Chứng khoán toàn cầu tăng nhẹ, mối lo về lãi suất ở Mỹ phủ bóng thị trường

Giới đầu tư đang chờ biên bản cuộc họp gần đây nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), sau khi các số liệu lạm phát “nóng” gần đây củng cố khả năng Fed sẽ nâng lãi suất lên mức cao hơn trong thời gian lâu hơn...

chung-khoan-my-1676942852.png Sở giao dịch chứng khoán Franfurt, Đức, hôm 17/2 - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán toàn cầu tăng điểm nhẹ trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (20/2), khi thị trường Mỹ đóng cửa khiến mức độ biến động của các thị trường khác giảm xuống. Giới đầu tư đang chờ biên bản cuộc họp gần đây nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), sau khi các số liệu lạm phát “nóng” gần đây củng cố khả năng Fed sẽ nâng lãi suất lên mức cao hơn trong thời gian lâu hơn.

Thị trường tài chính Mỹ không giao dịch phiên đầu tuần để nghỉ Lễ Tổng thống (Presidents’ Day), nhờ đó nhiều tài sản ngoài Mỹ cũng được “nghỉ ngơi” sau khi chịu áp lực bán tháo liên tiếp trong tuần trước. Kết quả, chỉ số MSCI All-World của chứng khoán toàn cầu tăng 0,2%; chỉ số Stoxx 600 của chứng khoán châu Âu tăng 0,1%.

Trong 6 tuần giao dịch đầu tiên của năm nay, cả giá cổ phiếu và trái phiếu ở Mỹ cùng tăng mạnh. Nhưng gần đây, đà tăng có vẻ đã bị đảo ngược, sau khi một loạt dữ liệu từ Mỹ cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới trụ vững hơn nhiều so với dự báo - đồng nghĩa Fed sẽ phải duy trì lập trường chính sách tiền tệ lâu hơn để đưa lạm phát về tầm kiểm soát.

“Cho tới gần đây, cuộc tranh luận trên thị trường tập trung vào chủ đề nền kinh tế hạ cánh mềm hay hạ cánh cứng, không suy thoái hay có suy thoái. Nhưng giờ đây, nhà đầu tư phải nghĩ đến một kịch bản hoàn toàn khác là nền kinh tế không hạ cánh”, chuyên gia kinh tế trưởng Rupert Thompson của Kingswood phát biểu trên Reuters.

“Ý tưởng mới về nền kinh tế không hạ cánh là không có lợi lắm cho thị trường chứng khoán, bởi rốt cục thì cũng sẽ có một cuộc hạ cánh cứng hay mềm mà thôi, nhưng ngày hạ cánh sẽ bị đẩy tới tận nửa sau của năm nay. Và nguy cơ xuất hiện suy thoái ở thời điểm đó giờ đây cũng trở nên rõ ràng hơn”, ông Thompson nhận định.

Cho tới gần đây, nhà đầu tư ở Phố Wall vẫn phớt lờ cảnh báo của các nhà hoạch định chính sách tiền tệ rằng lạm phát vẫn còn quá cao và dai dẳng. Giờ đây, họ bắt đầu chấp nhận sự thật rằng có lẽ họ đã lạc quan thái quá trong các kỳ vọng về lạm phát và lãi suất.

Sự thức tỉnh này của nhà đầu tư được phản ánh trên thị trường lãi suất tương lai. Lãi suất tương lai hiện cho thấy nhà đầu tư đặt cược bình quân lãi suất của Fed đến tháng 7 năm nay sẽ đạt đỉnh ở mức khoảng 5,3%, và đến tháng 12, Fed có thể giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm. Trước đó, mức đặt cược lãi suất đỉnh là 5% và đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên sẽ diễn ra không lâu sau đó.

“Có lẽ là quá sớm để tin rằng suy thoái sẽ không xảy ra. Cho tới khi dừng tăng lãi suất, Fed sẽ tăng tổng cộng trên 5 điểm phần trăm trong vòng hơn 1 năm. HIệu ứng của chính sách tiền tệ thắt chặt đối với nền kinh tế thực có thể có độ trễ, thậm chí độ trễ lên tới 1-2 năm”, trưởng chiến lượng chứng khoán toàn cầu và châu Âu của ngân hàng JPMorgan Chase, ông Mislave Matejka, nhận định với Reuters. “Thiệt hại là đã thấy, nhưng ảnh hưởng thực sự vẫn còn ở phía trước”.

Các chỉ số S&P 500 và Nasdaq tương lai đang giảm nhẹ, với mức giảm từ 0,2-0,3%. Hôm thứ Sáu, S&P 500 rớt xuống mức thấp nhất 2 tuần.

“Chúng ta đang ở trong chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh tay nhất của Fed trong nhiều thập kỷ, mà doanh thu bán lẻ của Mỹ đang cao kỷ lục, tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất 43 năm, số lượng công việc mới của tháng Giêng là hơn 500.000, và các chỉ số lạm phát CPI/PPI đều tăng tốc. Tất cả cho thấy rằng sứ mệnh chống lạm phát của Fed còn đang dở dang”, một báo cáo của ngân hàng Bank of America nhận định.

Vào ngày thứ Tư tuần này, thị trường sẽ đón nhận biên bản cuộc họp tháng 2 của Fed để hiểu rõ hơn về các cân nhắc chính sách tiền tệ của các quan chức ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới. Tuy nhiên, biên bản này có thể có ảnh hưởng ít hơn thường lệ, vì cuộc họp tháng 2 diễn ra sau khi đã công bố báo cáo việc làm và bán lẻ tháng 1.

Ngoài ra, thị trường sẽ đón nhận báo cáo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi - thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng - vào ngày thứ Sáu. Theo dự báo, PCE lõi tăng 0,4% trong tháng 1, mức tăng mạnh nhất trong 5 tháng, cho dù PCE toàn phần giảm tốc còn 4,3%.

Đang trên đà hoàn tất tháng tăng mạnh nhất kể từ tháng 9 năm ngoái, đồng USD giảm giá nhẹ trong phiên đầu tuần, phản ánh tâm lý ngại rủi ro của nhà đầu tư đã giảm bớt. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác dao động quanh ngưỡng 103,9 điểm, giảm nhẹ so với mức chốt tuần trước. Trong vòng 1 tháng trở lại đây, chỉ số đã tăng hơn 1,9% - theo dữ liệu từ MarketWatch.

Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng gần 1%, lên gần 84 USD/thùng, sau khi giảm gần 4% trong tuần trước.

Giá tiền ảo Bitcoin duy trì đà tăng nhẹ. Lúc hơn 7h sáng nay theo giờ Việt Nam, giá Bitcoin theo dữ liệu từ trang Coinmarketcap.com đứng ở mức 24.815 USD, tăng gần 1,9% so với cách đó 24 tiếng và tăng gần 14% trong vòng 1 tuần.