Chuyên gia nói gì về việc Sở Xây dựng TP.HCM cấp phép xây chung cư trên đất công viên?

Việc Sở Xây dựng TP.HCM cấp phép cho doanh nghiệp xây dựng chung cư trên đất công viên kéo theo nhiều ý kiến trái chiều từ các chuyên gia.

Tiền lệ dự án xây tầng hầm trên đất công viên bị treo “sổ hồng”

Như  Reatimes đã phản ánh trong bài Sở Xây dựng TP.HCM cho doanh nghiệp xây chung cư trên đất công viên, Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản SIC (SIC) cho biết, việc dự án Thảo Điền Green xây dựng trên cả phần đất quy hoạch công viên cây xanh là đúng giấy phép xây dựng được cấp.

 Trước đó, ngày 6/7/2020, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Lê Trần Kiên đã ký Giấy phép xây dựng số 87, cấp cho SIC được phép xây dựng công trình Chung cư cao tầng - Thảo Điền, tại đường Nguyễn Văn Hưởng, phường Thảo Điền, quận 2, TP.HCM.

Theo tổng diện tích sàn xây dựng trong nội dung giấy phép, được ký bởi ông Lê Trần Kiên, phần diện tích xây dựng chung cư bao gồm cả phần đất quy hoạch công viên cây xanh. Dự án Thảo Điền Green được tổng thầu dự án Central khởi công ngày 11/08/2020. Theo tiến độ cập nhật đến đầu tháng 7/2021, dự án cơ bản đã thi công xong phần móng.

Dự án Thảo Điền Green trước đây thuộc Khu nhà ở và biệt thự cao cấp do Công ty TNHH Xây dựng Thế Minh làm chủ đầu tư. Sau khi Thế Minh chuyển nhượng một phần dự án, khu đất này lại làm lại chủ trương đầu tư và quy hoạch 1/500 mới mà không điều chỉnh dựa trên pháp lý kế thừa do Công ty TNHH Xây dựng Thế Minh đã được duyệt. Đây là quy trình pháp lý có nhiều điểm bất thường so với các dự án khác.   

Trong bối cảnh nhiều dự án thiếu chỗ đậu xe thì việc mở rộng tầng hầm sẽ góp phần giải quyết vấn đề này, để nâng cao giá trị dự án cũng như giá bán. Tuy nhiên, nhiều dự án ở TP.HCM thời gian qua đã mất khá nhiều thời gian để giải quyết các vấn đề pháp lý phát sinh khi tận dụng diện tích công viên để xây dựng tầng hầm.

Điển hình là dự án Gateway Thảo Điền, dù thi công đúng giấy phép xây dựng, dự án đã được Bộ Xây dựng nghiệm thu đưa vào sử dụng, nhưng những rắc rối liên quan đến việc xây dựng trên phần đất quy hoạch công viên trước đó khiến hàng trăm khách hàng mua căn hộ ở đây chờ nhiều năm nhưng vẫn chưa được cấp “sổ hồng”. Câu chuyện này trước đây đã được phản ánh trong bài TP.HCM: Chung cư bị treo “sổ hồng” vì chính quyền làm sai?.

Sử dụng đất sai mục đích là hoàn toàn vi phạm pháp luật

Theo luật sư Trương Thanh Đức, công ty luật Basico, khu đất quy hoạch đang mục đích này nhưng lại làm mục đích khác chắc chắn là sai; trừ khi đã được cơ quan Nhà nước chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì việc cấp phép và tiến hành xây dựng chung cư trên đất quy hoạch công viên cây xanh mới trở thành đúng.

“Còn nếu chưa chuyển đổi thì ai dám? Ai cho phép? Bởi như thế là hoàn toàn vi phạm pháp luật và cơ quan chức năng cần vào cuộc ngay để điều tra làm rõ”, luật sư Trương Thanh Đức nói.

“Tuy nhiên, cũng có thể là cấp thật, cấp giả hoặc xây lấn, xây sai bên phía nhà đầu tư. Vì vậy, cần tìm hiểu và làm rõ vụ việc. Còn khi đã có cơ sở chính xác về trường hợp cấp phép xây dựng chung cư trên đất quy hoạch công viên chưa chuyển đổi mục đích thì chắc chắn phải khẳng định là sai hoàn toàn.

Với những trường hợp như này, cơ quan chức năng cần phải vào cuộc ngay, xử phạt nghiêm theo đúng quy định của Pháp luật và Nhà nước. Còn không, khi toà toà chung cư được xây lên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến người dân, gồm cả những người mua phải chung cư và người dân xung quanh công viên”, luật sư Trương Thanh Đức nêu quan điểm.

Trong khi đó, kiến trúc sư Trương Văn Quảng, Phó Tổng thư ký Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, với trường hợp, đất quy hoạch công viên nhưng đã được chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang xây dựng chung cư thì việc cấp phép xây dựng và xây dựng là hoàn toàn có thể.

“Còn nếu thành phố chưa có văn bản pháp lý về mục đích chuyển đổi sử dụng đất và cụ thể ở đây là chuyển đổi từ đất quy hoạch công viên sang xây dựng chung cư mà được cấp phép xây dựng là hoàn toàn sai. Ngay bản thân sự việc đã là trái pháp luật.

Mục đích của đất quy hoạch công viên cây xanh là để trồng cây xanh, đảm bảo không gian vui chơi, không gian cộng đồng giúp hài hoà đô thị chứ không phải để xây một toà bê tông nhiều tầng hầm.

Sử dụng sai mục đích, lấn chiếm đất quy hoạch công viên cây xanh để xây chung cư là điều để lại rất nhiều hệ luỵ. Trước hết nó sẽ làm giảm thiểu số lượng cây xanh công cộng của thành phố, của công viên, bởi vì mất đất thì lấy đâu ra không gian để trồng cây, đặc biệt là các cây cổ thụ. Thứ hai là ảnh hưởng đến cảnh quan chung của đô thị. Nói một cách rõ hơn là góp phần phá vỡ quy hoạch đô thị”, kiến trúc sư Trương Văn Quảng chia sẻ.

Bên cạnh đó, Phó Tổng thư ký Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, vốn công viên cây xanh là một yếu tố quan trọng để đảm bảo một đô thị hài hoà, đặc biệt trong quá trình đô thị hoá ngày càng cao như hiện nay thì đây là yếu tố vô cùng cần thiết và bức thiết. Đã không duy trì và phát triển được số lượng cây xanh thì cũng đừng cắt xén, lấn chiếm nó cho những mục đích khác.