Chứng khoán Mỹ giảm điểm sau báo cáo lạm phát, giá dầu lưỡng lự dù Trung Quốc nới hạn chế chống Covid

Sự thận trọng của nhà đầu tư trong phiên nay cho thấy họ đang chờ báo cáo việc làm tháng 11 dự kiến công bố vào ngày thứ Sáu...

chung-khoan-my-1669946264.jpeg Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (1/12), dù thống kê tiếp tục cho thấy sự suy yếu của lạm phát. Giá dầu thô ít biến động cho dù được hỗ trợ bởi sự suy yếu của đồng USD và tin Trung Quốc nới các hạn chế chống Covid-19 tại một số địa phương.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 194,76 điểm, tương đương giảm 0,56%, còn 34.395,01 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,09%, còn 4.076,57 điểm. Riêng chỉ số Nasdaq tăng 0,13%, đạt 11.482,45 điểm.

“Sự giảm điểm của thị trường phiên này có vẻ liên quan nhiều hơn đến yếu tố kỹ thuật. Thị trường yếu đi một chút sau phiên tăng mạnh mẽ vào ngày hôm qua”, Giám đốc chiến lược đầu tư David Grecsek của Aspirant nói với hãng tin CNBC.

Cổ phiếu Salesforce giảm khoảng 8,3%, gây áp lực lên Dow Jones, sau khi công ty phần mềm này cho biết đồng CEO chuẩn bị từ chức. Trong phiên, có lúc Dow Jones giảm 460 điểm, sau khi tăng hơn 700 điểm trong phiên ngày thứ Tư nhờ tín hiệu từ Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell rằng Fed có thể sắp giảm tốc độ tăng lãi suất.

Cổ phiếu Costco giảm 6,6% sau khi công ty bán lẻ giá sỉ này công bố doanh thu tháng 11 chỉ tăng 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn nhiều so với mức tăng 7,7% đạt được trong tháng 10. Doanh thu tháng 11 của Costco được giới đầu tư xem như một dấu hiệu đáng lo ngại về mùa mua sắm cuối năm. Costco cũng cho biết doanh thu bán hàng trực tuyến giảm 10,1% trong tháng 11.

Số liệu thống kê công bố ngày thứ Năm tiếp tục là một con số mang đến hy vọng về một lập trường mềm mỏng hơn trong chính sách tiền tệ của Fed.

Báo cáo từ Bộ Thương mại Mỹ cho thấy chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi, thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng, tăng 0,2% trong tháng 11 so với tháng trước và tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng tháng thấp hơn dự báo tăng 0,3% mà giới phân tích đưa ra trong cuộc khảo sát của Dow Jones, nhưng mức tăng năm phù hợp dự báo.

Các mức tăng này đều giảm tốc so với tháng 9 - kỳ báo cáo mà PCE lõi tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sự thận trọng của nhà đầu tư trong phiên nay cho thấy họ đang chờ báo cáo việc làm tháng 11 dự kiến công bố vào ngày thứ Sáu. Thị trường việc làm của Mỹ được cho là tiếp tục thắt chặt cho dù Fed đã nâng mạnh lãi suất từ đầu năm đến nay để chống lạm phát. Một thị trường việc làm còn vững mạnh đồng nghĩa với việc Fed còn cơ sở để tiếp tục siết chính sách tiền tệ. Các chuyên gia kinh tế được Dow Jones khảo sát dự báo khu vực phi nông nghiệp của nền kinh tế Mỹ có thêm 200.000 công việc mới trong tháng 11, giảm từ mức 261.000 công việc mới ghi nhận trong tháng 10.

Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London giảm 0,09 USD/thùng, còn 86,88 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,67 USD/thùng, tương đương tăng 0,8%, chốt ở 81,22 USD/thùng.

Giá dầu cả hai loại dầu đã cùng tăng khá mạnh vào đầu phiên giao dịch nhờ hy vọng nhu cầu tiêu thụ dầu ở Trung Quốc khởi sắc sau khi nước này nới lỏng các biện pháp chống dịch ở hai thành phố Quảng Châu và Trùng Khánh. Nỗi lo về tình hình Covid ở Trung Quốc là một nguyên nhân quan trọng khiến giá dầu giảm sâu gần đây. Đầu tuần này, giá dầu Brent tụt về ngưỡng 80 USD/thùng, thấp nhất kể từ ngày 4/1.

Chiến lược gia Eli Tesfeye của RJO Futures dự báo trong ngắn hạn giá dầu sẽ dao động trong khoảng 70-90 USD/thùng và dần ổn định trở lại sau khi biến động mạnh mấy tuần gần đây.

Đáng chú ý, giá dầu đã không thể bứt phá dù còn được hỗ trợ bởi sự suy yếu của đồng USD. Chỉ số Dollar Index giảm gần 1,2% khi nhà đầu tư kỳ vọng Fed sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất ngay từ cuộc họp tháng 12.

Ngoài ra, giá dầu cũng được nâng đỡ bởi khả năng dầu thô Nga bị áp một trần giá thấp hơn so với dự kiến ban đầu. Một nhà ngoại giao Liên minh châu Âu (EU) tiết lộ với hãng tin Reuters rằng EU đang nghiêng về khả năng áp mức trần 60 USD/thùng đối với dầu Nga, thay vì mức 65-70 USD/thùng như dự kiến hồi đầu tuần này.

Thị trường cũng đang chờ cuộc họp sản lượng của OPEC+ vào ngày Chủ nhật tuần này. OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số đồng minh ngoài khối gồm Nga. Lần họp này của OPEC+ được tổ chức trực tuyến, một dấu hiệu cho thấy liên minh có thể sẽ không đưa ra một quyết định điều chỉnh sản lượng nào như đồn đoán trước đó của thị trường.