Chứng khoán Mỹ sụt mạnh sau khi Fed nâng lãi suất lần thứ 10, giá dầu “bay” hơn 4%

Tâm trạng ít nhiều lạc quan của nhà đầu tư vào đầu phiên giao dịch đã đảo chiều sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell loại trừ khả năng sớm cắt giảm lãi suất...

chung-khoan-my-2-1683163920.png Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (3/5) sau khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm đúng như dự báo trước đó. Nỗi lo về suy thoái kinh tế tiếp tục đẩy giá dầu thô lao dốc, với mức giảm hơn 4%.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones mất 270,29 diểm, tương đương giảm 0,8%, còn 33.414,24 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,7%, còn 4.090,75 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 0,46%, còn 12.025,33 điểm. Đây là phiên giảm thứ ba liên tiếp của cả ba chỉ số.

Tâm trạng ít nhiều lạc quan của nhà đầu tư vào đầu phiên giao dịch đã đảo chiều sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell loại trừ khả năng sớm cắt giảm lãi suất cho dù ông dự báo lạm phát sẽ giảm nhanh.

“Trong quá trình xác định chính sách tiền tệ cần thắt chặt thêm bao nhiêu là phù hợp để đưa lạm phát về mức 2%, uỷ ban sẽ tính đến sự thắt chặt đã có, độ trễ của hiệu ứng chính sách tiền tệ đối với các hoạt động kinh tế và lạm phát, cũng như các diễn biến kinh tế và tài chính”, Fed nói trong tuyên bố sau cuộc họp.

Tuy nhiên, điều khiến các nhà giao dịch quan tâm hơn không phải là những gì Fed nói, mà là những gì Fed không nói trong tuyên bố trên. Ngôn từ của Fed trong tuyên bố này dường như mềm mỏng hơn khi đề cập đến khả năng có thêm các đợt tăng lãi suất trong tương lai. Nếu so sánh với tuyên bố của cuộc họp tháng 3, có thể thấy Fed đã bỏ đi một đoạn nói “uỷ ban dự báo việc thắt chặt thêm lãi suất có thể là phù hợp”.

Trong họp báo sau cuộc họp, ông Powell nói rằng việc loại bỏ nội dung đó là một “thay đổi đáng kể” và rằng quyết định của Fed trong cuộc họp tháng 6 sẽ được quyết định bởi các dữ liệu kinh tế tiếp theo.

chung-khoan-my-3-1683163974.png Trong 1 tháng qua, chỉ số S&P 500 giảm khoảng 0,3%.

Nhà phân tích cấp cao Edward Moya của công ty phân tích và dữ liệu Oanda nhận định rằng động thái tăng lãi suất ngày 3/5 của Fed “sẽ là lần cuối cùng trong chu kỳ này”. Đây là lần nâng lãi suất thứ 10 của ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới kể từ khi chiến dịch tăng lãi suất để chống lạm phát được khởi động vào tháng 3/2022.

“Fed lo ngại rằng điều kiện tín dụng thắt chặt hơn sẽ gây sức ép lên các hoạt động kinh tế và tuyển dụng, từ đó duy trì xu hướng thiểu phát. Tín dụng thắt chặt sẽ đặt ra trở ngại cho nền kinh tế và có vẻ như trong trường hợp chúng ta không chứng kiến một ‘cơn bão hoàn hảo’ của số liệu việc làm và lạm phát nóng hơn kỳ vọng, Fed sẽ giữ nguyên lãi suất cho tới ít nhất cuối năm nay”, ông Moya nói.

Cổ phiếu các ngân hàng khu vực tiếp tục giảm trong phiên này, khi nhà đầu tư còn lo ngại về khả năng xảy ra những đổ vỡ tiếp theo, sau 4 vụ “sập tiệm” ngân hàng Mỹ trong chưa đầy 2 tháng.

Hôm thứ Hai, nhà chức trách Mỹ tiếp quản First Republic Bank và ngân hàng JPMorgan Chase đã nhất trí mua lại 173 tỷ USD trong số các khoản vay của nhà băng này, cùng 30 tỷ USD chứng khoán và 92 tỷ USD tiền gửi.

Quỹ SPDR S&P Regional Banking ETF chuyên cổ phiếu ngân hàng khu vực giảm hơn 1%, sau khi giảm hơn 6% trong phiên ngày thứ Ba. Cổ phiếu ngân hàng PacWest giảm gần 2% sau khi giảm 28% hôm thứ Ba. Cổ phiếu Western Alliance giảm 4,4%.

Sự thiếu vắng tín hiệu từ Fed về việc sớm cắt giảm lãi suất, cộng thêm mối lo về khủng hoảng ngân hàng, đã khiến giá dầu thô có thêm một phiên giảm mạnh. Lúc đóng cửa, giá dầu thô Brent giao sau tại London mất 2,99 USD/thùng, tương đương giảm 4%, còn 72,33 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York mất 3,06 USD/thùng, tương đương giảm 4,3%, còn 68,6 USD/thùng.

Đây là mức giá đóng cửa thấp nhất của dầu Brent kể từ tháng 12/2021. Trong phiên, có lúc giá dầu Brent rớt về 71,7 USD/thùng, mức nội phiên thấp nhất kể từ hôm 20/3. Giá dầu WTI có lúc sụt về 67,95 USD/thùng, mức nội phiên thấp nhất kể từ hôm 24/3.

Hôm thứ Ba, giá cả hai loại dầu giảm 5%, mức giảm mạnh nhất trong một ngày kể từ đầu tháng 1.

“Việc Fed tạm dừng tăng lãi suất sẽ rất có lợi cho giá dầu. Câu hỏi lớn là liệu có quân bài domino nào tiếp theo đổ xuống trong cuộc khủng hoảng ngân hàng hay không”, nhà phân tích Phil Flynn của Price Futures Group nhận định.

Theo dự báo của giới chuyên gia, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ có đợt tăng lãi suất thứ 7 vào ngày thứ Năm.

chung-khoan-my-4-1683164035.png Giá dầu Brent đã giảm hơn 15% trong vòng 1 tháng trở lại đây. Đơn vị: USD/thùng.

Gây áp lực giảm lên giá dầu trong phiên này còn là số liệu hàng tuần từ Bộ Năng lượng Mỹ cho thấy lượng xăng tồn kho của nước này bất ngờ tăng 1,7 triệu thùng trong tuần trước, thay vì giảm 1,2 triệu thùng như dự báo của các nhà phân tích.

Nhà đầu tư trên thị trường dầu lửa cũng bi quan sau khi số liệu từ Trung Quốc - nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất và nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới - vào cuối tuần trước cho thấy hoạt động sản xuất tháng 4 bất ngờ giảm.

Ngân hàng đầu tư Morgan Stanley đã hạ dự báo giá dầu Brent cuối năm nay về mức 75 USD/thùng. “Khả năng thắt chặt nguồn cung dầu Nga và khả năng tăng nhu cầu dầu của Trung Quốc đã được thể hiện gần hết. Triển vọng thắt chặt nguồn cung dầu trong nửa sau của năm nay đã yếu đi”, một báo cáo của Morgan Stanley nhận định.