Ngày 12/12/2020, ông Trần Vũ Hoàng, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội ký ban hành Quyết định số 353/QĐ-CĐNT về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu số 01: "Mua sắm, lắp đặt thiết bị" thuộc Dự án: Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp thuộc Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp – Việc làm và An toàn lao động (Hỗ trợ đầu tư mua sắm trang thiết bị đào tạo) năm 2020 của Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội.
Theo đó, Công ty TNHH Tư vấn kỹ thuật Hùng Linh (địa chỉ tại tầng 5, tòa nhà 29 Huỳnh Thúc Kháng, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, TP Hà Nội) được lựa chọn là đơn vị trúng thầu với giá là 5.494.709.000 đồng (giá gói thầu là 5.500.000.000 đồng - tiết kiệm 5.291.000 đồng).
Nguồn vốn thực hiện gói thầu là ngân sách Trung ương bổ sung mục tiêu – vốn sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu giáo dục nghề nghiệp việc làm và an toàn lao động, phát triển hệ thống trợ giúp xã hội năm 2020. Đây là loại hợp đồng trọn gói, đã bao gồm thuế giá trị gia tăng và toàn bộ chi phí liên quan. Thời gian thực hiện hợp đồng là 25 ngày.
Mục đích của việc mua sắm tập trung tài sản nhà nước thông qua đấu thầu là để tiết kiệm tiền cho ngân sách nhà nước. Sẽ là đúng chủ trương, pháp luật nếu gói thầu tại Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội tiết kiệm ngân sách nhà nước, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay. Nhưng công tác đấu thầu tại Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội lại xuất hiện những điều bất hợp lý với sản phẩm trúng thầu có giá còn cao hơn giá bán trên thị trường.
Cụ thể, Phụ lục danh mục hàng hóa trúng thầu ban hành kèm theo Quyết định số 353/QĐ-CĐNT cho thấy có 14 loại sản phẩm được mua sắm tại gói thầu này với số lượng từ 1 - 8 sản phẩm. Trong đó, sản phẩm được mua nhiều nhất là Micro không dây cầm tay EW 100 G4-945-S/Sennheiser với số lượng 8 chiếc, xuất xứ Mỹ và đơn giá 41.800.000 đồng/ chiếc. Tổng giá trị cho 8 sản phẩm này là 334.400.000 đồng.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, thiết bị này trên thị trường đang bán với giá từ 18.000.000 - 26.980.000đ/chiếc. Như vậy, với số lượng 8 chiếc, chỉ riêng sản phẩm này đã có sự chênh lệch lên đến cả trăm triệu đồng.
Sản phẩm chân micro MFS 006/Laser cũng được mua với số lượng 8 chiếc với đơn giá 2.750.000 đồng/ chiếc. Tuy nhiên thiết bị này trên thị trường chỉ bán với giá 850.000 đến 890.0000 đồng/chiếc
Ngoài ra, sản phẩm Đàn Piano cơ 3 chân, ký mã hiệu GP215/Boston, xuất xứ Nhật Bản được Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội mua với giá 2.041.600.000 đồng/chiếc. Trong khi đó, giá chiếc đàn này trên thị trường chỉ khoảng 1.120.000.000 đồng/chiếc (đã bao gồm VAT, bảo hành và chi phí phụ trợ khác) - cao hơn thị trường hơn 800.000.000 đồng.
Bên cạnh đó, sản phẩm Đàn Guitar classic (dây sắt), ký mã hiệu Guitar taylor 814CE/Taylor, xuất xứ Mỹ, mua với giá hơn 152.295.000 đồng nhưng giá bán ngoài thị trường chỉ khoảng 85.000.000 đồng/chiếc.
Tiếp đến là sản phẩm Đàn piano điện Roland RP-501R/Roland, xuất xứ Malaysia, mua với giá 48.400.000 triệu đồng/chiếc, được mua với số lượng 5 chiếc, tổng giá trị cho 5 sản phẩm này là 242.000.000 đồng. Tuy nhiên, giá thị trường chỉ khoảng 29.500.000 đồng/chiếc....
Điều bất hợp lý trên khiến dư luận đặc biệt quan tâm và đặt ra câu hỏi: Liệu có những khuất tất gì đằng sau việc giá trang thiết bị trúng thầu bị đẩy lên cao hơn rất nhiều so với giá thị trường trong khi tỷ lệ tiết kiệm của gói thầu lại rất thấp? Có hay không việc móc ngoặc, bắt tay nâng khống giá các thiết bị trong gói thầu nhằm trục lợi từ ngân sách nhà nước?
Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội đã dựa trên những cơ sở nào để lập dự toán cho các gói thầu này? Việc khảo sát giá trang thiết bị thực sự diễn ra như thế nào? Và quan trọng, việc thực hiện các hợp đồng mua sắm giữa Công ty TNHH Tư vấn kỹ thuật Hùng Linh với các đơn vị đăng ký mua sắm tập trung diễn ra như thế nào?
Tài chính Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.