Chứng khoán Mỹ tụt điểm sau 2 phiên tăng mạnh, giá dầu lao dốc vì Covid ở Trung Quốc

Các chỉ số giằng co trong suốt thời gian của phiên giao dịch, đến cuối phiên lộ rõ xu thế giảm...
Ảnh minh họa - Ảnh: CNBC.

Ảnh minh họa - Ảnh: CNBC.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (14/11), sau khi tăng mạnh trong tuần trước, trong bối cảnh nhà đầu tư nghiền ngẫm nhiều thông tin doanh nghiệp và kinh tế. Giá dầu thô giảm mạnh do Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc và đồng USD tăng giá.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 211,16 điểm, tương đương giảm 0,6%, còn 33.536,7 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,89%, còn 3.957,25 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 1,12%, còn 11.196,22 điểm. Các chỉ số giằng co trong suốt thời gian của phiên giao dịch, đến cuối phiên lộ rõ xu thế giảm.

“Tuần này là một tuần thiếu những thông tin quan trọng đối với thị trường. Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 3 đang khép lại, trong khi các số liệu kinh tế mới chưa có. Mùa nghỉ lễ cuối năm chuẩn bị bắt đầu, và chỉ còn có vỏn vẹn 7 tuần nữa là bước sang năm 2023”, chuyên gia Chris Hussey của Goldman Sachs nói với hãng tin CNBC.

“Tuy nhiên, sau báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) mang lại những tia hy vọng vào hôm thứ Năm tuần trước, thị trường đang lạc quan hơn về triển vọng kinh tế vĩ mô, về khả năng lạm phát cuối cùng đã qua đỉnh, về đường đi của lãi suất từ đây, cũng như về khả năng xảy ra một cuộc suy thoái kinh tế”, ông Hussey nói.

Các chỉ số đã thoát đáy của phiên sau khi Phó chủ tịch Fed Lael Brainard phát tín hiệu rằng ngân hàng trung ương này có thể sớm giảm tốc độ tăng lãi suất. Phát biểu của bà Brainard mang đến cho nhà đầu tư một tâm trạng thoải mái.

Trước đó, vào hôm Chủ nhật, Thống đốc Fed Christopher Waller nói rằng mức cực đại của lãi suất quỹ liên bang (fed funds rate) trong chu kỳ tăng này “còn cách xa hiện tại”. Nhận định này của ông Christopher đã gây áp lực giảm lên giá cổ phiếu ở Phố Wall khi bước sang tuần giao dịch mới.

Trước phát biểu của bà Brainard, cả ba chỉ số cùng sụt khá mạnh sau khi có tin hãng thương mại điện tử khổng lồ Amazon sắp sa thải 10.000 nhân viên, có thể ngay trong tuần này. Cùng với đó, một cuộc khảo sát của Fed cho thấy kỳ vọng lạm phát 2023 của người tiêu dùng Mỹ tăng lên, gây thêm áp lực lên tâm trí nhà đầu tư.

Chỉ số Stoxx 600 của chứng khoán châu Âu chốt phiên đầu tuần với mức tăng 0,14%; chỉ số MSCI All Country World Index của thị trường toàn cầu giảm 0,59%.

Tuần trước, S&P 500 tăng 5,9%, đánh dấu tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 6, nhờ số liệu lạm phát yếu hơn dự báo dẫn tới đặt cược rằng Fed sẽ sớm dịch chuyển sang một lập trường mềm mỏng hơn trong chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ.

Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London giảm 2,85 USD/thùng, tương đương giảm 3%, còn 93,14 USD/thùng. Giá dầu WTI giảm 3,09 USD/thùng, tương đương giảm 3,47%, còn 85,87 USD/thùng. Trước đó, giá dầu Brent tăng 1,1% và giá dầu WTI tăng 2,9% trong phiên ngày thứ Sáu.

Phiên đầu tuần, giá dầu chịu áp lực giảm cùng lúc từ đồng USD mạnh lên và số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh ở Trung Quốc. Sự bùng dịch này làm suy yếu những kỳ vọng về việc quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới sớm mở cửa trở lại.

Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác tăng 0,6%, đạt gần 106,9 điểm.

Mới hôm thứ Sáu, giá hàng hóa cơ bản trong đó có dầu thô tăng mạnh sau khi Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc điều chỉnh các quy định về phòng chống dịch, bao gồm rút ngắn thời gian đối với các trường hợp tiếp xúc gần với ca nhiễm và người nhập cảnh. Tuy nhiên, số ca nhiễm mới ở Trung Quốc đã tăng mạnh vào cuối tuần vừa rồi, khi Bắc Kinh và các thành phố lớn cùng báo cáo số ca nhiễm mới kỷ lục.

“Làn sóng lây nhiễm mới này sẽ chỉ dẫn tới thêm những cuộc phong tỏa trong ngắn hạn đối với Trung Quốc, và sẽ không có lợi cho giá dầu”, nhà quản lý quỹ John Kilduff của Again Capital nhận định.

Trong một báo cáo hàng tháng công bố ngày 14/11, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu năm 2022 và 2023 do khó khăn kinh tế.

OPEC cho rằng nhu cầu dầu của thế giới trong năm nay sẽ tăng thêm 2,55 triệu thùng/ngày so với năm ngoái, tương đương tăng 2,6%, ít hơn 100.000 thùng/ngày so với con số đưa ra trong lần dự báo trước.

Về năm tới, OPEC dự báo nhu cầu dầu tăng 2,24 triệu thùng/ngày, cũng ít hơn 100.000 thùng/ngày so với lần dự báo trước.