Chứng khoán Mỹ sa sút trong tuần giao dịch đầu năm 2022

Thị trường chứng khoán Mỹ kết thúc tuần giao dịch đầu năm 2022 ghi nhận phiên thứ 4 liên tiếp giảm điểm. Nhà đầu tư đang chuyển bớt dòng tiền từ cổ phiếu công nghệ tăng trưởng cao và định giá cao sang các cổ phiếu giá trị trong bối cảnh lãi suất tăng nhanh.
3658-my-giym
 

Cụ thể, chỉ số Nasdaq Composite giảm 0,96% còn 14.935,9 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 0,41% và kết phiên ở 4.677 điểm, đánh dấu chuỗi giảm 4 phiên đầu tiên kể từ tháng 9 năm ngoái. Chỉ số Dow Jones nhích xuống 4,8 điểm, tức là chỉ 0,01%.

Đây là tuần tồi tệ nhất với Nasdaq kể từ tháng 2/2021. Tính chung cả tuần qua, chỉ số công nghệ này giảm 4/5 phiên và mất tổng cộng 4,5%. S&P 500 và Dow Jones cũng giảm lần lượt 1,8% và 0,29%.

Theo CNBC, nhà đầu tư đang chuyển bớt dòng tiền từ cổ phiếu công nghệ tăng trưởng cao và định giá cao sang các cổ phiếu giá trị trong bối cảnh lãi suất tăng nhanh.

Ông Jay Pestrichelli, đồng sáng lập công ty ZEGA Financial nhận xét: "Thị trường chứng khoán Mỹ đang trải qua một giai đoạn chuyển tiếp sau một năm 2021 tăng mạnh mẽ. Chúng tôi nhận thấy các cổ phiếu đơn lẻ biến động mạnh hơn so với các chỉ số. Dòng dẫn dắt thị trường cũng đang thay đổi, nhà đầu tư đang xem xét lại vai trò của cổ phiếu công nghệ định giá cao khi lãi suất đi lên".

Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm kết thúc năm 2021 ở mức 1,51% nhưng đã liên tiếp đi lên trong những phiên gần đây, ngày 7/1 có lúc chạm 1,8%.

Biên bản cuộc họp Fed tháng 12 được công bố hôm 5/1 đã thổi bùng đà tăng của lãi suất và sự sa sút của nhóm cổ phiếu công nghệ. Theo biên bản này, để kiềm chế lạm phát, Fed sẵn sàng nâng lãi suất nhanh hơn thị trường dự tính trước đó, đồng thời sẽ bán bớt trái phiếu để hút tiền về, giảm quy mô bảng cân đối kế toán.

CNBC dẫn lời ông Keith Lerner, Giám đốc chiến lược thị trường tại công ty chứng khoán Truist nhận định: "Một sự thay đổi trong chính sách của Fed thường khiến thị trường thêm náo động".

Cổ phiếu công nghệ cùng với cổ phiếu tiêu dùng không thiết yếu là hai nhóm giảm mạnh nhất thị trường ngày 7/1. Microchip Technology sụt 3,9%, cổ phiếu các hãng chip khác như Nvidia và AMD cùng mất hơn 3%.

Báo cáo việc làm gây thất vọng cũng ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý thị trường. Sáng 7/1, Bộ Lao động Mỹ cho biết nền kinh tế tạo ra thêm 199.000 việc làm trong tháng 12, thấp hơn hẳn con số 422.000 mà các nhà kinh tế của Dow Jones dự báo.

Mặc dù vậy, tiền lương trung bình theo giờ tăng 0,6%, cao hơn kỳ vọng của giới chuyên gia. Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 3,9%, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2020 và tích cực hơn con số 4,1% mà các nhà kinh tế dự đoán.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 7/1/2021, chỉ số VN-Index giảm 0,09 điểm (-0,01%) xuống 1.528,48 điểm. Toàn sàn có 211 mã tăng, 247 mã giảm và 32 mã đứng giá.

Chỉ số HNX-Index tăng 8,95 điểm (1,85%) lên 493,84 điểm. Toàn sàn có 159 mã tăng, 85 mã giảm và 53 mã đứng giá. UPCOM-Index tăng 1,21 điểm (1,06%) lên 115,6 điểm.

Giá trị giao dịch trên toàn thị trường đạt hơn 38.948 tỷ đồng, tương ứng hơn 1,35 tỷ đơn vị cổ phiếu được mua bán. Trong đó thanh khoản sàn HOSE đạt gần 31.900 tỷ đồng, giảm 10% so với phiên trước.