Chứng khoán Mỹ lao dốc vì dữ liệu lạm phát “nóng”, giá dầu cũng đi xuống

“Không có gì đáng ngạc nhiên khi thấy thị trường suy yếu vì hy vọng về một sự dịch chuyển sang mềm mỏng của Fed trong vài tháng tới đây đang phai dần"...

chung-khoan-my-1676597575.png Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (17/2), khi thống kê cho thấy lạm phát cao hơn dự báo và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu giảm xuống phản ánh sự vững vàng của nền kinh tế, củng cố khả năng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ. Giá dầu thô cũng giảm nhẹ vì mối lo lãi suất và nhu cầu tiêu thụ dầu.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones sụt 431,2 điểm, tương đương giảm 1,26%, còn 33.696,85 điểm. Chỉ số S&P 500 trượt 1,38%, còn 4.090,41 điểm. Chỉ số Nasdaq sụt 1,78%, còn 11.855,83 điểm.

Microsoft và Disney là hai cổ phiếu đóng góp nhiều nhất vào sự giảm điểm của Dow Jones phiên này, giảm tương ứng 2,66% và 3,12%. Trong khi đó, Tesla sụt 5,69% do hãng xe điện công bố một cuộc triệu hồi xe, trở thành cổ phiếu gây áp lực giảm lớn nhất lên S&P 500.

Báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy, chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) của nước này tăng 0,7% trong tháng 1, vượt xa mức dự báo tăng 0,4% mà giới phân tích đưa ra trước đó. Một báo cáo khác từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc vào ngày 11/2 bất ngờ giảm.

Những dữ liệu mới này được công bố sau khi thị trường tài chính trong tuần này đón nhận các báo cáo cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và doanh thu bán lẻ của Mỹ trong tháng 1 đều cao hơn dự báo. Tựu chung, loạt số liệu này phản ánh nền kinh tế Mỹ vẫn đang trụ vững sau 8 lần nâng lãi suất kể từ tháng 3/2022 của Fed, đồng thời cho thấy Fed vẫn còn một chặng đường dài phải đi trong cuộc chiến chống lạm phát – đúng như những gì các quan chức của ngân hàng trung ương này vẫn khẳng định.

“Cả hai báo cáo lạm phát trong tuần này đều cho thấy sự dai dẳng của lạm phát và cuộc chiến chống lạm phát chưa thể kết thúc. Số liệu PPI công bố ngày hôm nay còn cho thấy mức tăng tháng cao nhất kể từ đầu mùa hè tới nay”, ông Mike Loewengart - trưởng bộ phận xây dựng danh mục mô hình thuộc ngân hàng đầu tư Morgan Stanley – nói với hãng tin CNBC.

Ông Lowengart nói thêm rằng thống kê về số đơn xin trợ thất thất nghiệp chính dấu hiệu về sự thắt chặt tiếp diễn của thị trường lao động. “Không có gì đáng ngạc nhiên khi thấy thị trường suy yếu vì hy vọng về một sự dịch chuyển sang mềm mỏng của Fed trong vài tháng tới đây đang phai dần. Tóm lại, nhà đầu tư nên nhận thức được rằng lạm phát có thể sẽ không quay trở về mức bình thường sớm như nhiều người hy vọng, và điều đó sẽ gây ra nhiều biến động trong thời gian tới”, ông nói.

Phát biểu của một số quan chức Fed cùng ngày càng khiến cho Phố Wall thêm phần lo lắng. Chủ tịch Fed chi nhánh St. Louis, ông James Bullard, nói rằng ông muốn mức tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp vào đầu tháng này - thực tế Fed đã nâng lãi suất với bước nhảy 0,25 điểm phần trăm. Ông Bullard nói thêm mức tăng 0,5 điểm phần trăm có thể được áp dụng trong cuộc họp tháng 3.

Chủ tịch Fed chi nhánh Cleveland, bà Loretta Mester, cũng tuyên bố ủng hộ tăng lãi suất với bước nhảy lớn hơn.

Với phiên giảm này, Dow Jones đang tiến tới tuần giảm thứ ba liên tiếp. S&P 500 hiện đi ngang nếu so với đầu tuần, trong khi Nasdaq tăng nhẹ. Tính từ đầu năm, S&P 500 hiện tăng khoảng 7%, và động lực cho sự tăng điểm đó là hy vọng lạm phát xuống thang sẽ khiến Fed dừng tăng lãi suất thậm chí giảm lãi suất trong năm nay.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 0,24 USD/thùng, còn 85,14 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 0,1 USD/thùng, còn 78,49 USD/thùng.

Ngoài nỗi lo về lãi suất còn tăng, giá dầu phiên này chịu áp lực giảm từ việc tỷ giá đồng USD có lúc tưang giá lên mức cao nhất 6 tuần.

“Giá dầu Brent tuần này không thể tăng lên trên đường bình quân 100 ngày”, nhà phân tích Giovanni Staunovo của ngân hàng UBS nói với vẻ bi quan.

Giá dầu Brent đã dao động trong vùng 80-90 USD/thùng suốt 6 tuần qua, trong khi giá dầu Brent dao động từ 72-83 USD/thùng suốt từ tháng 12. Tuy nhiên, bên cạnh áp lực giảm, giá dầu vẫn đang được nâng đỡ bởi hy vọng về sự phục hồi của nhu cầu tiêu thụ dầu ở Trung Quốc. Tuần này, cả Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) đều nâng dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu năm 2023.

Phát biểu ngày thứ Năm, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Saudi Arabia, hoàng tử Abdulaziz bin Salman, nói thoả thuận cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày mà OPEC+ đang thực thi sẽ được duy trì cho tới hết năm nay. Ông Abdulaziz cũng tỏ ra thận trọng về nhu cầu của Trung Quốc.

OPEC+ là liên mình giữa OPEC mà một số nước thành viên ngoài khối gồm Nga.

Trên thị trường tiền số, giá Bitcoin tụt dưới mốc 24.000 USD, sau khi bất ngờ tăng 10% vào phiên trước. Lúc hơn 7h sáng nay theo giờ Việt Nam, giá đồng tiền kỹ thuật số lớn nhất thế giới đứng ở mức 23.549 USD, giảm hơn 3% so với cách đó 24 tiếng. Tuy nhiên, trong vòng 1 tuần trở lại đây, giá Bitcoin vẫn tăng khoảng 7,9% - theo dữ liệu từ trang Coinmarketcap.com.