Từ đầu năm đến nay VN-Index đã "bốc hơi" hơn 33%. Riêng nhóm cổ phiếu bất động sản cũng có giai đoạn đi xuống mạnh.
Thị giá cổ phiếu đi xuống tác động đến một thước đo để nhà đầu tư "đãi cát tìm vàng" cổ phiếu là chỉ số P/B. P/B là tỷ lệ được sử dụng để so sánh giá cổ phiếu với giá trị sổ sách của cổ phiếu đó. Tỷ lệ này được tính toán bằng cách lấy giá đóng cửa hiện tại chia cho giá trị ghi sổ tại quý gần nhất của cổ phiếu.
Thị giá nhiều ông lớn địa ốc xuống thấp hơn giá trị sổ sách
DXG của Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Xanh là một trong các mã bất động sản được giao dịch nhiều. Vốn hóa của công ty đang đạt hơn 9.000 tỷ đồng, thuộc top các cổ phiếu bất động sản có vốn hóa cao nhất.
Tại thời điểm kết thúc quý I năm nay, P/B của DXG là 1,74, sang quý II giảm xuống còn 0,97 và hiện chỉ còn 0,7.
Hay như mã cùng hệ sinh thái Đất Xanh là DXS của Công ty cổ phần Dịch vụ Bất động sản Đất xanh, thời điểm quý I, P/B của mã này là 1,16, sang quý II còn 0,71 và hiện chỉ còn 0,5.
Một mã bất động sản khác từng tạo "sóng" chứng khoán là ITA của Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo cũng đang có P/B nhỏ hơn 1. P/B của mã này hồi cuối năm 2021 vẫn đạt 1,11 song đến hết quý I năm nay giảm còn 0,69 và hiện chỉ còn 0,34, tương ứng mức giá thị trường của ITA chỉ bằng 1/3 giá trị sổ sách. Đây là mã trải qua nhiều phiên giảm sàn và đang ở diện cổ phiếu bị cảnh báo.
Mã QCG của Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai nhiều năm nay đã trong tình trạng P/B nhỏ hơn 1. Lần gần nhất mã này có P/B bằng 1 là thời điểm quý III/2017. Công ty cũng đang vướng vào lùm xùm chuyển nhượng 32 ha đất dự án Phước Kiển, huyện Nhà Bè và dự án Khu dân cư Ven Sông, quận 7 liên quan đến ông Tất Thành Cang. P/B của mã này tại thời điểm cuối quý II cũng chỉ đạt xấp xỉ 0,4.
Mã SCR của Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land) cũng trong tình trạng thấp hơn giá trị ghi sổ từ hồi đầu năm. Đến hết quý I năm nay, P/B giảm còn 0,88 trong khi thời điểm cuối năm 2021 vẫn đạt 1,26. Hiện P/B mã này là 0,58.
Loạt ông lớn địa ốc khác có P/B nhỏ hơn 1 có thể kể đến như NBB của Công ty cổ phần Đầu tư Năm Bảy Bảy, DRH của Công ty cổ phần DRH Holdings, ITC của Công ty cổ phần Đầu tư - Kinh doanh Nhà...
Thị giá cổ phiếu "lao dốc không phanh"
Diễn biến thị giá nhiều cổ phiếu bất động sản lớn xuống thấp hơn giá trị sổ sách, trùng với việc hệ số beta (thước đo rủi ro cổ phiếu với mức biến động, rủi ro thị trường chung) của các mã này đều lớn hơn 1. Điều này tương ứng mức độ biến động giá của các mã này lớn hơn mức biến động của thị trường chung.
Hàng loạt cổ phiếu của các ông lớn địa ốc có hệ số beta lớn hơn 1 tính đến ngày 25/10 là DXG (1,74). ITA (1,62), NLG (1,57), CEO (2,42), DIG (1,74), HQC (1,62), KBC (1,49), KDH (NBB), LDG (1,91)... Mặt bằng chung các mã bất động sản trên sàn đều giảm 35-70% thị giá từ đầu năm đến nay, cao hơn mức 33% của VN-Index.
Với các nhà đầu tư, P/B là công cụ giúp tìm kiếm các cổ phiếu có giá thấp mà thị trường bỏ qua. Nhưng không hẳn lúc nào điều này cũng là "món hời". Một cổ phiếu duy trì P/B nhỏ hơn 1, có thể giá trị tài sản của công ty đã bị thổi phồng quá mức.
Tuy nhiên, theo ý kiến của các chuyên gia, vẫn có khả năng doanh nghiệp đang trong giai đoạn hồi phục của một chu kỳ kinh doanh.
Cụ thể, kết quả kinh doanh tốt giúp giá trị sổ sách cao, tốc độ tăng nhanh hơn thị giá cổ phiếu. Ngoài ra, khi VN-Index đang giảm mạnh, có thể thị trường chưa đánh giá đúng giá trị công ty và cổ phiếu vẫn có tiềm năng tăng giá trong tương lai.
Ngược lại, với doanh nghiệp có chỉ số P/B cao, vẫn có thể do thị trường đang kỳ vọng về triển vọng kinh doanh của trong tương lai. Vì thế các nhà đầu tư sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho giá trị sổ sách doanh nghiệp.
Giới đầu tư hiện đang "ngóng" kết quả kinh doanh quý III và nhìn vào diễn biến cổ phiếu trên thị trường để đánh giá lại giá trị. Theo giới chuyên gia, thị giá nhóm cổ phiếu bất động sản đã giảm mạnh, dù kết quả kinh doanh tích cực cũng không đủ để cải thiện P/B.
Ngoài ra, để đánh giá một cổ phiếu, cũng cần xét đến nhiều tiêu chí khác như hệ số P/E, tăng trưởng EPS, chỉ số ROE, ROA, lịch trả cổ tức...