Ông Trần Ngọc Bê bị phạt tiền 940.350.000 (chín trăm bốn mươi triệu ba trăm năm mươi nghìn đồng) theo quy định tại khoản 3 Điều 5, điểm h khoản 2, khoản 5 Điều 33 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán (Nghị định số 156/2020/NĐ-CP) vì đã có hành vi vi phạm hành chính: Không công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch (ông Trần Ngọc Bê là người có liên quan của Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân Hàng thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (mã chứng khoán: VPB) mua 1.481.200 cổ phiếu VPB, bán 59.000 cổ phiếu VPB trong tháng 1/2021, mua 1.880.700 cổ phiếu VPB trong tháng 2/2021, mua 59.000 cổ phiếu VPB ngày 03/3/2021 nhưng không công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch).
Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ giao dịch chứng khoán trong thời hạn 04 tháng, quy định tại điểm b khoản 7 Điều 33 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 23/7/2021.
Được biết, ông Trần Ngọc Bê là em rể của Chủ tịch VPBank Ngô Chí Dũng.
Trước đó, cơ quan thanh tra xác định Chủ tịch VPBank Ngô Chí Dũng đăng ký giao dịch mua 8 triệu cổ phiếu VPB từ ngày 21/11/2018 đến ngày 20/12/2018. Tuy nhiên, 1 ngày sau khi kết thúc thời hạn đăng ký (tức ngày 21/12/2018) ông Ngô Chí Dũng đã mua 1,119 triệu cổ phiếu VPB.
UCKNN quyết định phạt tiền đối với ông Ngô Chí Dũng số tiền là 22,5 triệu đồng vì đã có hành vi vi phạm hành chính "giao dịch không đúng thời gian đã đăng ký".
Tính đến cuối năm 2019, Chủ tịch VPBank nắm giữ hơn 121,6 triệu cổ phiếu VPB, tương đương tỷ lệ sở hữu 4,81%.
Giao dịch "gia đình trị"
VPBank có thể nói là mô hình ngân hàng gia đình hoặc nhóm gia đình. Cá nhân ông Dũng sở hữu hơn 4% vốn cổ phần của ngân hàng. Vợ ông, bà Hoàng Anh Minh hiện sở hữu hơn 4,7% vốn VPB, trong khi mẹ ông Dũng là bà Vũ Thị Quyên đang sở hữu lượng cổ phần không kém bà Hoàng Anh Minh. Tính chung, các cá nhân trên thuộc gia đình Chủ tịch VPBank sở hữu khoảng 15% vốn tại VPBank.
Từ năm 2018-2019, ban lãnh đạo VPBank cùng cổ đông lớn thường có những giao dịch cổ phiếu sang tay. Vào hồi tháng 8/2019, bà Hoàng Anh Minh, vợ Chủ tịch HĐQT VPBank Ngô Chí Dũng đã bán 4 triệu cổ phiếu VPBank cho con gái Ngô Minh Phương. Giao dịch diễn ra theo phương thức thỏa thuận. Trước khi thực hiện giao dịch, bà Phương chưa hề nắm trong tay cổ phiếu nào của VPBank.
Theo giá cổ phiếu ngày 8/8/2019, tổng số 4 triệu cổ phần VPBank bà Phương mua từ mẹ có giá trị thị trường khoảng 75 tỷ đồng. Sau giao dịch bán cổ phần cho con, bà Hoàng Anh Minh nhường lại vị trí cổ đông lớn nhất ở VPBank cho chồng.
Trước đó, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) thực hiện chuyển quyền sở hữu 16,5 triệu cổ phiếu VPB vào ngày 3/4/2019 giữa các quỹ ngoại.
Tại ĐHCĐ thường niên năm 2019, VPBank đã thảo luận vấn đề bán 31 triệu cổ phiếu trong tổng số hơn 73,2 triệu cổ phiếu quỹ cho cán bộ nhân viên nhằm mục đích giữ chân nhân tài, khích lệ người lao động. Mức giá bán ưu đãi cho cán bộ nhân viên chỉ là 10.000 đồng/CP, bằng chưa tới 1/3 mức giá (giá mua gần 34.000 đồng/CP) mà VPbank đã mua vào lô 73,2 triệu cổ phiếu quỹ hồi tháng 7/2018.
Có thể thấy, sự chênh lệch giá mua và bán cổ phiếu quỹ cho người lao động (nếu có) sẽ khiến cho ngân hàng bị tạm “lỗ” một khoản tiền hơn 1.000 tỉ đồng. Số lỗ chênh lệch mua – bán cổ phiếu quỹ này, theo ngân hàng, sẽ được “bù đắp” bằng nguồn vốn chủ sở hữu (thặng dư vốn và quỹ đầu tư phát triển).
Trên thực tế, không chỉ VPBank mà một số ngân hàng đã thực hiện chính sách bán cổ phiếu ưu đãi cho người lao động, song nguồn cổ phiếu này thường là cổ phiếu phát hành thêm với giá 10.000 đồng/CP. Hoặc ngân hàng có nguồn cổ phiếu quỹ với giá thấp như ACB (mua cổ phiếu quỹ giá 11.000 đồng/CP), được dùng để chia thưởng, bán ưu đãi cho cán bộ, nhân viên… Việc VPBank dùng nguồn cổ phiếu quỹ có giá vốn cao gấp 3,4 lần mệnh giá để “bán rẻ như cho” người lao động là điều lạ lùng! Nhất là khi người lao động được “hậu đãi”, còn các cổ đông của VPbank lại phải “nhịn” cổ tức dù ngân hàng vẫn báo lãi lớn hàng nghìn tỉ.
Đáng chú ý, vào tháng 2/2018, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) thực hiện chuyển quyền sở hữu cổ phiếu VPB.
Theo đó, 4 cá nhân là Đỗ Thị Mai, Bùi Bích Hạnh, Trần Thị Hương và Đặng Thị Thanh Tâm đã nhận chuyển nhượng tổng cộng gần 100 triệu cổ phiếu VPB, tương đương 6,37% vốn, từ 2 cổ đông là Công ty Đầu tư Quang Đăng và Công ty Đầu tư Lưu Khuyên.
Với thị giá cổ phiếu VPB tại phiên giao dịch gần nhất tại thời điểm đó gần 65.000 đồng, ước tính giá trị số cổ phiếu vừa chuyển nhượng là gần 6.500 tỷ đồng. Trong đó, bà Đỗ Thị Mai là người nhận chuyển nhượng số cổ phần lớn nhất với giá trị khoảng 3.000 tỷ đồng.
Cả hai doanh nghiệp nói trên cùng được thành lập cuối tháng 7/2017, thời điểm cổ phiếu VPBank chuẩn bị lên sàn niêm yết, trụ sở đặt ở hai phòng cạnh nhau tại cùng tầng 8 một tòa nhà trên đường Khuất Duy Tiến, Hà Nội. Đến đầu năm 2018, Công ty Đầu tư Quang Đăng và Công ty Đầu tư Lưu Khuyên cùng công bố thông tin về việc giải thể và dừng hoạt động kinh doanh. Lý do được hai công ty này đưa ra là gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh và không thể tiếp tục duy trì hoạt động.
Bên nhận chuyển nhượng cổ phần cũng là người đại diện theo pháp luật của hai doanh nghiệp này trước khi giải thể. Trong đó, bà Đỗ Thị Mai là người đại diện theo pháp luật của Công ty Đầu tư Quang Đăng và bà Trần Thị Hương là người đại diện theo pháp luật của Công ty Đầu tư Lưu Khuyên.
Với giao dịch trên, giới đầu tư cho rằng không ngoại trừ khả năng 2 công ty trên chỉ là công ty ảo được lập ra để thực hiện giao dịch cổ phiếu VPB với mục đích riêng của ban lãnh đạo.
Đối chiếu lại bản cáo bạch trước khi niêm yết, ở thời điểm cổ phiếu VPBank lên sàn chứng khoán, nhà băng này không có cổ đông lớn sở hữu trên 5% vốn điều lệ.
Trong tháng 11/2018, cổ đông ngoại ngân hàng VPB cũng có nhiều giao dịch sang tay. Với thị giá cổ phiếu VPB tại ngày hiệu lực chuyển quyền (21/11/2018) ở mức 21.800 đồng, Al Mehwar Commercial Investments L.L.C có thể đã chi ra hơn 14 tỷ đồng cho thương vụ này.
Tính cả giao dịch trên, chỉ trong hơn 1 tuần đó, các quỹ ngoại đã “sang tay” hơn 7,5 triệu cổ phiếu VPB. Cụ thể, ngày 15/11, Ashoka Pte. Ltd. đã chuyển nhượng hơn 5,66 triệu cổ phiếu VPB sang cho Arjuna Fund Pte. Ltd. Giá trị giao dịch ước tính lên đến hơn 112 tỷ đồng, tương ứng với 19.850 đồng/cổ phiếu – mức giá tham chiếu tại ngày hiệu lực chuyển quyền.
Trước đó, Arjuna Fund Pte. Ltd cũng đã nhận chuyển nhượng hơn 1,22 triệu cổ phiếu VPB từ Optis Global Opportunities Fund Ltd trong ngày 13/11 với trị giá giao dịch vào khoảng 27 tỷ đồng, tương đương 21.850 đồng/cổ phiếu – mức giá trần tại ngày hiệu lực chuyển quyền.
Đáng chú ý, thời điểm các quỹ ngoại tích cực “sang tay”, cổ phiếu VPB đang giao dịch loanh quanh vùng đáy. Cụ thể, sau khi trượt dài về đáy 19.000 đồng/cổ phiếu ngày 15/11 (thấp nhất kể từ khi lên sàn tháng 8/2017), cổ phiếu VPB phục hồi nhẹ nhờ tác động từ thông tin gia đình Chủ tịch Ngô Chí Dũng muốn mua vào 21 triệu cổ phiếu.