Chứng khoán Mỹ tăng điểm, giá dầu tụt thêm 2%

Cả ba chỉ số cùng giảm điểm trong tuần này, khi nhà đầu tư được cho là “quay trở lại với thực tế”...
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (18/11), khi nhà đầu tư suy ngẫm về những phát biểu cứng rắn hơn của các quan chức Cục Dự trữ Liên bang (Fed), nhưng hoàn tất một tuần mất điểm. Giá dầu thô tiếp tục giảm mạnh vì mối lo về nhu cầu của Trung Quốc và lãi suất tăng ở Mỹ, cũng khép lại một tuần đi xuống.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 199,37 điểm, tương đương tăng 0,59%, chốt ở 33.745,69 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,48%, đạt 3.965,34 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,01%, đạt 11.146,06 điểm.

Cả ba chỉ số cùng giảm điểm trong tuần này này, trong đó Dow Jones giảm 0,01%; S&P 500 giảm 0,69%; và Nasdaq trượt 1,57%. Dù vậy, nếu tính từ đầu tháng, cả ba chỉ số đều đang “xanh”.

Thị trường giằng co trong phần lớn thời gian giao dịch, với S&P 500 gần như đi ngang khi nhà đầu tư bắt đầu điều chỉnh kỳ vọng sau những phiên tăng kể từ khi báo cáo lạm phát tháng 10 được công bố. Giám đốc đầu tư Stephanie Lang của Homrich Berg nhận định tuần này là tuần mà nhà đầu tư “quay trở lại với thực tế”.

“Sau đợt phục hồi mạnh của thị trường nhờ dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tốt hơn dự kiến, thị trường lại đang nghiền ngẫm các dữ liệu hiện tại, và những dữ liệu đó đưa thị trường quay trở lại với thực tế”, bà Lang nói.

“Chúng tôi thấy rằng sự phục hồi tiếp sau số liệu CPI không được đảm bảo bởi các yếu tố nền tảng… Thị trường cũng đang phản ánh vào một cuộc ‘hạ cánh mềm’ của nền kinh tế, nhưng chúng tôi không cho rằng đó là điều có thể. Bởi vậy, khi các quan chức Fed tái khẳng định lập trường của họ, thị trường sẽ bắt đầu phải điều chỉnh theo”.

Hôm thứ Sáu, Chủ tịch Fed chi nhánh Boston Susan Collins, bày tỏ tin tưởng rằng các nhà hoạch định chính sách có thể kiểm soát lạm phát mà không ra quá nhiều tổn thất đối với việc làm.

Hôm thứ năm, Chủ tịch Fed chi nhánh St. Louis James Bullard nói: “lãi suất chính sách vẫn chưa đạt tới vùng có thể được coi là đủ thắt chặt”. Ông phát tín hiệu rằng vùng phù hợp cho lãi suất quỹ liên bang có thể là 5-7%, cao hơn nhiều so với mức được phản ánh vào giá tài sản trên thị trường hiện nay.

“Chúng tôi tiếp tục cho rằng nhà đầu tư nên chú trọng hơn đến dữ liệu kinh tế thực tế và không nên để ý quá nhiều đến những gì Fed nói. Các số liệu sẽ cho thấy lạm phát đang đi về đâu, còn những gì Fed nói phản ánh lạm phát đã ở đâu”, nhà sáng lập Adam Crisafulli của Vital Knowledge phát biểu. “Điều đó có nghĩa là nhà đầu tư đang mệt mỏi trong việc ‘chiến đấu’ với những phát biểu của các quan chức Fed mỗi ngày, và nỗi lo ở đây là có thể phải có thêm 2-3 đợt dữ liệu CPI nữa thì các quan chức mới thôi nhắc nhở thị trường mỗi khi sự phục hồi manh nha”.

Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London giảm 2,16 USD/thùng, tương đương giảm 2,4%, còn 87,62 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 1,56 USD/thùng, tương đương giảm 1,9%, còn 80,08 USD/thùng.

Cả tuần, giá dầu Brent giảm 9% và giá dầu WTI giảm khoảng 10%. Đây là tuần giảm thứ hai liên tiếp của cả hai loại dầu.

Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới vẫn đang phải ứng phó với số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh. Trong khi đó, kỳ vọng vào việc Fed giảm tốc độ tăng lãi suất đang bị hãm lại bởi phát biểu cứng rắn của các quan chức Fed. Tất cả đều gây áp lực giảm giá lên dầu.

“Tình hình Covid-19 ở Trung Quốc tiếp tục ám ảnh thị trường. Sự lạc quan quá đà đã được phản ánh vào giá dầu sau khi có dấu hiệu Trung Quốc sắp mở cửa trở lại. Nhưng giờ đây, thực tế hoàn toàn trái ngược với kỳ vọng đó”, nhà quản lý quỹ John Kilduff của Again Capital LLC nhận định.

Mối lo suy thoái kinh tế toàn cầu cũng là một chủ đề lớn trên thị trường dầu trong tuần này. “Đang có nhiều mối lo về sự giảm tốc kinh tế. Xu hướng của giá dầu có vẻ đang nghiêng về giảm”, chuyên gia Naeem Aslam của Avatrade nhận định.