Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh phiên thứ hai liên tiếp trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (7/12), khi nhà đầu tư tiếp tục bớt lo về ảnh hưởng kinh tế của biến chủng Covid mới Omircon. Giá dầu cũng giữ đà hồi mạnh, tăng thêm 3%, trong khi giá Bitcoin ổn định.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 1,4%, đạt 35.719,43 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 2,07%, đạt 4.686,75 điểm, chỉ còn cách 1% từ mức cao nhất mọi thời đại. Chỉ số Nasdaq tăng mạnh nhất, với mức tăng 3%, chốt ở 15.686,92 điểm.
Đây là phiên tăng mạnh nhất kể từ ngày 1/3 của S&P 500 và phiên tăng mạnh nhất kể từ ngày 9/3 của Nasdaq.
Cổ phiếu công nghệ ở Phố Wall đang trong xu thế “tăng thở phào”, khi nhà đầu tư rũ bỏ mối lo về Covid và tranh thủ bắt đáy sau đợt giảm sâu gần đây của thị trường. Loạt cổ phiếu công nghệ tăng mạnh trong phiên này có Okta tăng 5,7%, CrowdStrike tăng 4,9%, và Adobe tăng 4,4%.
Cổ phiếu con chip cũng tăng mạnh không kém, như Intel tăng 3,1% sau khi có tin công ty này dự kiến đưa mảng xe tự lái Mobileye thành công ty đại chúng vào giữa năm 2022. Marvell tăng hơn 7%, Nvdidia tăng 7,9%, Micron tăng 4,1%...
Cổ phiếu Apple tăng 3,5% sau khi ngân hàng đầu tư Morgan Stanley ra một báo cáo tiếp tục khuyến nghị mua vào, đồng thời nâng mức giá mục tiêu của cổ phiếu Apple lên 200 USD/cổ phiếu. Cơ sở của khuyến nghị này là cam kết của Apple về phát triển công nghệ thực tế tăng cường (AR) và thực tế ảo (VR).
Các cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn khác cũng không nằm ngoài xu thế tăng: Microsoft và Amazon tăng hơn 2% mỗi cổ phiếu, Meta Platforms tăng 1,5%...
“Chỉ có thời gian mới đưa ra câu trả lời về việc có phải các nhà đầu tư đang nóng vội hay không, nhưng hai ngày không có tin xấu về biến chủng Omicron đã kích thích nhu cầu bắt đáy”, nhà phân tích Craig Erlam của Oanda nhận định.
Tuy nhiên, ông cũng khuyên nhà đầu tư nên thận trọng. “Xét tới mối lo ngại của các nhà lãnh đạo toàn cầu và nhiều tổ chức trong vòng 2 tuần qua, tôi cho rằng không phải thông tin nào sắp tới cũng là tin tốt, và thị trường vẫn có thể biến động theo hai hướng. Một đợt tăng điểm của thị trường trong mùa Giáng sinh có thể đang diễn ra, nhưng đó sẽ là một chặng đường gập ghềnh”.
Giới đầu tư đang đặt cược rằng biến chủng Omicron có thể gây bệnh nhẹ hơn so với những gì mà họ lo ngại lúc đầu. Hãng dược Anh GlaxoSmithKline cũng mang đến một cú huých niềm tin sau khi tuyên bố thuốc kháng thể đơn dòng của hãng có hiệu quả trong điều trị Covid do Omicron, theo dữ liệu mới nhất. Cổ phiếu GSK tăng 1,3%.
“Diễn biến phiên này là một bằng chứng nữa cho thấy thị trường dường như đang bỏ lại phía sau mối lo về biến chủng Omicron, nhưng chúng ta vẫn chưa thoát khỏi đại dịch này”, Chủ tịch kiêm CEO của Goldman Sachs, ông David Solomon, nói với hãng tin CNBC.
Cổ phiếu năng lượng tăng mạnh do giá dầu tiếp tục đi lên. Diamondback và Devon Energy tăng hơn 6% mỗi cổ phiếu. Occidental Petroleum tăng 4,2%.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 2,36 USD/thùng, tương đương tăng 3,2%, chốt ở 75,44 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giao sau tại New York tăng 2,56 USD/thùng, tương đương tăng 3,7%, chốt ở 72,05 USD/thùng.
Trong phiên ngày thứ Hai, giá dầu Brent tăng 4,6% và giá dầu WTI tăng 4,9%.
Giá tiền ảo Bitcoin đang ổn định trở lại trên ngưỡng 50.000 USD, sau đợt bán tháo vào cuối tuần khiến giá Bitcoin có lúc rớt còn 42.000 USD. Lúc hơn 8h sáng nay (8/12) theo giờ Việt Nam, giá Bitcoin theo dữ liệu từ trang Coinmarketcap.com đứng ở 50.781 USD, tăng 0,2% so với cách đó 24 tiếng.
Những phát biểu gần đây của các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy ngân hàng trung ương này có thể quyết định nâng mức cắt giảm tốc độ chương trình mua tài sản lên 30 tỷ USD mỗi tháng trong cuộc họp vào tuần tới. Ngoài ra, tại cuộc họp này, Fed cũng có thể bắt đầu bàn về khi nào thì bắt đầu nâng lãi suất, và sẽ nâng bao nhiêu trong năm 2022.
Tâm điểm chú ý của thị trường trong những phiên giao dịch tiếp theo của tuần này sẽ hướng tới số liệu lạm phát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ được dự báo tiếp tục tăng nóng trong tháng 11, theo đó có thể trở thành chất xúc tác để Fed đẩy nhanh việc thắt chặt chính sách tiền tệ.