Công ty chứng khoán cũng "chết" vì đầu tư chứng khoán

Trước những biến động khó lường của thị trường chứng khoán quý II, nhiều công ty chứng khoán (CTCK) ghi nhận khoản lỗ lớn từ chính việc đầu tư chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu).

Thị trường chứng khoán trong quý II tiếp tục có những biến động hết sức tiêu cực.

Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 6, VN-Index đứng ở mức 1.197,6 điểm, tương ứng giảm 294,55 điểm (-19,74%) so với cuối tháng 3, tương tự, HNX-Index giảm 171,94 điểm (-38,24%) xuống 277,68 điểm, UPCoM-Index cũng giảm 31,46 điểm (-26,88%) xuống 85,58 điểm.

Thị trường trong quý II chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các yếu tố bên ngoài như căng thẳng giữa Nga - Ukraine, tình trạng lạm phát cao ở Mỹ và các nước châu Âu, cùng với đó là các biện pháp mạnh tay của cơ quan quản lý giúp làm tăng sự trong sạch trên thị trường chứng khoán trong nước.

Không chỉ đi xuống về mặt điểm số, thanh khoản thị trường cũng có sự sụt giảm rất mạnh. Giá trị giao dịch bình quân giảm đến 34,2% xuống 20.525 tỷ đồng/phiên, trong đó, giá trị khớp lệnh bình quân đạt chỉ 18.654 tỷ đồng/phiên, giảm 35,8%.

thi-truong-chung-khoan-viet-quy-ii-di-xuong-ca-ve-mat-diem-so-lan-thanh-khoan-1658755837.jpg
Thị trường chứng khoán Việt quý II đi xuống cả về mặt điểm số lẫn thanh khoản (Ảnh minh họa: Hải Long).

Việc thị trường chứng khoán đi xuống cả về mặt điểm số lẫn thanh khoản đã tác động trực tiếp đến kết quả kinh doanh của nhiều công ty chứng khoán trong quý II.

Thanh khoản đi xuống sẽ khiến doanh thu môi giới cũng như lãi từ việc cho vay margin (ký quỹ) bị sụt giảm. Trong khi đó, thị trường chung đi xuống kèm theo hàng loạt cổ phiếu trong danh mục tự doanh của các công ty chứng khoán cũng sụt giảm giá trị từ đó gây ra những khoản lỗ lớn khi nhóm doanh nghiệp này thực hiện đánh giá chênh lệch các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ FVTPL). Chưa kể đến việc nhiều công ty chứng khoán cũng giao dịch không thành công trong quý II khiến lỗ nặng phần bán tài sản tài chính FVTPL.

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) là một trong những đơn vị điển hình của việc mảng tự doanh "nhấn chìm" toàn bộ kết quả kinh doanh. 

Theo báo cáo tài chính riêng lẻ quý II, VDSC ghi nhận doanh thu hoạt động giảm đến 55% so với cùng kỳ năm 2021 và đạt gần 146 tỷ đồng. Trong kỳ, phần lãi từ các tài sản tài chính FVTPL là âm 20 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ mức lãi này lên đến 143 tỷ đồng. Lỗ từ FVTPL của VDSC tăng vọt lên mức gần 270 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm 2021 con số này chỉ vỏn vẹn 14 tỷ đồng.

Như vậy, công ty lỗ ròng khoảng 290 tỷ đồng từ các tài sản tài chính FVTPL trong quý II và lũy kế 6 tháng con số lỗ là 216 tỷ đồng. VDSC "cầm" nhiều nhất là cổ phiếu DBC của Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam với giá trị 129 tỷ đồng. Các cổ phiếu được VDSC nắm giữ giá trị lớn còn có CTG của VietinBank (95 tỷ đồng), TCB của Techcombank (94 tỷ đồng), ACB của Ngân hàng Á Châu (62 tỷ đồng), HPG của Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (55 tỷ đồng)…

Kết quả, VDSC lỗ sau thuế gần 234 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn lãi gần 149 tỷ đồng. Quý II này cũng là quý có mức lỗ lớn nhất của VDSC kể từ ngày đầu thành lập.

Tương tự, Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cũng vừa có quý báo lỗ lớn nhất kể từ thời điểm quý II/2011 với 297 tỷ đồng. Mảng tự doanh là nguyên nhân chính khiến kết quả kinh doanh của SHS đi xuống khi phần lãi từ các tài sản tài chính FVTPL âm đến 309 tỷ đồng. Phần lỗ từ tài sản tài chính FVTPL là 124 tỷ đồng, tăng vọt so với mức 29 tỷ đồng của cùng kỳ. Như vậy, SHS lỗ ròng 433 tỷ đồng ở mảng này.

nhieu-cong-ty-chung-khoan-lo-rat-lon-o-mang-tu-doanh-1658755901.jpg
Nhiều công ty chứng khoán lỗ rất lớn ở mảng tự doanh (Ảnh minh họa: Hải Long).

Một công ty chứng khoán khác cũng lỗ rất lớn ở mảng tự doanh đó là Chứng khoán APEC (APS). Công ty chứng khoán này lỗ ròng 474 tỷ đồng ở mảng này. Kết quả cuối cùng, APS lỗ sau thuế 363 tỷ đồng. Trong danh mục đầu tư của công ty chứng khoán này có các mã IDJ (Đầu tư IDJ Việt Nam), API (Đầu tư châu Á - Thái Bình Dương), NBB (Năm Bảy Bảy), TCH (Đầu tư dịch vụ tài chính Hoàng Huy), AAT (Tập đoàn Tiên Sơn Thanh Hóa)…

Chứng khoán Tiên Phong (TPS) cũng là "nạn nhân" của đầu tư chứng khoán trong quý II, nhưng khác với các đơn vị kể trên, mảng tự doanh của TPS lỗ "nặng" do đầu tư trái phiếu.

Công ty này lỗ 250 tỷ đồng từ hoạt động mua bán tài sản tài chính (tự doanh). Trong đó, TPS lỗ 135 tỷ đồng từ việc mua bán trái phiếu chưa niêm yết. Riêng việc mua bán trái phiếu của Công ty cổ phần Tập đoàn R&H, một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản có trụ sở tại Hà Nội, khiến TPS lỗ gần 100 tỷ đồng. Hậu quả là TPS lỗ hơn 160 tỷ đồng trong quý II. Khoản lỗ này khiến TPS tạo kỷ lục buồn khi có quý kinh doanh bết bát nhất từ ngày lên sàn chứng khoán.

Rất nhiều công ty chứng khoán khác cũng lâm vào tình trạng lỗ "nặng" khi đầu tư chứng khoán như Chứng khoán Bảo Minh (BMS), Chứng khoán Liên Việt (LVS), hay thậm chí là công ty chứng khoán top thị phần như trường hợp của Chứng khoán VPS (VPS) nhưng do các mảng kinh doanh khác vẫn tăng trưởng tốt nên VPS báo lãi tăng 41% so với cùng kỳ lên hơn 225 tỷ đồng.