VN-Index lấy lại và bảo vệ được thành quả mốc 1.000 điểm
Thị trường chứng khoán tuần qua tiếp tục có diễn biến trong biên độ mạnh. Tiếp nối đà giảm mạnh tuần trước đó, các chỉ số chứng khoán tiếp tục lùi sâu trong 2 phiên đầu tuần, do: Phản ứng của thị trường trước diễn biến căng thẳng tỷ giá và khả năng Ngân hàng Nhà nước nâng lãi suất điều hành; áp lực bán giải chấp tăng mạnh tại nhóm cổ phiếu bất động sản và chứng khoán; tâm lý hoang mang của nhà đầu tư trước những tin đồn lan truyền trên thị trường.
Diễn biến tích cực của nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn tuần qua là yếu tố giúp thị trường phục hồi, trong đó tiêu biểu nhóm cổ phiếu ngân hàng. Nhiều ngân hàng đã báo cáo kết quả kinh doanh với lợi nhuận tăng trưởng cao thúc đẩy đà tăng của cổ phiếu. |
Theo dữ liệu từ VNDIRECT, chỉ số VN-Index lùi về mức thấp nhất là 962,5 điểm trong phiên ngày 25/10 và cuối ngày đóng cửa ở mức 981,2 điểm (-3,8% so với cuối tuần trước). Tuy nhiên, lực cầu bắt đầu đã gia tăng trong 2 phiên giữa tuần sau khi tâm lý thị trường được gỡ bỏ khi có tin Ngân hàng Nhà nước chính thức nâng lãi suất điều hành thêm 100 điểm cơ bản (tin xấu đã ra), cũng với việc những tin đồn lan truyền trước đó lần lượt được các cơ quan chức năng và doanh nghiệp bác bỏ. Các chỉ số chứng khoán phục hồi ấn tượng trong phiên ngày 27/10 với chỉ số VN-Index tăng tới +42,1 điểm (+4.3%). Chốt tuần, chỉ số VN-Index lấy lại mốc tâm lý 1.000 điểm và đóng cửa tại 1.027,4 điểm (+0,7% so với cuối tuần trước).
Trong khi đó, các chỉ số chứng khoán trên sàn Hà Nội có diễn biến kém tích cực hơn, với cả 2 chỉ số đều chốt tuần giảm điểm so với tuần trước. Cụ thể, HNX-Index giảm về mức 213,7 điểm (-1,7% so với cuối tuần trước) và UPCoM-Index giảm về mức 76,1 điểm (-3,2% so với cuối tuần trước).
Thanh khoản thị trường cải thiện nhẹ, tăng +8,2% so với tuần trước với tổng giá trị giao dịch trên cả 3 sàn đạt 12.642 tỷ đồng/phiên. Tuần này, trên sàn HOSE, khối ngoại đã gia tăng giá trị bán ròng lên mức 3.648 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức bán ròng 127 tỷ đồng tuần trước. Trong khi đó, khối ngoại cũng giảm giá trị mua ròng trên sàn HNX về mức 89 tỷ đồng (-40,2% so với tuần trước) và giảm -37% giá trị mua ròng trên sàn UPCOM-Index về mức 1,6 tỷ đồng.
Diễn biến tích cực của nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn tuần qua là yếu tố giúp thị trường phục hồi, trong đó tiêu biểu nhóm cổ phiếu ngân hàng. Nhiều ngân hàng đã báo cáo kết quả kinh doanh với lợi nhuận tăng trưởng cao thúc đẩy đà tăng của cổ phiếu, phải kể đến các tên tuổi như như: VCB (+5,3%), CTG (+11,1%), MBB (+9,6%), ACB (+9,3%), BID (+3,7%), VPB (+5,1%), TCB (+6,6%) và SSB (+7,5%). Dòng tiền cũng hướng tới nhiều cổ phiếu bluechip khác bao gồm MSN (+12,2%), VNM (+1,3%), FPT (+1,5%).
Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu bất động sản vẫn diễn biến tiêu cực trước lo ngại sẽ gặp khó khăn về dòng tiền khi kênh trái phiếu doanh nghiệp gặp khó khăn. Nhiều cổ phiếu bất động sản nhà ở tiếp tục lao dốc, bao gồm VHM (-6,4%), NVL (-3,3%), DIG (-19,3%), KDH (-3,6%), NLG (-6,5%) và DXG (-9,4%). Phân khúc bất động sản khu công nghiệp cũng có diễn biến tương tự, bao gồm KBC (-17,0%), VGC (-13,3%) và BCM (-2,0%)
Đà phục hồi của VN-Index có thể mở rộng
Theo ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VNDIRECT, tâm điểm thị trường chứng khoán tuần tới (31/10 - 4/11) là cuộc họp chính sách của Ủy ban Thị trường mở (FOMC) diễn ra trong 2 ngày 1 - 2/11. Tuy vậy, kết quả của cuộc họp trên có thể sẽ không gây ra bất ngờ và xáo trộn lớn trên thị trường khi xác suất rất cao Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tiếp tục tăng 75 điểm cơ bản lãi suất điều hành trong cuộc họp này. Thay vào đó, thị trường quan tâm nhiều hơn tới bài phát biểu của Chủ tịch FED về định hướng chính sách trong giai đoạn tới. “Với việc đã có thêm những bằng chứng cho thấy lạm phát tại Mỹ đang hạ nhiệt, thị trường kỳ vọng FED không đưa ra quan điểm “diều hâu” hơn về thắt chặt chính sách trong cuộc họp này” - ông Đinh Quang Hinh cho hay.
Trong nước, tâm lý thị trường có thể dần bình ổn trở lại khi các tin xấu lần lượt đã ra và giai đoạn căng thẳng nhất về thanh khoản hệ thống đã qua. Do đó, “chúng tôi kỳ vọng chỉ số VN-Index có thể tích lũy trên ngưỡng 1.000 điểm trước khi có một nhịp phục hồi về vùng 1.050 - 1.070 điểm” - chuyên gia của VNDIRECT dự báo.
Mặc dù đã có một tuần giao dịch dễ thở hơn khi chỉ số VN-Index quay đầu tăng điểm nhẹ, tuy nhiên, chuyên gia của VNDIRECT đánh giá rủi ro thị trường vẫn đang ở mức cao trước những biến động về tỷ giá, lãi suất, chính sách tiền tệ trong và ngoài nước. Do đó, “nhà đầu tư nên duy trì tỷ lệ cổ phiếu/tiền mặt vừa phải ở mức 70/30 và hạn chế tối đa sử dụng đòn bẩy margin để có thể chủ động trước mọi tình huống khó lường và giảm thiểu rủi ro. Đối với những nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ trọng tiền mặt cao cũng chưa nên giải ngân vội vã mà nên chờ đợi những tín hiệu thị trường tích cực hơn, bao gồm điểm số, thanh khoản, dòng tiền,…trước khi gia tăng tỷ trọng cổ phiếu.
Tâm lý thị trường có thể dần bình ổn trở lại sẽ giúp VN-Index có thể tích lũy trên ngưỡng 1.000 điểm trong tuần tới. Ảnh: VNDS. |
"Trong các phiên tới, thị trường có thể ghi nhận các nhịp rung lắc, giằng co đan xen. Dù vậy, trong bối cảnh dòng tiền đang cho tín hiệu tích cực, nhiều khả năng đà hồi phục của chỉ số có thể mở rộng với vùng mục tiêu gần là 1.050 - 1.060 điểm" - SSI Research. |
Theo các chuyên gia của SSI Research, trong các phiên tới, thị trường có thể ghi nhận các nhịp rung lắc, giằng co đan xen. Dù vậy, trong bối cảnh dòng tiền đang cho tín hiệu tích cực, nhiều khả năng đà hồi phục của chỉ số có thể mở rộng với vùng mục tiêu gần là 1.050 - 1.060 điểm.
“Nhà đầu tư sẵn sàng giải ngân có thể tận dụng các nhịp điều chỉnh trong phiên của thị trường để mở vị thế giao dịch ngắn hạn. Trong khi đó, nhà đầu tư đang giữ tỷ trọng cổ phiếu cao từ các vùng đỉnh ngắn hạn trước nên hạn chế bán ra và chờ đợi xu hướng đi lên của chỉ số tiếp diễn” - chuyên gia của SSI Research khuyến nghị.
Còn theo các chuyên gia của MBS, trong kịch bản cơ sở, chỉ số VN-Index đã và đang tạo vùng cân bằng và đi ngang quanh vùng dao động từ 986 - 1.068 điểm trong ngắn hạn.
“Trong bối cảnh thị trường biến động nhanh với biên độ dao động rộng, chiến lược lướt sóng ngắn hạn theo xu hướng dòng tiền với tỷ trọng hợp lý nên được ưu tiên. Thị trường sẽ tiếp tục phân hóa mạnh giữa các nhóm ngành sau kỳ kết quả kinh doanh quý III, do đó, nhà đầu tư có thể chọn lọc theo xu thế dòng tiền vào những nhóm dẫn sóng, duy trì tốc độ tăng trưởng tốt, định giá đã chiết khấu sâu như ngân hàng, dầu khí, bán lẻ, điện, ...” - Chuyên gia của MBS cho hay./.