Chứng khoán Mỹ tiếp tục đi xuống, Dow Jones có lúc mất hơn 600 điểm |
Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 14/7 diễn biến tiêu cực khi số liệu lạm phát cao đột biến khiến nhà đầu tư lo ngại Fed mạnh tay thắt chặt tiền tệ. Báo cáo lợi nhuận đáng thất vọng của ngân hàng lớn nhất nước Mỹ cũng ảnh hưởng tới thị trường.
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất gần 143 điểm, tương đương 0,46%, và đóng cửa ở 30.630 điểm. S&P 500 cũng giảm 0,3% còn 3.790 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite nhích lên 0,03%.
Các chỉ số đóng cửa ở mức cao hơn nhiều so với đáy trong phiên 14/7. Đã có lúc Dow Jones rớt tới 628 điểm, Nasdaq và S&P 500 đều có thời điểm giảm hơn 2%. Đây là phiên giảm điểm thứ 5 liên tiếp của Dow Jones và S&P 500.
Theo CNBC, kết quả kinh doanh không mấy khả quan mà các ngân hàng lớn vừa công bố đã gây thêm lo ngại về sức khỏe của nền kinh tế Mỹ, làm tăng nguy cơ suy thoái và tác động tiêu cực tới thị trường chứng khoán.
Cổ phiếu JPMorgan Chase sụt 3,5% sau khi ngân hàng lớn nhất nước Mỹ này tăng trích lập dự phòng nợ xấu, khiến cho lợi nhuận quý II giảm 28% so với cùng kỳ 2021. Cả doanh thu và lãi trên mỗi cổ phiếu (EPS) của JPMorgan đều thấp hơn kỳ vọng của giới phân tích.
Nhà băng này cũng thông báo dừng chương trình mua lại cổ phiếu để tích trữ tiền mặt, thể hiện quan điểm thận trọng về tình hình kinh tế tương lai. Chủ tịch kiêm CEO Jamie Dimon cho rằng kinh tế Mỹ có thể sẽ chịu thiệt hại nặng nề vì lạm phát lên cao, môi trường địa chính trị căng thẳng và niềm tin người tiêu dùng sa sút.
Cổ phiếu Morgan Stanley cũng giảm 0,4% sau khi thông báo doanh thu mảng ngân hàng đầu tư lao dốc mạnh. Goldman Sachs dự kiến công bố kết quả kinh doanh vào đầu tuần sau, giá cổ phiếu mất gần 3% trong phiên 14/7.
Các ngân hàng Wells Fargo và Citigroup sẽ thông báo lợi nhuận vào ngày 15/7, giá cổ phiếu cũng giảm lần lượt 0,8% và 3% trong phiên vừa qua. Biểu đồ dưới đây cho thấy cổ phiếu ngành tài chính là nhóm giảm mạnh nhất chỉ số S&P 500, theo sau là ngành năng lượng.
Kết quả kinh doanh của nhóm ngân hàng đã làm dấy lên lo ngại rằng các ước tính lợi nhuận của thị trường trong vài tháng qua đã quá lạc quan. CNBC dẫn lời ông Sam Stovall, Giám đốc chiến lược đầu tư tại CFRA, nhận định: “Nếu coi ngân hàng là thước đo sức khỏe của nền kinh tế thì dựa vào những báo cáo lợi nhuận sắp sửa được công bố, thị trường quý này sẽ lắm chông gai”.
Ông Bob Doll, Giám đốc đầu tư tại Crossmark Global Investments, nói: “Thị trường đã bắt đầu lo ngại rằng các ước tính lợi nhuận đang chịu áp lực đi xuống sau khi tăng gần như liên tục trong nửa đầu năm. Ngày hôm nay, thủ phạm đương nhiên là JPMorgan”.
“Làm gì có chuyện các doanh nghiệp Mỹ có thể đạt được mức lợi nhuận mà thị trường kỳ vọng trong bối cảnh nền kinh tế giảm tốc và chi phí lên cao. Những kỳ vọng đó phải giảm xuống”.
Diễn biến tiêu cực của các cổ phiếu ngành tài chính như JPMorgan, Goldman Sachs và American Express đã kéo Dow Jones chìm trong sắc đỏ phiên 14/7. Chỉ số S&P 500 còn chịu thêm tác động tiêu cực của nhóm năng lượng và vật liệu.
Giá dầu thô tiếp tục chịu áp lực từ nguy cơ suy thoái kinh tế và các đợt phong tỏa Zero-COVID liên tiếp tại Trung Quốc.
Sau khi Mỹ công bố số liệu lạm phát tháng 6 vượt xa dự báo, các nhà đầu tư lo ngại Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ tăng lãi suất mạnh hơn trước, tiếp tục làm nền kinh tế chậm lại và khiến nhu cầu nhiên liệu sa sút. Biểu đồ dưới đây cho thấy giá dầu thô Brent đang giao dịch dưới ngưỡng 100 USD/thùng.
Nhiều cổ phiếu dầu khí diễn biến tiêu cực như Mosaic lao dốc 5,7%, Halliburton, Diamondback Energy và EOG Resources đều mất hơn 3%.