Chuỗi cửa hàng mỹ phẩm Hasaki: Nhiều sản phẩm thiếu tem nhãn phụ, tem chống hàng giả

Sở hữu 60 chi nhánh cửa hàng mỹ phẩm và dịch vụ spa khắp 23 tỉnh thành Việt Nam, thương hiệu cửa hàng mỹ phẩm Hasaki luôn hô vang phương châm: “Chất lượng thật - Giá trị thật” để phục vụ khách hàng. Tuy nhiên, “mục sở thị” tại 2 cơ sở Hà Nội, phát hiện hàng loạt sản phẩm chưa được dán tem nhãn phụ, tem chống giả, thậm chí là không xuất hóa đơn VAT cho người tiêu dùng.

Cửa hàng mỹ phẩm Hasaki có trang web là Hasaki.vn là hệ thống cửa hàng mỹ phẩm chính hãng và dịch vụ chăm sóc sắc đẹp hơn 60 chi nhánh trên toàn quốc; và hiện đang là đối tác phân phối chiến lược tại thị trường Việt Nam của hàng loạt thương hiệu lớn như La Roche-Posay, Eucerin, L'oreal, Bioderma, Klairs, Naris Cosmetics, Maybelline, Vichy, Skin1004, Cocoon, Australis, Cetaphil, Anessa, Paula's Choice, Some By Mi, B.O.M, Vaseline, Sunplay,...

hasaki-1660815940.jpg Cửa hàng mỹ phẩm Hasaki có trang web là Hasaki.vn là hệ thống cửa hàng mỹ phẩm chính hãng và dịch vụ chăm sóc sắc đẹp hơn 60 chi nhánh trên toàn quốc.

Trên Facebook, Hasaki.vn sở hữu kênh bán hàng là https://www.facebook.com/Hasaki.vn và dịch vụ spa riêng biệt là https://www.facebook.com/hasakispa nhằm hỗ trợ phái nữ Việt được làm đẹp hết mình. Tại đây, Hasaki liên tục nhấn mạnh phương châm: “Chất lượng thật - Giá trị thật” nhằm không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ để khách hàng có những trải nghiệm mua sắm tốt nhất. 

hasaki-2-1660816004.jpg Trên Facebook, Hasaki cũng có trang riêng để bán mỹ phẩm cho các tín đồ yêu làm đẹp.

hasaki-3-1660816080.jpg Hasaki luôn khẳng định toàn bộ sản phẩm có ở Hasaki.vn đều được cam kết 100% chính hãng, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, có đầy đủ hóa đơn mua hàng VAT và tem phụ Tiếng Việt.

Trên trang web và fanpage, hệ thống cửa hàng mỹ phẩm này khẳng định: “Toàn bộ sản phẩm có ở Hasaki.vn đều được cam kết 100% chính hãng, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, có đầy đủ hóa đơn mua hàng VAT và tem phụ Tiếng Việt, với mức giá luôn tốt hàng đầu thị trường trong mọi thời điểm. Ngoài ra, Hasaki.vn và nhãn hàng cam kết bảo vệ hai lớp với mức đền bù 200% nếu phát hiện hàng giả, trong đó 100% từ Hasaki và 100% từ nhà phân phối, văn phòng đại diện hãng tại Việt Nam”.
Thiếu tem nhãn phụ Tiếng Việt
Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế của phóng viên Thương hiệu và Công luận trong ngày 16/8 tại một số cơ sở của Hasaki tại Hà Nội thì những lời quảng cáo này dường như trái với sự thật. Ghi nhận tại cơ sở 182 Cầu Giấy, P. Quan Hoa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội, phóng viên nhận thấy tại đây bàn bán rất nhiều các loại mỹ phẩm.  Trong đó, một số sản phẩm có tem nhãn phụ Tiếng Việt rõ ràng để người tiêu dùng dễ dàng chọn lựa, như thông tin về nơi sản xuất, công ty nhập khẩu, địa chỉ, thành phần, cách sử dụng, cách bảo quản, số lô hàng, ngày sản xuất, hạn sử dụng…

san-pham-1-1660816142.jpg Sản phẩm dưỡng da của thương hiệu Vichy được dán đầy đủ tem nhãn phụ tiếng Việt tại cơ sở 182 Cầu Giấy, phường Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội..

Như sản phẩm tinh chất dưỡng da của thương hiệu Vichy, trên tem nhãn phụ Tiếng Việt được ghi rõ ràng về công dụng sản phẩm, hướng dẫn sử  dụng, lưu ý, thành phần, sản xuất tại Pháp, thể tích thực 30ml, nhập khẩu và chịu trách nhiệm bởi Công ty TNHH L’Oreal Việt Nam, Tầng 10 tòa nhà Vincom, 45A Lý Tự Trọng và 72 Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM.

san-pham-2-1660816295.jpg

san-pham-3-1660816311.jpg

san-pham-4-1660816333.jpg

san-pham-5-1660816373.jpg

san-pham-6-1660816390.jpg  Nhiều sản phẩm tại cơ sở Cầu Giấy vẫn rơi vào trạng thái thiếu tem nhãn phụ.

Dù vậy, dạo một vòng tại cửa hàng này, không khó để tìm thấy nhiều sản phẩm chỉ có tiếng nước ngoài, thiếu tem nhãn phụ tiếng Việt. Sự thiếu sót này khác nào “đánh đố” người tiêu dùng khi không biết sản phẩm này có công dụng ra sao, đối tượng sử dụng là ai, sản xuất tại đâu, nhập khẩu bởi công ty nào, thành phần sản phẩm ra sao… Để tìm hiểu rõ sản phẩm này ra sao, khách hàng buộc lòng tự lên Google tra công dụng, hoặc thậm chí là lắng nghe những lời tư vấn chưa rõ là có chuẩn xác 100% hay không từ những nhân viên bán hàng.

 

hasaki-4-1660816475.jpg "Mục sở thị" chi nhánh 169 Thái Hà, hiện tượng thiếu tem nhãn phụ, tem chống hàng giả cũng diễn ra tương tự.

Tiếp tục “mục sở thị” tại cửa hàng Hasaki số 169 Thái Hà, phường Láng Hạ, Quận Đống Đa, Hà Nội, phóng viên cũng nhận thấy tình trạng tương tự. Có không ít sản phẩm có tem nhãn phụ Tiếng Việt, nhưng cũng xuất hiện rất nhiều sản phẩm không có tem nhãn theo quy định của pháp luật.

san-pham-7-1660816514.jpg

sp-8-1660816533.jpg

san-pham-9-1660816615.jpg

 

san-pham-10-1660816632.jpg

san-pham-11-1660816650.jpg Nhiều các sản phẩm của thương hiệu Fixderma bị Hasaki "ngó lơ", không dán tem nhãn phụ tiếng Việt.

Như sản phẩm Fixderma Shadow SPF 50+ Cream, tìm “mỏi mắt”, phóng viên cũng không thấy bất cứ tem nhãn phụ tiếng Việt nào, chỉ khi dựa vào những hình ảnh ít ỏi trên thân hộp mới được biết đây là sản phẩm kem chống nắng. Hay lại một sản phẩm khác có tên Cleovera Cream của thương hiệu Fixderma, cũng chẳng hề có một thông tin tiếng Việt được dán để khách hàng dễ dàng tin tưởng chọn mua. 

san-pham-12-1660816709.jpg Một trường hợp khác là bông tẩy trang Inci Cotton Pads, miếng dán mụn Nextcare,... cũng không có bất cứ tem nhãn nào chứng minh chất lượng sản phẩm.

san-pham-13-1660816747.jpg

san-pham-14-1660816763.jpg Các sản phẩm mặt nạ của thương hiệu Naruko cũng không có tem nhãn phụ tiếng Việt.

Hay như sản phẩm mặt nạ Naruko, dù nỗ lực tìm kiếm đến mấy cũng không thấy tem nhãn phụ Tiếng Việt, bởi vậy người tiêu dùng rất khó có thể lựa chọn xem sản phẩm này có hợp với mình hay không. Do đó, phóng viên lại phải hỏi nhân viên tư vấn: “Sản phẩm này dùng cho đối tượng nào?”, nhân viên tư vấn cho biết: “Chị da dầu mụn dùng màu xanh” và sau đó không tư vấn thêm bất cứ thông tin nào nữa.
 

san-pham-15-1660816805.jpg

san-pham-16-1660816820.jpg Không ít những sản phẩm của thương hiệu Laneige đến từ xứ sở Kim Chi không có tem nhãn phụ theo quy định pháp luật.

Đặc biệt tại quầy test mỹ phẩm, đa phần những sản phẩm được khách hàng trực tiếp thử lại không hề có tem nhãn phụ, tem chống giả. Chẳng hề có một bằng chứng cụ thể nào để chứng minh đây là những mỹ phẩm đảm bảo chất lượng, không hại sức khỏe người tiêu dùng. Như son môi của hãng Silky Girl hay Phấn Phủ Pressed Powder Australis,… dường như cũng bị Hasaki bỏ quên thông tin. 

san-pham-17-1660816878.jpg

san-pham-18-1660816891.jpg Mẫu test tại các quầy mỹ phẩm của Hasaki không được dán tem phụ và tem chống hàng giả khiến khách hàng hoang mang, lo ngại cho sức khỏe.

Dư luận đặt ra câu hỏi, vậy tại sao có những sản phẩm có tem nhãn phụ đầy đủ, nhưng lại có những sản phẩm không có tem nhãn phụ Tiếng Việt theo đúng quy định? Phải chăng, cách thức nhập khẩu hàng hoá có sự khác nhau nên dẫn đến sự khác nhau này?
Trong khi đó, theo Nghị định 98/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thì từ ngày 15/10/202, cá nhân kinh doanh hàng xách tay, hàng nhập lậu sẽ bị phạt 500.000 - 50 triệu đồng, tuỳ thuộc giá. Mức phạt cao nhất lên đến 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức.
Theo Nghị định số 43/2017/NĐ-CP và Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định về thông tin in trên nhãn phụ và quy định về tem nhãn hàng hóa nhập khẩu, quy định về xử phạt hành vi vi phạm trong buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng trôi nổi, hàng có dấu hiệu làm nhái, làm giả có thể phạt tiền đến 200 triệu đồng tùy vào mức độ vi phạm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Cùng với đó, tại Điều 10, Nghị định số 43/2017/NĐ-CP quy định nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện các nội dung về tên hàng hóa; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa và xuất xứ hàng hóa.

“Lác đác” vài sản phẩm có tem chống hàng giả
Đúng như những gì độc giả phản ánh, bên cạnh những mặt hàng không có nhãn phụ tiếng Việt thì trên kệ hàng, la liệt những sản phẩm không dán tem hợp quy CR theo quy định của pháp luật Việt Nam về nhãn hàng hóa. Ví dụ như tại cơ sở 169 Thái Hà, nước hoa hồng dưỡng ẩm Hatomugi chỉ có tem nhãn phụ tiếng Việt, nhưng tuyệt nhiên chẳng thấy tem chống hàng giả đâu. 

san-pham-19-1660816929.jpg Tại cơ sở 169 Thái Hà, nước hoa hồng dưỡng ẩm Hatomugi chỉ có tem nhãn phụ tiếng Việt, nhưng tuyệt nhiên chẳng thấy tem chống hàng giả đâu...

Hay như sản phẩm Tea Tree Toner, tìm mỏi mắt không thấy tem chống hàng giả đâu. Dầu gội Biotin Collagen, Tinh dầu trị rạn da mờ sẹo Bio-Oil, Kem dưỡng da La Roche Posay B5, Tinh chất dưỡng da Eucerin,… cũng trong tình trạng tương tự.

san-pham-20-1660816997.jpg

san-pham-21-1660817014.jpg

san-pham-22-1660817031.jpg Các sản phẩm khác cũng rơi vào cảnh không có tem chống hàng giả như quy định pháp luật.

Phóng viên cũng thấy một vài mặt hàng được dán đầy đủ tem nhãn phụ tiếng Việt, cũng như tem chống hàng giả đúng như quy định của pháp luật. Như cơ sở Thái Hà, tinh Chất Dưỡng Ẩm Cosmedica Pure Hyaluronic Acid Serum hay Mặt Nạ Đất Sét Hữu Cơ RE:P Bio Fresh Mask,... là những sản phẩm hiếm hoi đầy đủ tem nhãn phụ, cũng như tem chống hàng giả đúng quy định của pháp luật về hàng hóa. 

Tò mò về chuyện “những sản phẩm này thiếu tem chống hàng giả, khách hàng sẽ lo ngại về chất lượng”, nhân viên tại đây chỉ biết cười nhẹ và lảng tránh. Dựa vào thái độ lập lờ của nhân viên tư vấn bán hàng, liệu người tiêu dùng có dám chi một khoản tiền lớn để mua những sản phẩm chăm sóc sức khỏe chưa thực sự rõ nguồn gốc?

san-pham-23-1660817086.jpg 

san-pham-24-1660817104.jpg

san-pham-25-1660817124.jpg Chỉ một vài sản phẩm của Hasaki có tem chống hàng giả.

Theo quy định về in tem chống hàng giả, đây là loại tem có áp dụng các công nghệ chống hàng giả, được in bởi nhà phát hành có giấy phép chuyên biệt theo quy định của Chính phủ. Tem có tác dụng chống sao chép, làm giả thương hiệu sản phẩm được dán lên, khác với các loại tem nhãn thông thường.
Tem chống hàng giả phải có đầy đủ tính pháp lý và chức năng chống giả. Đồng thời, tem phải được áp dụng các công nghệ chống giả hiện đại, đảm bảo hạn chế việc sao chép và làm giả con tem, phải được sản xuất, in và phát hành bởi đơn vị có chức năng in tem chống hàng giả theo quy định của Chính phủ. Tem chống hàng giả cũng có những dấu hiệu, cách thức để giúp người dùng thông qua đó nhận biết, phân biệt hàng thật, hàng giả một cách chính xác, đó là hướng đến truy xuất nguồn gốc sản phẩm phục vụ người tiêu dùng…

Thế nhưng thực tế, rất nhiều sản phẩm tại cửa hàng mỹ phẩm Hasaki không hề có tem chống hàng giả, điều này khiến dư luận hoài nghi về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, không biết những loại hàng hoá không có tem chống hàng giả có phải hàng giả hay không? Bên cạnh đó, phóng viên cũng nhận thấy giá của những sản phẩm này cũng không hề được công khai, niêm yết rõ ràng tại cửa hàng. Muốn tìm hiểu thì người tiêu dùng buộc phải hỏi nhân viên, điều này gây ra nhiều phiền toái cho người tiêu dùng trong qúa trình mua hàng tại Hasaki.

Không xuất hóa đơn VAT cho khách hàng
Hasaki.vn vốn là Công Ty cổ phần HASAKI BEAUTY & CLINIC, tuy nhiên nhiều khách hàng phản hồi rằng Hasaki không xuất hoá đơn VAT cho khách hàng. “Mục sở thị”, hoá đơn của phóng viên có giá trị đơn hàng hơn 500.000 đồng, nhưng khi thanh toán, thu ngân thanh toán đơn hàng cho phóng viên lại không hề hỏi việc xuất hóa đơn VAT, mà chỉ có hóa đơn bán lẻ thông thường. Trong khi theo quy định tại Điều 4 Nghị định 123/2020/NĐ-CP có quy định về hóa đơn chứng từ như sau:
“Tổ chức, cá nhân khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải có nghĩa vụ lập hóa đơn để giao cho người mua, bao gồm cả hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho nhân viên và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ để tiếp tục sản xuất); xuất hàng hóa dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả và phải ghi đầy đủ nội dung theo Điều 10 của Nghị định này, trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử thì phải theo quy định tại Điều 12 của Nghị định này”.

hasaki-5-1660817162.jpg Nhân viên tại Hasaki không hề hỏi khách có muốn xuất hóa đơn VAT hay không.

Theo quy định tại Điều 16, Thông tư 39/2014/TT-BTC và Điều 3, Thông tư 39/2014/TT-BTC, người bán phải lập hóa đơn khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, bao gồm cả các trường hợp hàng hóa, dịch vụ sử dụng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu hoặc hàng hóa, dịch vụ để cho, biếu tặng. Theo khoản 1, Điều 18 Thông tư 39/2014/TT-BTC, bán hàng hóa, dịch vụ có tổng giá thanh toán dưới 200.000 đồng mỗi lần thì không phải lập hóa đơn, trừ trường hợp người mua yêu cầu lập và giao hóa đơn.
Tại Điều 9 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định về thời điểm lập hóa đơn, theo đó, thời điểm lập hóa đơn là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc sử dụng hàng hóa hoặc hoàn thành cung cấp dịch vụ không phân biệt đã thu hay chưa thu được tiền. Trường hợp thu tiền trước hoặc trong khi cung cấp dịch vụ thì thời điểm lập hóa đơn là thời điểm thu tiền (không bao gồm trường hợp thu tiền đặt cọc hoặc tạm ứng). Trường hợp giao hàng hoặc bàn giao từng hạng mục, công đoạn, dịch vụ thì mỗi lần giao hàng hoặc bàn giao đều phải lập hóa đơn cho hàng hóa, dịch vụ được giao tương ứng.
Việc Hasaki thanh toán đơn hàng cho khách hàng nhưng không hề hỏi về vấn đề xuất hóa đơn giá trị gia tăng là chưa đúng với quy định pháp luật. Việc Hasaki “né” xuất hóa đơn VAT cho người mua hoàn toàn có thể bị xử phạt. Bởi theo Điều 24 Nghị định 125/2020/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn quy định như sau: “Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với các trường hợp: Không lập hóa đơn tổng hợp theo quy định về hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ; Không lập hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho nhân viên, trừ hàng hóa luân chuyển hoặc tiêu dùng nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với trường hợp không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ cho người mua theo quy định”.
Theo tìm hiểu, Hasaki.vn có tên đầy đủ là Công ty Cổ phần  HASAKI BEAUTY & CLINIC. Website chính thức là https://hasaki.vn/, cho phép người tiêu dùng đặt mua hàng online và có giấy chứng nhận Đăng ký Kinh doanh số 0313612829 do Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 13/01/2016. Sau 6 năm thành lập với 60 chi nhánh cửa hàng mỹ phẩm và làm đẹp chuyên sâu, cái tên Hasaki trở nên thân thuộc hơn bao giờ hết trong cộng đồng làm đẹp nhưng thực tế ghi nhận tại nhiều cửa hàng, rất nhiều sản phẩm ở đây không có tem nhãn phụ tiếng Việt, tem chống hàng giả theo quy định. Việc này khiến không ít khách hàng hoài nghi về lời cam kết của Hasaki trong suốt 6 năm vừa qua, liệu các sản phẩm của hệ thống mỹ phẩm này có thực sự là hàng chính hãng.
Hiện nay, vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng trốn thuế... mỹ phẩm đang là vấn đề nhức nhối khiến người tiêu dùng và giới chức năng “đau đầu”. Nhưng là một thương hiệu lớn, được mệnh danh là một trong những con chim đầu đàn của làng làm đẹp, là địa chỉ đáng nhẽ là tin cậy để mua sắm mỹ phẩm thì Hasaki đang khiến người tiêu dùng phải đặt câu hỏi lớn về vấn đề đảm bảo chất lượng sản phẩm. Có lẽ nào khách hàng sẽ mua trúng hàng giả, không được các cơ quan chức năng cấp phép lưu hành trên thị trường tại Hasaki? Và khi có sự cố xảy ra thì liệu Hasaki hay đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm về vấn đề này? 
Thương hiệu và Công luận sẽ tiếp tục gửi tới bạn đọc ngay khi có tin tức mới nhất về Hasaki.vn.