Năm "tiền hung hậu cát" với ngành dược
Toàn cảnh năm 2023, Chứng khoán SSI nhận định tăng trưởng của ngành y dược sẽ hạn chế. Lợi nhuận có thể ghi nhận mức thấp hơn trước khi khá dần lên. Doanh thu ngành sẽ tăng 8%, đạt 169.000 tỉ đồng (7,2 tỉ USD) cả năm. Kết quả kinh doanh này dựa trên nền bối cảnh sau đại dịch sẽ ổn định ở hầu hết các khía cạnh, nhưng suy thoái kinh tế có thể làm đình trệ chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe.
Theo SSI, nửa đầu năm 2023 sẽ là khoảng thời gian khó lường đối với nguồn cung hoạt chất (API) và tá dược. Khoảng 65% API được sử dụng trong việc sản xuất thuốc tại Việt Nam đến từ Trung Quốc - quốc gia đã mở cửa trở lại. Tuy nhiên SSI vẫn lo ngại tình trạng thiếu hụt vẫn có thể xảy ra. Do đó các công ty có thể sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước sẽ giành được vị thế tốt hơn.
Bên cạnh đó, cuộc đua về nâng cấp chất lượng đang diễn ra tại các công ty dược phẩm lớn. Nhiều doanh nghiệp niêm yết đang đặt mục tiêu đạt tiêu chuẩn EU GMP cho các cơ sở sản xuất của họ, từ đó sẽ được xét vào nhóm thuốc chất lượng cao nhất trong đấu thầu ở bệnh viện công. Các công ty trong nước hy vọng sẽ đấu thầu được sản phẩm với giá cao hơn trước nhưng vẫn thấp hơn nhiều loại thuốc nhập khẩu thuộc nhóm này.
Chuyên gia lưu ý nhà đầu tư cần theo dõi tình trạng thiếu vật tư và nhân lực tại các bệnh viện công dự kiến sẽ được cải thiện từ quý II.2023. Bộ Y tế đang đề xuất Luật Khám chữa bệnh sửa đổi để giải quyết những bất cập về khung pháp lý mà các bệnh viện công đang gặp phải, đặc biệt là vấn đề giá khám chữa bệnh thấp và quy trình đấu thầu đã nêu trên.
Trong năm 2023, mức phí khám chữa bệnh ở bệnh viện công lập sẽ tăng lên và hoạt động bán thuốc kê đơn qua kênh bệnh viện sẽ phục hồi. Cho tới khi vấn đề được giải quyết, nhóm bệnh viện tư nhân sẽ được hưởng lợi từ lượng bệnh nhân mà các bệnh viện công không thể phục vụ.
Cổ phiếu nào sẽ hưởng lợi?
Dựa vào những cơ sở trên, cộng với việc xây dựng nhà máy mới sản xuất thuốc tân dược, SSI cho rằng cổ phiếu TRA sẽ được hưởng lợi từ việc bán các sản phẩm mới được chuyển giao từ Công ty Daewoong Pharmaceutical. Giai đoạn hai của chuyển giao sản phẩm đang được tiến hành với trọng tâm là các sản phẩm điều trị bệnh huyết áp, tiểu đường và cholesterol cao.
TRA còn có thể tận dụng lợi thế công ty con cung cấp 80% nguyên liệu chiết xuất thảo dược trong danh mục thuốc đông y. Đây là mảng chiếm tới 65% doanh thu của doanh nghiệp.
Lực cản có thể tới từ việc người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu cho các sản phẩm thực phẩm chức năng cũng như quá trình phê duyệt đăng ký mặt hàng mới bị kéo dài.
Ngoài ra, SSI cũng nhận thấy CTCP Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định (HOSE: DBD) có thể hưởng lợi từ việc có một nhà đầu tư chiến lược cùng ngành mạnh để mở rộng danh mục sản phẩm và tận dụng năng lực sản xuất của họ để xuất khẩu.
Đồng thời, DBD dự kiến tăng giá khi sản phẩm được đưa từ nhóm 4 lên nhóm 1 và 2 trong đấu thầu thuốc bệnh viện. Điều kiện cần là dây chuyền sản xuất thuốc điều trị ung thư đạt tiêu chuẩn EU GMP mà công ty đã nộp hồ sơ trong năm 2022. Hiện danh mục thuốc điều trị ung thư chiếm 12% doanh thu của công ty.
Dù vậy nhưng nhà đầu tư cũng cần lưu ý về việc cấp phép EU GMP mất nhiều thời gian hơn dự kiến và tăng trưởng kênh OTC giảm.