Chứng khoán Mỹ lao dốc vì mối lo trần nợ, giá dầu giảm do số liệu xấu từ Trung Quốc

“Có cảm giác là mọi người bắt đầu cho rằng Fed sẽ thành công trong cuộc chiến chống lạm phát. Nhưng câu chuyện trần nợ đang gây ra nhiều lo ngại"...

chung-khoan-my-1684291413.png Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, sau khi Home Depot đưa ra dự báo gây thất vọng và số liệu bán lẻ tháng 4 cho thấy người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Ngoài ra, mối bấp bênh về lãi suất và cuộc đàm phán trần nợ cũng phủ bóng lên tâm trí nhà đầu tư.

Giá dầu thô cũng có một phiên giảm, dưới áp lực đến từ những số liệu ảm đạm về kinh tế Trung Quốc, dù được hỗ trợ bởi một dự báo lạc quan về nhu cầu tiêu thụ năng lượng.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 336,46 điểm, tương đương giảm 1,01%, chốt ở 33.012,14 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,64%, còn 4.109,9 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 0,18%, còn 12.343,05 điểm.

Home Depot trượt 2,15%, trở thành cổ phiếu dẫn đầu phiên giảm này của Dow Jones và S&P 500. Cú giảm diễn ra sau khi hãng bán lẻ sản phẩm nâng cấp nhà cửa cắt giảm dự báo doanh thu hàng năm và cho rằng lợi nhuận cả năm nay sẽ giảm mạnh hơn dự báo của thị trường. Cổ phiếu Lowe’s Companies, một đối thủ của Home Depot, chốt phiên với mức giảm 1,16%.

Báo cáo từ Bộ Thương mại Mỹ cho thấy doanh thu bán lẻ ở nước này tăng 0,4% trong tháng 4, chỉ bằng một nửa mức dự báo tăng 0,8% mà giới phân tích đưa ra. Tuy nhiên, doanh thu bán lẻ lõi - không bao gồm các mặt hàng ô tô, xăng dầu, vật liệu xây dựng, và dịch vụ ăn uống - bật tăng mạnh.

“Có cảm giác là mọi người bắt đầu cho rằng Fed sẽ thành công trong cuộc chiến chống lạm phát. Nhưng câu chuyện trần nợ đang gây ra nhiều lo ngại”, nhà quản lý danh mục Ken Polcari của công ty Kace Capital Advisors nói với hãng tin Reuters.

Các số liệu kinh tế gần dây cho thấy nền kinh tế Mỹ đã giảm tốc sau 10 đợt tăng lãi suất liên tiếp của Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Sự giảm tốc này, cùng với cuộc khủng hoảng trần nợ của Chính phủ Mỹ, đang dẫn tới những đồn đoán cho rằng Fed sắp dừng tăng lãi suất, thậm chí là chuyển sang cắt giảm lãi suất.

Trong một diễn biến tích cực sau khi thị trường đã đóng cửa phiên giao dịch chính thức ngày thứ Ba, Tổng thống Joe Biden - một người của Đảng Dân chủ, và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy - một người Cộng hoà đang tiến gần hơn tới một thoả thuận nâng trần nợ nhằm ngăn chặn vụ vỡ nợ chính phủ lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ. Sau cuộc gặp kéo dài 1 giờ tại Nhà Trắng, ông McCarthy cho biết hai bên vẫn còn nhiều quan điểm trái ngược về nâng trần nợ, nhưng “có thể đạt thoả thuận trong tuần này. Không quá khó để đạt thoả thuận”.

Nguy cơ Mỹ vỡ nợ cũng khiến ông Biden quyết định rút ngắn chuyến công du châu Á tuần này để tập trung vào xử lý vấn đề trần nợ. Hôm thứ Hai, Bộ Tài chính Mỹ một lần nữa cảnh báo nước này có thể vỡ nợ vào ngày 1/6 nếu trần nợ không được nâng kịp thời.

“Mọi người đang cố gắng đoán xem chuyện gì tiếp theo sẽ xảy ra. Lợi ích là rất lớn, nhưng đáng tiếc là không ai dám chắc điều gì”, chiến lược gia trưởng Sam Stovall của CFRA Research nhận định với hãng tin CNBC.

Thị trường lãi suất tương lai vẫn đang đặt cược khả năng Fed giảm lãi suất trong năm nay, nhưng các bình luận gần đây của giới chức Fed cho thấy họ chưa sẵn sàng cho việc cắt giảm lãi suất. Phát biểu ngày thứ Ba, Chủ tịch Fed chi nhánh Richmond, ông Thomas Barkin nói ông “thoải mái” với việc tăng lãi suất thêm nếu cần thiết, nhưng thích sự “để ngỏ các lựa chọn” như hàm ý trong tuyên bố chính sách gần đây nhất của Fed.

Chủ tịch Fed chi nhánh Cleveland, bà Loretta Mester nói bà không cho rằng đã đến lúc Fed có thể giữ nguyên lãi suất.

Giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 0,23 USD/thùng, chốt ở 74,91 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 0,25 USD/thùng, còn 70,86 USD/thùng. Trước đó, giá cả hai loại dầu đã tăng hơn 1% trong phiên ngày thứ Hai, chấm dứt chuỗi ba phiên giảm liên tiếp.

Gây áp lực giảm lên giá dầu phiên này là số liệu từ Trung Quốc cho thấy tăng trưởng sản lượng công nghiệp và doanh thu bán lẻ của nước này trong tháng 4 đều không đạt dự báo. Những dữ liệu này được xem là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới đang hụt hơi ngay ở thời điểm đầu quý 2. Ngoài ra, số liệu bán lẻ tháng 4 của Mỹ như đề cập ở trên cũng gây ra ít nhiều thất vọng cho nhà đầu tư.

Dù vậy, nhu cầu dầu thô của các nhà máy lọc dầu ở Trung Quốc tăng 18,9% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăg cao thứ nhì trong lịch sử, giúp hỗ trợ giá dầu.

“Có nhiều mối lo về số liệu công nghiệp của Trung Quốc, nhưng nếu nhìn vào nhu cầu dầu thô thực sự, thì các kỷ lục vẫn đang xuất hiện”, nhà phân tích Phil Flynn của Price Futures Group nhận định.

Trong bối cảnh các công ty lọc dầu tăng lượng dự trữ trước khi bước vào mùa hè ở bán cầu Bắc, giai đoạn mà nhu cầu đi lại tăng cao hàng năm, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong tháng 5 năm này có thể đạt 11 triệu thùng/ngày, từ mức 10,67 triệu thùng/ngày trong tháng 4, theo số liệu của Refinitiv Oil Research.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ngày 16/5 nâng dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu năm nay thêm 200.000 thùng/ngày, lên mức kỷ lục 102 triệu thùng/ngày. Theo IEA, sự phục hồi của nhu cầu dầu ở Trung Quốc hậu Covid là vượt dự báo, đạt kỷ lục 16 triệu thùng/ngày trong tháng 3 vừa qua.

Trong một diễn biến có lợi khác cho giá dầu, Bộ Năng lượng Mỹ tuyên bố sẽ mua 3 triệu thùng dầu giao tháng 8 cho dự trữ chiến lược (SPR). Dự trữ SPR đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1983 sau khi Tổng thống Biden vào năm ngoái ra lệnh xả dầu từ dự trữ có 180 triệu thùng này để bình ổn thị trường.

Ngoài ra, cháy rừng ở tỉnh Alberta của Canada đang gây thiệt hại sản lượng 319 thùng dầu mỗi ngày, tương đương 3,7% sản lượng dầu của Canada.

Nguồn cung dầu toàn cầu được dự báo có thể thắt chặt trong nửa sau của năm nay, khi OPEC+ thực thi việc cắt giảm sản lượng. OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga.