Cổ phiếu cần quan tâm ngày 26/10

Trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 26/10 của các công ty chứng khoán.
Khuyến nghị mua cổ phiếu QTP, với giá mục tiêu 18.500 đồng/CP

Khuyến nghị mua cổ phiếu QTP, với giá mục tiêu 18.500 đồng/CP

CTCK MB (MBS)

Sản lượng điện sản xuất quý III/2022 của CTCP Nhiệt điện Quảng Ninh (QTP – UPCoM) tăng mạnh 16,2% đạt 1.866 triệu kwh, lũy kế 9 tháng đạt 5.563 trkwh, tăng 5,6% so với cùng kỳ. Sản lượng điện thương phẩm đạt 5.125 trkwh, tăng 6,8% svck, lần lượt hoàn thành 72,8% và 74,1% kế hoạch năm.

Doanh thu quý III đạt 3.141 tỷ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ, lũy kế 9 tháng đạt 8.155 tỷ đồng, tăng 31% và hoàn thành 85% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế quý III đạt 155 tỷ đồng, tăng 70%, lũy kế 9 tháng đạt 784 tỷ đồng, tăng mạnh 88% và đạt 171% kế hoạch cả năm.

Sản lượng điện tăng và giá điện thị trường cao là nguyên nhân chính mang lại kết quả kinh tốt cho công ty. Sản lượng điện tăng, giá điện thị trường cạnh tranh quý 3 đạt trung bình 1.540,1 đồng/kwh, tăng 61% so với cùng kỳ, lũy kế 9 tháng tăng 42%.

Doanh thu và lợi nhuận cả năm 2022 dự báo tăng 30% và 55% so với 2021. Chúng tôi dự báo sản lượng sản xuất có thể đạt 7.500 trkwh, Doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 11.181 tỷ đồng và 955 tỷ đồng, tăng 30% và 55% so với 2021.

Dự báo năm 2023 tiếp tục là một năm thuận lợi với QTP trên các yếu tố: 1) Nhà máy hoạt động ổn định và được huy động sản lượng điện cao từ 7.300-7.500 trkwh; 2) Chi phí khấu hao và tài chính được kiểm soát tốt làm gia tăng hiệu quả kinh doanh; 3) Nhu cầu điện hệ thống tiếp tục tăng trưởng 8-9% trong khi thời tiết chuyển sang trạng thái EL Nino thuận lợi cho nhiệt điện.

Dự báo doanh thu và lợi nhuận năm 2023 lần lượt đạt 93% và 115% so với 2022: Chúng tôi dự báo sản lượng điện sản xuất năm 2023 tiếp tục đạt mức từ 7.300-7.400 triệu kwh. Doanh thu dự báo đạt 10.574 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 1.145 tỷ đồng, lần lượt bằng 93% và 115% của năm 2022, lợi nhuận tăng do các chi phí khấu hao và tài chính tiếp tục giảm.

Định giá cổ phiếu Kết hợp phương pháp định giá chiết khấu dòng tiền vốn chủ sở hữu và so sánh PE-PB, giá trị cổ phiếu QTP được xác định ở mức 18.500 đồng/cổ phần. Kết quả kinh doanh quý 3 của công ty vẫn tiếp tục khả quan với doanh thu và lợi nhuận lần lượt tăng 59% và 70% so với cùng kỳ 2021. Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua cổ phiếu QTP với giá mục tiêu 12 tháng ở mức 18.500 đồng/CP.

>> Tải báo cáo

Khuyến nghị trung lập dành cho cổ phiếu DRC

CTCK Bảo Việt (BVSC)

CTCP Cao su Đà Nẵng (DRC – sàn HOSE) đã công bố báo cáo tài chính quý III/2022: Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 1.353 tỷ đồng (tăng 46% so với cùng kỳ năm ngoái) và 77 tỷ đồng (tăng 129%) so với mức nền thấp quý III/2021 ảnh hưởng bởi lockdown), thúc đẩy chính bởi hoạt động xuất khẩu tích cực.

Lũy kế 9 tháng năm 2022, DRC ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 3.784 tỷ đồng (tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái) và 227 tỷ đồng (tăng 11%), hoàn thành 85%/ 88% kế hoạch doanh thu thuần/lợi nhuận sau thuế năm 2022.

Tổng tài sản của DRC tại thời điểm cuối quý III/2022 đạt mức 3.532 tỷ đồng, tăng 13% so với thời điểm đầu năm. Khoản tiền mặt và tiền gửi đạt 469 tỷ, chiếm hơn 13% tổng tài sản, có thể sẽ đem lại lợi ích cho DRC trong bối cảnh lãi suất tăng. Hàng tồn kho tăng mạnh 24% khi Công ty đang chuẩn bị cho mùa cao điểm vào quý IV, được tài trợ bằng nguồn vốn vay ngắn hạn, ở mức 797 tỷ đồng, tăng 224 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Tỷ lệ D/A vẫn đạt mức an toàn 0,48 lần.

DRC đặt kế hoạch kinh doanh quý IV/2022, với doanh thu thuần đạt 1.282 tỷ đồng (giảm 5% so với quý trước, giảm 4% so với cùng kỳ), và lợi nhuận trước thuế đạt 70 tỷ đồng (giảm 27% so với quý trước, giảm 36% so với cùng kỳ). Chúng tôi cho rằng DRC hoàn toàn có thể vượt được kế hoạch đặt ra, nhờ (1) DRC thường đặt kế hoạch thấp trong quá khứ; (2) hàng tồn kho giá rẻ sẽ bắt đầu phản ánh vào quý IV/2022, giúp cải thiện biên lợi nhuận; và (3) quý IV thường là mùa cao điểm trong năm, đồng thời được hỗ trợ nhờ nhu cầu đi lại gia tăng trong bối cảnh giá nhiên liệu xăng dầu giảm.

Do kết quả kinh doanh quý III/2022 thấp hơn ước tính của chúng tôi, chủ yếu do tiêu thụ lốp bias kém hơn kỳ vọng và áp lực lỗ tỷ giá gia tăng trong bối cảnh USD tăng giá. Chúng tôi đang xem xét lại khuyến nghị, dự báo và giá mục tiêu cho DRC.

>> Tải báo cáo

DCM đang được giao dịch PE thấp hơn nhiều so với trung bình 3 năm

CTCK KIS Việt Nam (KIS)

CTCP Đạm Cà Mau (DCM – sàn HOSE) công bố báo cáo tài chính quý III/2022 với doanh thu đạt 3.307 tỷ đồng (tăng 83% so với cùng kỳ, giảm 19% so với quý trước), lợi nhuận sau thuế đạt 731 tỷ đồng (tăng 95% so với cùng kỳ, giảm 30% so với quý trước).

Trong đó, doanh thu xuất khẩu ure chiếm khoảng 46% tổng doanh thu từ ure, cao hơn mức 39% trong quý 2. Trung bình, đơn giá bán ure đạt 15.000 đồng/kg trong quý 3, giảm 10% so với quý 2. Chúng tôi ước tính sản lượng tiêu thụ ure trong quý 3 đạt khoảng 180,000 tấn, gần tương đương với quý trước.

9 tháng đầu năm 2022 ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế là 11.466 tỷ đồng (tăng 90% so với cùng kỳ) và 3.272 tỷ đồng (tăng 298%), hoàn thành 127%/638% kế hoạch năm.

Sau khi đạt đỉnh tại 48,5% trong quý I/2022, biên lợi nhuận gộp giảm đều và đạt mức 30.5% trong quý 3 (giảm 2,68%p so với quý trước, giảm 1,73%p so với cùng kỳ).

Tỷ lệ SG&A trên doanh thu tăng từ 7.5% trong quý 2 đến 9.0% trong quý 3. Do đó, biên lợi nhuận ròng giảm 3,34%p và đạt 22,1%.

Chúng tôi ước tính giá gas đầu vào đối với DCM trong quý 4 có thể đạt 210 USD/tấn, giảm 11% so với mức giá trong quý 3.

Chúng tôi cho rằng DCM có thể cải thiện doanh thu trong quý 4 với tốc độ tăng trưởng khoảng 25-30% so với quý 3, nhờ nhu cầu nội địa cải thiện trong vụ Đông-Xuân.

Trong tháng 10, giá ure dao động từ 15.000 – 15.800 đồng/kg. Chúng tôi cho rằng giá bán có thể tăng dần và đạt đỉnh tại 16.500 – 17.000 đồng/kg trong tháng 11-12 tới đây.

DCM đang được giao dịch tại mức 3.9x TTM PE, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 3 năm là 11.6x, và 1.6x PB, cao hơn trung bình 3 năm là 1.4x.