Một nhà giao dịch trên sàn NYSE đưa con trai tới nơi làm việc theo truyền thống hàng năm của sàn này, hôm 25/11 - Ảnh: Reuters.
Hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq của thị trường chứng khoán Mỹ giảm phiên thứ ba liên tiếp trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (29/11), khi các nhà đầu tư còn chưa “hoàn hồn” sau phiên bán tháo trước đó và đang chờ những số liệu kinh tế mới dự kiến công bố trong tuần. Giá dầu thô WTI tăng nhờ thông tin đáng hy vọng liên quan đến dịch Covid-19 ở Trung Quốc.
Lúc đóng cửa, Nasdaq trượt 0,59%, còn 10.983,78 điểm. S&P 500 giảm 0,16%, còn 3.957,63 điểm. Riêng chỉ số Dow Jones tăng 3,07 điểm, tương đương tăng 0,01%, đạt 33.852,53 điểm.
Các thống kê kinh tế được giới đầu tư chờ đợi trong tuần này bao gồm số công việc mà các doanh nghiệp đang cần tuyển dụng, dự kiến công bố vào ngày thứ Tư; chỉ số tiêu dùng cá nhân (PCE) vào ngày thứ Năm; và báo cáo thị trường lao động tháng 11 vào ngày thứ Sáu.
Ngoài ra, nhà đầu tư cũng chờ bài phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell vào ngày thứ Tư để tìm kiếm tín hiệu về việc bao giờ Fed sẽ giảm tốc độ tăng hoặc dừng tăng lãi suất. Trong bài phát biểu tại Viện Brookings, nhà lãnh đạo ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới sẽ nói về về triển vọng nền kinh tế Mỹ và thị trường lao động.
“Thị trường đã dịch chuyển trọng tâm từ báo cáo tài chính của các doanh nghiệp niêm yết sang những yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến quyết định lãi suất của Fed trong cuộc họp tháng 12. Họ đang hướng đến những gì có thể xảy ra tiếp theo, thay vì nhìn lại những gì đã diễn ra”, Giám đốc đầu tư Bill Northey của US Bank nhận định với hãng tin CNBC.
“Không ai muốn mua trước khi ông Powell phát biểu vào ngày mai. Ai cũng lo về những gì ông ấy sắp nói”, nhà quản lý danh mục Ron Saba của Horizon Investments nhận định với hãng tin Reuters.
Thị trường đã nỗ lực nhưng không thể phục hồi sau phiên “đỏ lửa” hôm thứ Hai. Ngay đầu tuần, cổ phiếu đã bị bán tháo trên toàn cầu vì nhà đầu tư lo ngại về những diễn biến phức tạp liên quan đến đại dịch ở Trung Quốc.
Phiên ngày thứ Ba, mối lo của nhà đầu tư về Trung Quốc đã được giải tỏa phần nào khi một quan chức nước này nói với các nhà báo rằng 65,8% số người trên 80 tuôỉđdã được tiêm vaccine Covid mũi tăng cường. Ngoài ra, số liệu của Chính phủ Trung Quốc cũng cho thấy số ca nhiễm mới Covid ở đại lục đã giảm lần đầu tiên trong hơn 1 tuần, và đây là một động lực cho phiên phục hồi trên cả hai sàn Thượng Hải và Hồng Kông.
Mối lo về Covid ở Trung Quốc tiếp tục gây áp lực giảm lên cổ phiếu Apple - hãng công nghệ có cơ sở sản xuất lớn ở nước này. Cổ phiếu Apple giảm phiên thứ tư liên tiếp, với mức giảm 2,1%.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London giảm 0,16 USD/thùng, tương đương giảm 0,2%, còn 83,03 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,96 USD/thùng, tương đương tăng 1,2%, đạt 78,2 USD/thùng.
Việc Trung Quốc tuyên bố đẩy mạnh tiêm vaccine Covid cho người cao tuổi nhằm tiến tới nới lỏng các hạn chế chống dịch đã khiến giới đầu tư trên thị trường dầu lửa lạc quan. Nhưng mặt khác, giá dầu cũng đối mặt với áp lực giảm khi thị trường cho rằng OPEC+ sẽ không thay đổi hạn ngạch sản lượng trong cuộc họp sắp tới, thay vì cắt giảm sản lượng như một số đồn đoán gần đây.
Trao đổi với Reuter, 5 nguồn tin OPEC+ nói rằng liên minh này có thể giữ nguyên sản lượng trong cuộc họp dự kiến diễn ra vào ngày Chủ nhật tuần này. OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga.
Thị trường cũng đang chờ xem nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) và Liên minh châu Âu (EU) sẽ thống nhất như thế nào về trần giá dầu Nga. Các nước đang thảo luận áp trần giá 65-70 USD/thùng lên dầu Nga, nhưng đến ngày thứ Hai vẫn chưa đạt thỏa thuận. Trần giá dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 5/12, cùng ngày với lệnh cấm vận dầu thô Nga vận chuyển bằng đường biển được EU chính thức thực thi.
Diễn biến giá dầu thô Brent tại thị trường London từ đầu năm. Đơn vị: USD/thùng.
Gần đây, giá dầu được hỗ trợ khi đồng USD giảm giá khỏi mức đỉnh của 20 năm, trong bối cảnh có những dấu hiệu cho thấy lạm phát ở Mỹ có thể đã qua đỉnh. Dù vậy, nỗi lo về khả năng kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái đang gây áp lực giảm lên giá dầu, khiến giá “vàng đen” có lúc giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm.