Chứng khoán Mỹ tăng bùng nổ, dầu thô vững giá sau nhận định của Nga

Phiên tăng này của chứng khoán Mỹ diễn ra bất chấp báo cáo cho thấy GDP quý 1 tăng trưởng yếu hơn nhiều so với kỳ vọng...
chung-khoan-my-1682645939.png  Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, khi kết quả kinh doanh khả quan của Meta Platforms tạo cú huých cho cổ phiếu công nghệ. Giá dầu thô ít biến động sau khi Nga đưa ra nhận định rằng thị trường dầu lửa đang có sự cân bằng giữa nguồn cung và nhu cầu.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 524,29 điểm, tương đương tăng 1,57%, chốt ở 33.826,16 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 2,43%, chốt ở 12.142,24 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,96%, chốt ở 4.135,35 điểm.

Đây là phiên tăng mạnh nhất của Dow Jones và S&P 500 kể từ tháng 1 và của Nasdaq kể từ tháng 3.

Với mức tăng 13,9%, cổ phiếu Meta - công ty mẹ của mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook - giữ vai trò dẫn dắt trong phiên này. Meta bùng nổ sau khi công ty công bố báo cáo tài chính quý 1 với doanh thu vượt kỳ vọng, kèm theo là dự báo khả quan cho tới gian còn lại của năm.

Một số nhà phân tích đã nâng mức giá mục tiêu của cổ phiếu Meta sau khi kết quả kinh doanh của công ty được công bố. “Thơm lây” Meta, loạt cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn khác như Amazon, Alphabet, Microsoft, và Apple cũng đồng loạt tăng mạnh.

“Thị trường vốn đáng hồi hộp chờ đợi kết quả kinh doanh của các Big Tech. Nhìn chung, kết quả không gây thất vọng, và đó chính là điều mà thị trường cần”, chiến lược gia trưởng Quincy Krosby của LPL Financial nhận định.

Phiên tăng này của chứng khoán Mỹ diễn ra bất chấp báo cáo từ Bộ Thương mại nước này cho thấy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý 1 tăng yếu hơn dự báo. Nhiều nhà đầu tư xem tin xấu này là tin tốt, vì đồng nghĩa với việc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có thể sớm dừng thắt chặt chính sách tiền tệ. Cuộc họp tới của Fed sẽ diễn ra vào ngày 2-3/5.

Trong quý đầu năm, nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng trưởng 1,1%, thấp hơn nhiều so với mức dự báo tăng 2% mà giới chuyên gia đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones. Bản báo cáo cũng cho thấy lạm phát mạnh hơn kỳ vọng, ở mức 4% so với kỳ vọng là 3,7%.

So với thời điểm đầu tuần, Dow Jones và S&P 500 hiện gần như đi ngang, trong khi Nasdaq tăng 0,6%. Tuy nhiên, nếu tính từ đầu tháng, Nasdaq đã giảm 0,7%, còn Dow Jones và S&P 500 tăng tương ứng 1,7% và 0,6%.

Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London đóng cửa tăng 0,6 USD/thùng, đạt 78,29 USD/thùng. Giá dầu WTI tăng 0,51 USD/thùng, chốt ở 74,81 USD/thùng.

Dầu vững giá sau khi Phó thủ tướng Nga Alexander Novak nói rằng nhóm OPEC+ không nhận thấy cần phải tiếp tục cắt giảm sản lượng khai thác dầu nhưng luôn có khả năng điều chỉnh chính sách.

OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga. Đầu tháng 4 này, OPEC+ bất ngờ tuyên bố cắt giảm sản lượng khoảng 1,16 triệu thùng/ngày - một động thái bị Mỹ cho là “thiếu khôn ngoan” và đẩy giá dầu thô tăng mạnh.

Tuy nhiên sau đó, mối lo về suy thoái kinh tế toàn cầu đã khiến giá dầu để tuột mất toàn bộ thành quả tăng đó. Phiên ngày thứ Tư tuần này, giá dầu giảm khoảng 4%.

Theo nhà phân tích Phil Flynn của Price Futures Group, giá dầu đang trong trạng thái khó xác định phương hướng do bị tác động bởi những yếu tố trái chiều: một mặt, sự giảm tốc của kinh tế Mỹ đặt ra áp lực giảm; nhưng mặt khác, kỳ vọng vào một sự xoay trục của Fed do kinh tế giảm tốc, nỗ lực cắt giảm sản lượng của OPEC+, và sự khởi sắc của nhu cầu tiêu thụ dầu ở Trung Quốc lại là những nhân tố hỗ trợ giá dầu.

Nguồn thạo tin tiết lộ với hãn tin Reuters rằng bất chấp lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu (EU) và trần giá mà phương Tây áp lên dầu thô Nga, nước này vẫn tăng xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm lọc hoá.