỉnh lịch sử thiết lập cuối phiên 3/1, S&P 500 hiện nay chỉ còn thấp hơn 18,6%. Hồi giữa tháng 6, chỉ số này từng giảm hơn 20% so với đỉnh và bị coi là rơi vào thị trường gấu.

Cổ phiếu năng lượng là nhóm dẫn dắt đà tăng của thị trường chứng khoán Mỹ phiên 7/7, như thể hiện trong biểu đồ bên dưới. Đại gia dầu khí ExxonMobil thêm 3,2% và Occidental Petroleum tăng gần 4% trong bối cảnh giá dầu hồi phục sau khi giảm sâu trong mấy ngày qua vì lo ngại suy thoái kinh tế.

Theo CNBC, các cổ phiếu hàng hóa, vật liệu cũng diễn biến tích cực với Freeport-McMoRan và Nucor tăng tương ứng 6,7% và 4,3%.

Cổ phiếu của các hãng sản xuất chip đi lên sau khi tập đoàn Samsung của Hàn Quốc thông báo kết quả kinh doanh quý gần nhất với lợi nhuận tăng 11% còn doanh thu cải thiện 21% nhờ doanh số bán chip nhớ mạnh mẽ. AMD và Nvidia tăng lần lượt 5,2% và 4,8%.

Tương tự S&P 500, chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite đã tăng 4 phiên liên tục. Dow Jones có chuỗi đi lên ba phiên liền.

CNBC dẫn lời ông Angelo Kourkafas, chuyên gia chiến lược đầu tư tại Edward Jones, nhận định: “Thị trường không có quá nhiều niềm tin vào đợt tăng gần đây, nhưng dù sao thì nhà đầu tư cũng vui mừng khi thấy thị trường hồi phục từ các mức quá bán ngắn hạn trong lúc không có thêm thông tin tiêu cực”.

Ông Jeff Buchbinder, chiến lược gia cổ phiếu tại LPL Financial, nhận xét: “Tạo đáy là cả một quá trình, và chúng ta đang tìm đường đi qua quá trình đó. Chúng tôi nghĩ rằng nếu đáy của thị trường vẫn chưa xuất hiện thì cũng chỉ ở đâu đó quanh đây thôi”.

Về phía dữ liệu kinh tế, Bộ Lao động Mỹ sáng 7/7 cho biết số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần kết thúc vào ngày 2/7 là 235.000, tăng 4.000 người so với tuần trước đó và cao hơn con số 230.000 người mà các nhà kinh tế của Dow Jones dự báo.

Cục Thống kê Dân số Mỹ ngày 7/7 cho biết nền kinh tế lớn nhất thế giới xuất khẩu 255,9 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ trong tháng 5, đồng thời nhập khẩu 341,4 tỷ USD, tương ứng với thâm hụt 85,5 tỷ USD. Thâm hụt thương mại thấp nhất kể từ đầu năm 2022 nhưng vẫn nhiều hơn mức 84,7 tỷ USD mà các nhà kinh tế của Dow Jones dự đoán.

Ngày 8/7, Bộ Lao động Mỹ sẽ công bố báo cáo việc làm tháng 6. Các nhà kinh tế mà Dow Jones khảo sát dự báo Mỹ sẽ có thêm 250.000 việc làm mới, giảm so với mức 390.000 trong tháng 5.

Các nhà đầu tư sẽ chú ý phân tích các con số việc làm để đánh giá sức khỏe của nền kinh tế cũng như định hướng chính sách của Cục Dự trữ Liên bang (Fed).

Nếu các số liệu cho thấy thị trường lao động vẫn hoạt động mạnh mẽ với số việc làm mới tăng mạnh, thị trường chứng khoán có thể sẽ phản ánh tiêu cực vì lo ngại Fed sẽ thắt chặt tiền tệ mạnh tay hơn để chống lạm phát.

Nếu thị trường lao động suy yếu, Fed có thể sẽ chùn tay trong việc nâng lãi suất.

Trong tháng 6, Fed đã nâng lãi suất 75 điểm cơ bản để cố gắng hạ nhiệt giá cả. Nhiều nhà kinh tế dự báo Fed sẽ một lần nữa tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản trong cuộc họp sắp tới, diễn ra vào ngày 26-27/7.