Chứng khoán Mỹ khởi sắc, Dow Jones bật tăng 760 điểm khởi đầu quý 4

Chứng khoán Mỹ tăng điểm vào ngày 3/10 để khởi đầu tháng và quý mới, khi lợi suất trái phiếu Mỹ giảm từ mức cao chưa từng thấy trong gần 1 thập kỷ.

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones vọt lên 765 điểm, tương đương 2,66%, và kết phiên ở gần 29.491 điểm. Chỉ số S&P 500 đi lên 2,59% và dừng ở 3.678 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite tăng 2,27% và kết phiên ở 10.815 điểm. Đây là phiên tăng mạnh nhất của Dow Jones kể từ ngày 24/6 và của S&P 500 tính từ ngày 27/7.

Chứng khoán Mỹ khởi sắc, Dow Jones bật tăng 760 điểm khởi đầu quý 4
 

Chứng khoán Mỹ khởi sắc khi lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm dao động ở mức 3,65%, sau khi có thời điểm vượt mốc 4% hồi tuần trước.

Ông Tavis McCourt, chiến lược gia cổ phiếu khách hàng tổ chức tại Raymond James, nhận định: “Mọi chuyện lúc này rất đơn giản, lợi suất Kho bạc 10 năm tăng lên thì cổ phiếu nhiều khả năng phải chịu áp lực giảm. Nếu lợi suất đi xuống, giá cổ phiếu sẽ phục hồi”.

Phố Wall vừa trải qua một tháng khó khăn, khi mà Dow Jones và S&P 500 ghi nhận cú giảm theo tháng tồi tệ nhất kể từ tháng 3/2020, thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát. Theo đó, Dow Jones giảm 8,8% trong tháng 9 trong khi S&P 500 và Nasdaq lần lượt mất 0,3 và 10,5%. Cuối tuần trước, lần đầu tiên kể từ tháng 11/2020, Dow Jones đóng cửa dưới 29.000 điểm.

Cũng trong quý kết thúc vào tháng 9, Dow Jones đã giảm 6,66%, trở thành quý giảm thứ 3 liên tiếp đầu tiên kể từ quý 3/2015. Cả S&P 500 và Nasdaq cũng lần lượt mất 5,38% và 4,11% trong quý trước, xác lập 3 quý giảm liên tiếp đầu tiên kể từ năm 2009.

Tuy nhiên, Mike Wilson, chiến lược gia của Morgan Stanley, cho rằng chứng khoán Mỹ sẽ tiếp tục sụt giảm trong những tháng còn lại của năm nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ không thay đổi đáng kể trong cách chống lạm phát của họ.

“Tóm lại, nếu không có sự xoay trục của FED, cổ phiếu có thể sẽ giảm tiếp. Ngược lại, nếu FED thay đổi chính sách hoặc nhà đầu tư tin vào điều đó, chứng khoán có khả năng quay đầu phục hồi”, Wilson nói.

Ở một diễn biến khác, giá dầu vọt gần 4 USD/thùng vào ngày 3/10, khi OPEC+ cân nhắc cắt giảm sản lượng hơn 1 triệu thùng/ngày để trợ giá dầu, đây sẽ là mức cắt giảm mạnh nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Giá dầu Brent tăng 3,72 USD (tương đương 4,37%) lên 88,86 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI tăng 4,14 USD (tương đương 5,2%) lên 83,63 USD/thùng.

Giá dầu đã giảm 4 tháng liên tiếp kể từ tháng 6/2022, khi các biện pháp phong toả Covid-19 ở quốc gia tiêu thụ năng lượng hàng đầu Trung Quốc đã ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu, trong khi lãi suất và đồng USD tăng gây áp lực lên các thị trường tài chính toàn cầu.

Ngoài ra, chúng tôi cũng giới thiệu tới độc giả các thông tin về giá khác mà nhiều người quan tâm được liên tục cập nhật như: Cổ phiếu ngân hàng bị bán tháo, nhiều mã giảm sàn

Trong phiên giao dịch đầu tuần (3/10), hàng loạt mã cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh, trong đó cổ phiếu BID, TCB, CTG và STB ...