Công ty Mangan Cao Bằng tiếp tục bị tố xâm phạm đất của nhiều hộ dân

Nhiều hộ dân tại xã Quang Trung tiếp tục bức xúc vì những việc làm xâm phạm đất đai của Công ty Mangan Cao Bằng.
cong-ty-mangan-cao-bang-tiep-tuc-bi-to-xam-pham-dat-cua-dan-trong-qua-trinh-khai-thac-khoang-san-1676433150.jpg

Công ty Mangan Cao Bằng tiếp tục bị tố xâm phạm đất của dân trong quá trình khai thác khoáng sản. Ảnh: An Trịnh.

Sau bài phản ánh "Công ty Mangan Cao Bằng đào hầm lò xâm phạm vào đất của dân", nhiều hộ dân đang sinh sống, sở hữu đất tại khu vực này tiếp tục có thông tin gửi đến phóng viên Báo Lao Động.

Theo đó, vào năm 2008, công ty này được UBND tỉnh cho thuê đất khai thác quặng Mangan tại các xóm Lũng Giạng, Lũng Nậm; xưởng sơ chế và bãi chứa quặng tại xóm Tốc Tát, xã Quang Trung, huyện Trà Lĩnh (nay là thôn Ga, huyện Trùng Khánh).

mot-trong-hai-cua-ham-lo-phia-cong-ty-van-dang-khai-thac-1676433183.jpg

Một trong hai cửa hầm lò phía công ty vẫn đang khai thác.

Năm 2009, UBND huyện Trà Lĩnh cũ đã có quyết định số 46/QĐ-UBND thu hồi 66.728,5 m2 đất rừng, vị trí thửa đất tại xóm Tốc Tát, thửa đất số 198, tờ bản đồ số 02 của ông Nông Xuân Thanh, trú tại xóm Tắng Giường - Ngã Tư, xã Quang Trung để giao cho Công ty Mangan Cao Bằng làm xưởng sơ chế và bãi chứa quặng.

Cấp phép là thế, công ty này đã tự ý đào sâu 2 giếng (hầm lò) để khai thác quặng. Theo số liệu tại biên bản làm việc ngày 20.12.2021, 2 hầm lò này có chiều rộng 3m, cao 2,5m và có độ sâu lần lượt là 320m, 280m. Tuy nhiên theo lời bà Nông Thị Ngoan (người đại diện các hộ dân gửi đơn khiếu nại), lần kiểm tra ngày 20.12.2021 này tất cả các hộ dân đang có tranh chấp với Công ty Mangan Cao Bằng đều không được chứng kiến quá trình đo đạc.

nhung-xe-quang-cho-day-cay-xoi-cuon-bui-tren-duong-1676433214.jpg

Những xe quặng chở đầy cày xới, cuốn bụi trên đường.

Cũng theo biên bản làm việc, đoàn kiểm tra bao gồm đại diện Sở TNMT, UBND huyện Trùng Khánh và các bên liên quan đã chỉ ra phía doanh nghiệp thiếu các hồ sơ như thiết kế bản vẽ thi công khai thác hầm lò được phê duyệt, giấy phép khai thác khoáng sản, hợp đồng thuê đất... và đề nghị cung cấp bổ sung.

Theo ông Nông Hoàng Đông (trú thôn Ga, xã Quang Trung) bức xúc: "Tôi cùng 4 hộ dân khác có đất đang tranh chấp cùng Công ty Mangan, nhiều lần gửi khiếu nại nhưng vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm".

ong-nong-hoang-dong-cung-nhung-la-don-khieu-nai-1676433243.jpg

Ông Nông Hoàng Đông cùng những lá đơn khiếu nại.

Cũng theo ông Đông, các cơ quan như Sở TNMT hay UBND tỉnh Cao Bằng nhiều năm qua không hề giải quyết cho người dân mặc dù họ đã nhiều lần gửi đơn khiếu nại. 

Cực chẳng đã, những hộ dân phải ra lập lán trại, canh giữ 1 cửa hầm lò với mong muốn cơ quan chức năng sớm vào cuộc giải quyết thỏa đáng.

Bà Nông Thị Ngoan cho biết, bà đến UBND tỉnh Cao Bằng, tố cáo Công ty Mangan Cao Bằng đào sâu 2 hầm lò kể trên đã xâm phạm vào lòng đất nằm trong ranh giới của lô đất có GCNQSDĐ  số AG 946769 do UBND huyện Trà Lĩnh cũ cấp ngày 18.6.2008.

hai-ham-lo-ma-cong-ty-mangan-cao-bang-dang-khai-thac-1676433272.jpg

Hai hầm lò mà Công ty Mangan Cao Bằng đang khai thác.

Đáp lại, UBND tỉnh Cao Bằng đã ban hành văn bản 488 để trả lời những khiếu nại công dân, tại văn bản này tỉnh Cao Bằng thừa nhận việc người dân tố 2 hầm lò xâm phạm vào lô đất AG 946769 là có cơ sở. Tuy nhiên cũng tại văn bản 488, UBND tỉnh Cao Bằng khẳng định doanh nghiệp chỉ tác động vào đất ngầm mà không tác động lên đất bề mặt của lô đất AG 946769 nên doanh nghiệp sẽ không phải đền bù, giải phóng mặt bằng hay làm thủ tục thuê đất.

"Trong văn bản 488, chúng tôi cho rằng có nhiều điểm mâu thuẫn trong lời nói, việc xâm phạm đất của dân là có cơ sở nhưng việc đền bù thì lại không khiến người dân chúng tôi thấy không thoả đáng" - bà Ngoan bức xúc nói.

bai-tap-ket-quang-mangan-1676433321.jpg

Bãi tập kết quặng mangan.

Trao đổi với PV, ông Hoàng Văn Hào - Phó Chủ tịch UBND huyện Trùng Khánh cho biết: "Vụ việc nhà bà Ngoan và Công ty Mangan Cao Bằng khiếu kiện tranh chấp đã kéo dài mấy năm nay, ở cấp địa phương chúng tôi đã nhiều lần vận động hoà giải nhưng không thành".

Cũng theo ông Hào, về lâu dài địa phương mong các cơ quan quản lý cấp cao hơn sẽ tìm ra hướng xử lý dứt điểm vấn đề giữa các bên.

Trao đổi với PV, LS Trần Đại Lâm (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đã có những nhận xét ban đầu liên quan đến đơn thư tố cáo của các hộ dân.

Theo LS Lâm, trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền tại Cao Bằng chỉ cấp đất cho Công ty Mangan Cao Bằng làm xưởng sơ chế và bãi chứa quặng thì Công ty này chỉ được sử dụng đất vào mục đích như trên. Nếu sử dụng đất sai mục đích là vi phạm điều cấm của Luật đất đai được quy định tại Điều 12.3 của Luật đất đai 2013.

Thứ hai, một trong những quyền của người sử dụng đất là quyền được nhà nước bảo hộ khi người khác xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp về đất đai của mình (Điều 166.5 của Luật đất đai 2013). Do đó trường hợp các hộ gia đình bị lấn chiếm theo như lời bà Ngoan đã trình bày thì cơ quan chức năng cần tiến hành điều tra để xử lý theo quy định.

Cũng theo LS Lâm, việc sử dụng đất cho hoạt động khai thác khoáng sản phải có giấy phép hoạt động khoáng sản, có quyết định thuê đất và cấp phép theo quy định của Luật Đất đai 2013 và Luật Khoáng sản 2010.

Trường hợp người dân phản ánh Công ty Mangan Cao Bằng không thực hiện theo đúng giấy phép hoạt động/không có giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản thì cơ quan chức năng tỉnh Cao Bằng cần thanh tra, kiểm tra làm rõ có tình trạng sai phạm như người dân phản ánh hay không. Nếu sau quá trình thanh tra phát hiện có sai phạm thì cần tiến hành xử phạt theo quy định.