Công nghiệp năng lượng: Nhiều tỷ USD đang “xếp hàng“ vào Bình Thuận

Sở hữu tiềm năng năng lượng tái tạo thuộc loại cao nhất cả nước, được doanh nghiệp rót vốn đầu tư, lĩnh vực công nghiệp năng lượng đã và đang trở thành động lực tăng trưởng của Bình Thuận.

binh-thuan-de-xuat-dua-hang-loat-du-an-dien-gio-ngoai-khoi-vao-quy-hoach-phat-trien-dien-luc-quoc-gia-giai-doan-2021-2030-tam-nhin-toi-nam-2045-1661844475.jpgBình Thuận đề xuất đưa hàng loạt dự án điện gió ngoài khơi vào Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045

Tiếp tục bùng nổ

Với lợi thế 192 km đường bờ biển dài và nắng gió quanh năm, Bình Thuận là địa phương có tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo thuộc loại cao nhất cả nước, có sức hút lớn với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhiều dự án điện gió, điện mặt trời được đầu tư thời gian qua đã giúp địa phương này đặt chân vào “đường đua” trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước.

Theo thống kê, đến nay, Bình Thuận có 10 nhà máy điện gió, tổng công suất 335 MW; 26 nhà máy điện mặt trời, tổng công suất 1.072 MW đi vào hoạt động. Nhờ vậy, giá trị sản xuất công nghiệp, nhất là sản xuất và phân phối điện tăng trưởng cao, tăng bình quân 42,23%/năm. Hàng chục ngàn tỷ đồng được doanh nghiệp rót vào các dự án năng lượng tái tạo đã đóng góp chủ yếu vào tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp, là động lực lớn với tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Lĩnh vực năng lượng tái tạo được dự báo tiếp tục phát triển bùng nổ, khi nhiều tỷ USD đang “xếp hàng” để đầu tư vào Bình Thuận. Trong rất nhiều dự án, phải kể đến Trang trại điện gió ngoài khơi La Gàn, có tổng công suất 3,5GW, vốn đầu tư ước tính 10,5 tỷ USD. Dự án được phát triển bởi Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (CIP), Asiapetro, Novasia và được quản lý bởi các chuyên gia về điện gió ngoài khơi Copenhagen Offshore Partners (COP).

Trong năm 2021, Công ty cổ phần Phát triển Dự án Điện gió La Gàn - đơn vị phát triển Dự án Trang trại điện gió ngoài khơi La Gàn (tỉnh Bình Thuận) - đã ký kết Hợp đồng Khảo sát địa vật lý và Hợp đồng Nghiên cứu địa chất với Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên - môi trường biển khu vực phía Bắc (CPIM) thuộc Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, với trị giá nhiều triệu USD.

Đơn vị này cũng đã ký các bản ghi nhớ với 4 nhà thầu tại Việt Nam, gồm: Tập đoàn CS Wind, Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ cơ khí hàng hải PTSC (PTSC M&C), Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí miền Nam (Alpha ECC) và Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro về cung cấp móng cọc và hậu cần cảng biển. 

Dự án tỷ đô trên được kỳ vọng trở thành một trong những dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn đầu tiên được đưa vào vận hành tại Việt Nam. Theo nghiên cứu chi tiết, Dự án dự kiến tạo ra khoảng 250 TWh điện năng, cung cấp điện cho hơn 7 triệu hộ gia đình, giúp giảm thiểu khoảng 130 triệu tấn khí thải CO2. Dự án sẽ đóng góp hơn 4 tỷ USD cho kinh tế Việt Nam…

Không chỉ La Gàn, dự án tỷ đô khác là Điện gió ngoài khơi Thăng Long Wind cũng đã xúc tiến để được triển khai ở Bình Thuận. Dự án có quy mô 3.400 MW, vốn đầu tư gần 11,9 tỷ USD, được Tập đoàn Enterprize Energy Group rót vốn đầu tư.

Trong khuôn khổ Diễn đàn Đầu tư năm 2022 được tổ chức tại London (Vương quốc Anh) vừa qua, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, ông Nguyễn Minh và ông Ian Hatton, Chủ tịch Tập đoàn Enterprize Energy đã ký kết bản ghi nhớ hỗ trợ ngư dân Bình Thuận trong quá trình phát triển các dự án điện gió ngoài khơi.

Tại lễ ký kết, ông Ian Hatton khẳng định, Tập đoàn Enterprize Energy và các thành viên tham gia Dự án Điện gió ngoài khơi Thăng Long Wind và Dự án Sản xuất Hydrogen/Amonia Thăng Long Wind 2 đã sẵn sàng cho việc triển khai dự án tại tỉnh Bình Thuận… Mới đây, UBND tỉnh Bình Thuận đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị cho bổ sung Dự án Điện khí Thăng Long Wind 2 của Tập đoàn Enterprize Energy vào Quy hoạch điện VIII…

Có thế thấy, nhiều tỷ USD đang được những doanh nghiệp lớn chuẩn bị sẵn sàng để đầu tư vào tỉnh Bình Thuận.

Ngành kinh tế chủ lực

Bình Thuận đặt mục tiêu phát triển ngành công nghiệp năng lượng trở thành ngành kinh tế chủ lực. Điều này sẽ sớm được hiện thực khi Bình Thuận đã có nền tảng vững chắc để phát triển công nghiệp năng lượng. Hiện Bình Thuận có 48 nhà máy điện đã hoàn thành, đang hoạt động với tổng công suất 6.521 MW, sản lượng điện thiết kế của các nhà máy trên địa bàn khoảng 31,8 tỷ kWh.

Trong 48 nhà máy điện đã hoàn thành, có 4 nhà máy nhiệt điện thuộc Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, công suất 4.284 MW. Ngoài ra, có 7 nhà máy thủy điện với tổng công suất 819,5 MW, một nhà máy điện diesel đảo Phú Quý công suất 10 MW, 10 nhà máy điện gió có tổng công suất là 335,3 MW và 26 nhà máy điện mặt trời có tổng công suất 1.072 MW.

Theo đề nghị của UBND tỉnh Bình Thuận gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương, trong giai đoạn 2021 - 2030, Quy hoạch phát triển điện lực đã được duyệt dự kiến tiếp tục đầu tư các nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3, Sơn Mỹ I và Sơn Mỹ II và các dự án thủy điện nhỏ, điện gió, điện mặt trời khác.

Ngoài ra, Bình Thuận cũng đề xuất đưa hàng loạt dự án vào Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045. Có thể kể đến các dự án điện gió ngoài khơi Thăng Long Wind, AMI AC có công suất dự kiến 1.800 MW, La Gàn có công suất dự kiến 3.500 MW, Bình Thuận có công suất dự kiến 5.000 MW, Hàm Thuận Nam với công suất dự kiến 900 MW, Biển Cổ Thạch công suất 2.000 MW và Vĩnh Phong công suất 1.000 MW. Ngoài ra, theo đề nghị của Đại sứ quán Đan Mạch và nhà đầu tư là Công ty Ørsted (Đan Mạch), còn có Dự án điện gió ngoài khơi Tuy Phong với công suất dự kiến 4.600 MW.

Ở lĩnh vực điện khí LNG, Bình Thuận đề nghị Dự án điện khí LNG mũi Kê Gà công suất 3.200 MW, với tổng vốn đầu tư khoảng 3,8 tỷ USD. Tỉnh cũng đề nghị Dự án Thủy điện tích năng tại xã Phan Sơn, huyện Bắc Bình công suất 600 MW được đề xuất bởi Công ty cổ phần Kosy, cùng nhiều dự án điện mặt trời và điện gió trên đất liền khác …

Đề xuất hàng loạt dự án năng lượng lớn, được cộng hưởng với sự quan tâm của doanh nghiệp sẽ mở ra tương lai tươi sáng cho phát triển công nghiệp năng lượng của Bình Thuận. Vì thế, Đảng bộ và chính quyền tỉnh đã rất nỗ lực để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp này. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV (2020-2025) đã khẳng định, công nghiệp năng lượng là một trong ba trụ cột kinh tế của tỉnh.

Tỉnh ủy Bình Thuận cũng ban hành Nghị quyết về phát triển công nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; đặt mục phát triển công nghiệp trở thành trụ cột kinh tế, tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, ông Dương Văn An khẳng định, tỉnh sẽ ưu tiên phát triển công nghiệp năng lượng, trong đó tập trung vào những dự án ít ảnh hưởng đến môi trường, như điện mặt trời, điện gió, nhất là điện gió ngoài khơi và điện khí hóa lỏng LNG. Hiện nay, nhiều nhà đầu tư đã và đang tiến hành khảo sát, đề xuất phát triển các dự án điện gió ngoài khơi tại Bình Thuận. khu vực ven biển có tiềm năng phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ, phát triển đô thị…

“Bình Thuận sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư tiếp cận đất đai, không gian biển để nghiên cứu, khảo sát tiềm năng, đề xuất dự án đầu tư, nhất là điện gió ngoài khơi, điện khí hóa lỏng LNG, sản xuất năng lượng hydrogen, từng bước đưa công nghiệp năng lượng trở thành trụ cột tăng trưởng”, ông Dương Văn An khẳng định.

Với nền tảng vững chắc được tạo lập, công nghiệp năng lượng chắc chắn sẽ tạo động lực để Bình Thuận tăng tốc phát triển trong chặng đường mới.

 

Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 31/12/2021 về phát triển công nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Tỉnh ủy Bình Thuận xác định, tập trung thu hút đầu tư, phát triển các ngành công nghiệp. Với công nghiệp năng lượng, sẽ tiếp tục thu hút đầu tư phát triển ngành này trở thành ngành kinh tế chủ lực, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh, ưu tiên điện gió ngoài khơi, điện khí hóa lỏng LNG. Kiến nghị Chính phủ đưa vào Quy hoạch điện VIII các dự án năng lượng có tính khả thi, hiệu quả kinh tế - xã hội cao.

Đồng thời, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc; xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tiếp cận đất đai, mặt hồ, mặt biển... trong quá trình nghiên cứu đầu tư, tạo môi trường thu hút đầu tư tốt. Thúc đẩy tiến độ triển khai, hoàn thành các công trình, dự án sản xuất điện đã có chủ trương đầu tư. Thực hiện chủ trương không chấp thuận đầu tư các dự án điện gió, điện mặt trời ở những khu vực sản xuất nông nghiệp thuận lợi, những