Nhà đầu tư yêu cầu F88 mua lại trái phiếu trước hạn
Cụ thể, chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp công bố ngày 28/10, F88 đã có 2 đợt mua lại trái phiếu doanh nghiệp trước ngày đáo hạn (mua lại trước hạn).
Theo đó, F88 đã mua lại 100% theo giá trị phát hành của 2 lô trái phiếu. Lô thứ nhất có mã trái phiếu F88CH2223004, mệnh giá 100 triệu đồng, giá trị phát hành 100 tỷ đồng, ngày phát hành 25/2/2022, kỳ hạn 12 tháng tương ứng ngày đáo hạn 25/2/2023. F88 đã mua 1000 trái phiếu vào ngày 24/10 để đưa số lượng trái phiếu của lô về 0.
Lô thứ hai có mã trái phiếu F88CH2223001, mệnh giá 100 triệu đồng, giá trị phát hành 30 tỷ đồng, ngày phát hành 27/1/2022, kỳ hạn 12 tháng tương ứng ngày đáo hạn 27/1/2023. F88 đã mua 300 trái phiếu vào ngày 27/10 để đưa số lượng trái phiếu theo mã về 0.
Như vậy trong 3 ngày, F88 đã chi tổng cộng 130 tỷ đồng để mua trước hạn 2 lô trái phiếu vừa phát hành huy động vốn hồi đầu năm.
F88 cho biết công ty công bố thông tin mua lại trái phiếu trước hạn căn cứ theo quy định tại Thông tư số 122/2020/BTC-TT ngày 31/12/2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ công bố thông tin và báo cáo theo quy định tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Ngoài ra, cập nhật mới nhất ngày 3/11, F88 cũng công bố thông tin sẽ mua lại trái phiếu trước hạn. Đó là lô trái phiếu F88CH2223002, khối lượng dự kiến mua lại 20 tỷ đồng, phương lại tổ chức là mua lại trước hạn theo yêu cầu của nhà đầu tư. Thời gian thực hiện mua lại dự kiến vào 21/11/2022.
F88 có gì?
F88 là doanh nghiệp được thành lập vào năm 2013, theo giới thiệu của công ty là đơn vị tiên phong trên thị trường cầm đồ Việt Nam và hiện có hệ thống các điểm giao dịch cầm đồ trên cả nước.
Cập nhật đến cuối tháng cuối tháng 10/ 2022, F88 có 800 phòng giao dịch cầm đồ, trong đó, tập trung chủ yếu ở phía Bắc và hiện đang mở rộng hơn về thị trường miền Nam.
Trong khoảng 3 năm gần đây, F88 đã tăng tốc mở rộng phát triển mạng lưới để qua đó tăng trưởng dư nợ. Vào tháng 12/2020, F88 có 300 phòng giao dịch. Một năm sau, số lượng phòng giao dịch của F88 là 500. Công ty cán mốc 700 phòng giao dịch, chính thức “phủ sóng” khắp 63 tỉnh thành vào tháng 4/2021. Trong kế hoạch của mình, F88 đặt mục tiêu cuối năm 2022, đầu năm 2023 sẽ mở rộng lên 1.000 phòng giao dịch trên toàn quốc.
Theo chia sẻ của ông Phùng Anh Tuấn – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Kinh doanh F88 - dự kiến, năm 2024, F88 sẽ xây dựng 1.500 phòng giao dịch trên toàn quốc. Trước đó, khi nói về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, ông Tuấn cũng cho biết: "“Huy động vốn trên thị trường trái phiếu trong nước nằm trong chiến lược nguồn vốn dài hạn của công ty, vận dụng bài học thành công từ các công ty cho vay cầm cố hàng đầu tại Mỹ (First Cash), Thái (Srisawad) và Singapore (Maxicash). Việc phát hành trái phiếu thành công giúp cho F88 bổ sung nguồn vốn cần thiết để đáp ứng tốc độ tăng trưởng của hoạt động cho vay cầm cố của công ty. Kết quả này thể hiện sự quan tâm và đánh giá cao của nhà đầu tư về hiệu quả và uy tín của F88".
F88 cũng thông tin nhân sự là hơn 5.000 người; Phục vụ hàng triệu khách hàng; Quy mô dư nợ 9 tháng đầu năm 2022 tăng gần 88% so với cùng kỳ năm trước.
“Trong kế hoạch chung, đến năm 2024, F88 sẽ chính thức IPO với quy mô vốn hoá kỳ vọng đạt 1 tỷ USD”, thông tin công bố trên website chính thức của F88 nêu.
Tuy nhiên, ngoài tăng trưởng về quy mô dư nợ, mạng lưới hoạt động kể trên, các số liệu tài chính khác không được F88 cập nhật cụ thể.
Về huy động nợ trái phiếu của F88
Được biết, CTCP Kinh doanh F88 là công ty con của CTCP Đầu tư F88, đơn vị đã nhận vốn đầu tư ngoại từ Mekong Enterprise Fund III (2016) và Granite Oak (2018). Công ty “nổi lên là hiện tượng mới trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam và thiết lập được mối quan hệ chặt chẽ với nhiều ngân hàng đầu tư và các tổ chức tài chính khác". Năm 2019, F88 đã phát hành thành công 200 tỷ đồng trái phiếu (tương đương với trên 8,5 triệu USD)”, theo F88.
Một số các đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ của F88, đã liên tục diễn ra sau đó. Tháng 7/2020, F88 công bố đã hoàn thành tiếp đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ với tổng giá trị 108,3 tỷ đồng. Trái phiếu này được phát hành dưới hình thức bút toán điện tử, lãi suất 12,5%/ năm. Tại thời điểm đó, huy động nợ của F88 là 300 tỷ đồng.
Đến tháng 8/2021, ghi nhận F88 có tổng số lượng trái phiếu đã phát hành 700 tỷ đồng.
Tháng 10/2021, Công ty được FiinRatings thông báo kết quả Xếp hạng Tín nhiệm Dài hạn Nhà phát hành lần đầu đối với F88 ở mức BBB- với triển vọng Ổn định.
Theo FiinRatings đánh giá, F88 có khả năng sinh lời cao với mức đòn bẩy tài chính ở mức phù hợp: Tại thời điểm cuối tháng 6/2021, mức đòn bẩy tài chính của F88 được đo lường bằng tỷ lệ Nợ vay/ Vốn chủ sở hữu khoảng 3,5 lần và dự kiến sẽ duy trì ở mức tương đương vào cuối năm 2021, mặc dù cao hơn năm 2020 do tốc độ tăng trưởng nhanh của quy mô hoạt động cho vay. Công ty đang có kế hoạch huy động vốn cổ phần vào đầu năm 2022 từ nhà đầu tư chiến lược để tài trợ cho các kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh (tuy nhiên cho đến hiện nay F88 chưa cập nhật thông tin huy động vốn cổ phần chiến lược này).
Đến đầu tháng 11/2021, F88 công bố công ty vừa huy động thành công vốn qua kênh trái phiếu riêng lẻ, nâng tổng giá trị thu về lên khoảng 900 tỷ đồng sau đợt phát hành lần thứ 9 trong năm 2021. Được biết, số tiền thu được từ đợt phát hành là để sử dụng cho hoạt động kinh doanh, cho vay cầm cố, bổ sung vốn lưu động.
Các lô trái phiếu mà F88 vừa mua lại trong tháng 10/2022, thuộc các đợt phát hành sau khi nhận xếp hạng tín nhiệm trên. Loại trái phiếu trong các đợt phát hành của F88 hầu hết là trái phiếu riêng lẻ, không có tài sản đảm bảo, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo và không chuyển đổi (4 không).
Tại thời điểm hiện nay, trên website của F88 hiện vẫn đang giới thiệu về trái phiếu F88 với các điểm nổi bật như: “Lãi suất luôn ở mức cạnh tranh so với trái phiếu đối thủ (lợi suất tối đa 12%); Minh bạch thông tin; Bảo lãnh thanh toán; Được xếp hạng tín nhiệm bởi FiinRatings. Triển vọng: Ổn định; Đối tác phát hành trái phiếu là các tổ chức uy tín như các công ty chứng khoán, ngân hàng”.
Ngoài ra, F88 cũng trả lời sẵn câu hỏi “Làm thế nào để đảm bảo dòng tiền đầu tư qua hình thức trái phiếu của khách hàng đến đúng địa chỉ và sử dụng đúng mục đích?” là: “Dòng tiền đầu tư của khách hàng sẽ chuyển vào tài khoản chính thức của F88 mở tại VPBank. VPBank sẽ quản lý tài khoản đầu tư của F88. Mỗi giao dịch giải ngân để sử dụng tiền đều phải có hồ sơ chứng minh đúng mục đích cam kết ở mỗi đợt phát hành trái phiếu”.
Trước đó, như đã đề cập, trái phiếu F88 được nhiều người biết khi gắn với tên tuổi của hoa hậu Mai Phương Thúy, theo thông tin nàng hậu đất Cảng xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng với nội dung chi cả chục tỷ đồng mua trái phiếu của chuỗi cầm đồ. Điển hình nhất ở giai đoạn 2019, Mai Phương Thúy đã chi chục tỷ cho trái phiếu F88. Hoa hậu Mai Phương Thúy khi đó khẳng định: "Tiêu chí đầu tư của Thúy là lựa chọn các công ty chú trọng phát triển về công nghệ, được định hướng phát triển bài bản và phải đặt tính trung thực lên hàng đầu. Chính vì vậy mà Thúy đã tìm hiểu về công ty F88 rất lâu rồi, từ hồi Mekong Capital đầu tư. Thúy thấy F88 rất tiềm năng trong việc phát triển thị trường tài chính cá nhân ở Việt Nam nên khi thấy có cơ hội đầu tư là Thúy đầu tư ngay”.
Theo kế hoạch, để đạt mục tiêu 1.500 phòng giao dịch cầm đồ trên toàn quốc, F88 muốn huy động thêm 4.000 tỷ nợ vay. Nếu trừ đi khoản vốn vay 10 triệu USD từ một tổ chức cho vay tại Anh mà công ty này công bố tiếp nhận đầu 2022, và các khoản đã huy động qua trái phiếu kể trên, thì nhu cầu vốn, dự kiến qua kênh phát hành trái phiếu của F88 vẫn còn tới gần 3.000 tỷ đồng.
Trong khi kết quả kinh doanh ghi nhận lợi nhuận dù thoát âm vẫn 3 năm duy trì ở mức thấp, hệ số nợ phải trả/ vốn chủ sở hữu tăng, các yêu cầu mua lại trái phiếu trước hạn của các trái chủ lại diễn ra có thể khiến F88 đối mặt với rủi ro khi phải sắp xếp lại dòng tiền để mua trái phiếu chưa đến kỳ đáo hạn. Trường biên lợi nhuận của Công ty cũng có thể bị suy giảm khi chi phí sử dụng vốn vay tăng; chưa kể khó khăn của môi trường kinh doanh và thanh khoản ở nhiều lĩnh vực đang tác động đến đầu tư, chi tiêu theo chiều hướng xấu đi, cũng có nguy cơ khiến chất lượng khoản vay của công ty suy giảm.