Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (14/3), góp đưa chứng khoán toàn cầu chấm dứt chuỗi 5 phiên giảm liên tiếp trước đó, sau khi số liệu lạm phát của Mỹ được công bố ở mức phù hợp với dự báo, củng cố khả năng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tăng lãi suất với bước nhảy ngắn trong cuộc họp vào tuần tới. Trong khi đó, mối lo về nhu cầu khiến giá dầu thô sụt hơn 4% xuống mức thấp nhất trong 3 tháng.
Phiên này chứng khiến sự gia tăng trở lại của lợi suất trái phiếu ở cả Mỹ và châu Âu sau khi giảm chóng mặt vì giá trái phiếu tăng vọt trong phiên trước đó. Lợi suất tăng cho thấy tâm lý lo sợ rủi ro trên thị trường tài chính đã giảm bớt.
Báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này tăng 0,4% trong tháng 2, giảm so với mức tăng 0,5% ghi nhận trong tháng 1. Tính trong vòng 1 năm, CPI tháng 2 tăng 6%, giảm so với mức tăng 6,4% trong kỳ 1 năm tính đến tháng Giêng.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng nhẹ sau khi số liệu trên được công bố, phản ánh kỳ vọng rằng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong cuộc họp vào tuần tới nhưng với bước nhảy nhỏ 0,25 điểm phần trăm thay vì bước nhảy lớn 0,5 điểm phần trăm.
“Những con số trong báo cáo từ báo cáo CPI là phù hợp với kỳ vọng và không nói lên rằng Fed không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tăng lãi suất. Fed vẫn còn những lựa chọn khác nhau, và đó là điều tốt”, nhà quản lý quỹ Jamie Cox của Harris Financial Group nhận định.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 336,26 điểm, tương đương tăng 1,06%, chốt ở 32.1555,4 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,68%, đạt 3.920,56 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 2,14%, đạt 11.428,15 điểm.
Toàn bộ 11 nhóm cổ phiếu ngành chính trong S&P 500 đều chốt phiên trong trạng thái tăng. Nhóm ngân hàng bật tăng, hồi phục lại một phần thiệt hại sau những phiên bán tháo vì vụ sụp đổ của các nhà băng Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank.
Chỉ số Stoxx 600 của chứng khoán châu Âu tăng 1,53%, đánh dấu phiên tăng mạnh nhất kể từ tháng 12 và là phiên tăng đầu tiên trong vòng 4 phiên trở lại đây. Cổ phiếu ngân hàng châu Âu tăng 2,5%, một ngày sau khi trải qua phiên bán tháo mạnh nhất trong hơn 1 năm.
Chỉ số MSCI All-World của chứng khoán thế giới đảo ngược xu thế giảm vào đầu phiên và chốt phiên với mức tăng 0,84%, đánh dấu phiên tăng đầu tiên trong 6 phiên.
Cách đây mới 1 tuần, giới đầu tư nhận ra một “thực tế phũ phàng” rằng lãi suất trên thế giới có thể sẽ còn tăng nhiều và giữ ở mức cao trong thời gian lâu hơn so với dự kiến. “Nhưng bây giờ, khả năng Fed tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm là gần như không còn. Thị trường quá đỗi mong manh”, ông Cox nhận định.
Trong vòng chưa đầy 1 tuần, 3 ngân hàng Mỹ “sập tiệm”. Vụ sụp đổ của SVB, nhà băng chuyên phục vụ giới công nghệ, đã khiến giới đầu tư hoảng loạn và đổ xô mua những tài sản an toàn như trái phiếu và vàng.
Ngày thứ Ba, tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s cắt giảm triển vọng tín nhiệm hệ thống ngân hàng Mỹ xuống “tiêu cực” từ “ổn định” trước đó - động thái báo hiệu khả năng cắt giảm điểm tín nhiệm.
Chỉ trong vòng vài ngày, cổ phiếu ngân hàng trên toàn cầu đã mất hàng trăm tỷ USD giá trị, trong khi thị trường trái phiếu chính phủ có một trong những đợt tăng giá mạnh nhất trong nhiều thập niên.
Gần cuối phiên, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm tăng 19,5 điểm cơ bản, đạt 4,225%; lợi suất của kỳ hạn 10 năm tăng 0,12 điểm cơ bản, đạt 3,637%. Lợi suất trái phiếu chính phủ Đức kỳ hạn 2 năm tăng lên mức 2,883% sau khi giảm 73 điểm cơ bản trong phiên trước.
Ở thời điểm ngày thứ Hai, mức lãi suất đỉnh kỳ vọng của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) giảm còn 3,4% từ mức 4,1% vào thời điểm ngày thứ Năm tuần trước. Thị trường tin rằng các ngân hàng trung ương sẽ phải chuyển sang một lập trường chính sách tiền tệ mềm mỏng hơn khi đánh giá rủi ro tài chính.
“Chúng ta đã chứng kiến một phiên tăng kiểu ‘xả hơi’ ngày hôm nay vì hai lý do. Thứ nhất là hệ thống ngân hàng đã ổn định trở lại một phần và báo cáo CPI không gây bất ngờ. Nhưng tôi cho rằng chúng ta chưa hoàn toàn thoát khỏi rắc rối”, Giám đốc đầu tư Saira Malik của Nuveen nhận định với hãng tin CNBC. Bà Malik cho rằng vụ sập SVB có thể dẫn tới việc thắt chặt các quy chế giám sát và khởi động cho một chu kỳ tín dụng thắt chặt, rất có khả năng kéo theo suy thoái kinh tế.
Giá dầu giảm mạnh phiên này vì lo ngại biến động tài chính có thể dẫn tới suy giảm tăng trưởng kinh tế, ảnh hưởng xấu đến nhu cầu tiêu thụ năng lượng.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London giảm 4,1%, chốt ở 77,45 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau ở New York giảm 4,6%, còn 71,33 USD/thùng.
Đây là mức giá đóng cửa thấp nhất của cả hai loại dầu kể từ ngày 9/12 và là phiên giảm phần trăm mạnh nhất kể từ đầu tháng 1. Ngoài ra, trên phương diện kỹ thuật, giá cả hai loại dầu đều rơi vào trạng thái bán quá mức (oversold) lần đầu tiên trong nhiều tuần trở lại đây.
Giá tiền ảo Bitcoin tăng lên gần 25.000 USD - mức cao nhất 9 tháng, nâng tổng mức tăng trong 4 phiên vừa qua lên 30%. Lúc hơn 7h sáng nay theo giờ Việt Nam, giá Bitcoin đứng ở 24.784 USD, tăng gần 2,4% so với cách đó 24 tiếng.
Cơ quan giám sát tài chính bang New York nói rằng việc đóng cửa Signature Bank “không liên quan gì đến tiền ảo”.