Khu đất 39 – 39B Bến Vân Đồn, phường 12, quận 4, thành phố Hồ Chí Minh được xác nhận là tài sản công. |
Doanh nghiệp có vốn điều lệ 6 tỷ đồng kinh doanh khu đất vàng 6.200m2
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, nguồn gốc khu đất 39 – 39B Bến Vân Đồn, phường 12, quận 4, thành phố Hồ Chí Minh do doanh nghiệp Nhà nước quản lý. Năm 2009, Tổng Công ty Cao su Đồng Nai và Công ty Cao su Bà Rịa cùng góp vốn thành lập Công ty TNHH Phú Việt Tín (Công ty Phú Việt Tín) có địa chỉ trụ sở chính 39 - 39B Bến Vân Đồn. Trong đó, Tổng Công ty Cao su Đồng Nai góp 4.32 triệu đồng (chiếm 72%) và Công ty Cao su Bà Rịa góp 1.68 triệu đồng (chiếm 28%).
Ngày 29/12/2009, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho Công ty TNHH có hai thành viên trở lên là Công ty Phú Việt Tín. Ngày 25/3/2010, UBND thành phố có Quyết định thu hồi và giao khu đất tại số 39 - 39B Bến Vân Đồn cho Công ty Phú Việt Tín đầu tư, kinh doanh theo quy hoạch. Với số vốn chỉ 6 tỷ đồng để thực hiện đầu tư kinh doanh trên khu đất vàng rộng hơn 6.200m2 vào thời điểm 2010.
Kết quả Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra Công ty Phú Việt Tín không lập dự án đầu tư là vi phạm Khoản 1, Điều 6, Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/2/2009 của Chính phủ. Việc UBND thành phố có quyết định thu hồi, giao đất và chỉ định Công ty Phú Việt Tín (pháp nhân mới) làm nhà đầu tư thực hiện dự án số 39-39B Bến Vân Đồn mà không thông qua đấu giá là không đúng với Luật Đất đai 2003 và Thông tư số 03/2009 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Một trong các quyết định của Hội đồng quản trị Công ty Quốc Cường Gia Lai liện quan tới khu đất 39 – 39 B Bến Vân Đồn, quận 4, thành phố Hồ Chí Minh. |
Cũng liên quan tới khu đất này, ngày 25/3/2021 Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo Thanh tra Chính phủ bổ sung một số nội dung liên quan đến phương án sắp xếp, xử lý nhà đất; việc đầu tư dự án của Công ty Phú Việt Tín; việc sáp nhập Công ty Phú Việt Tín vào doanh nghiệp khác...
“Tuy nhiên, theo báo cáo của các sở, ngành của thành phố thì vị trí đất này đã được chuyên đổi chủ sử dụng nhiều lần, chuyển nhượng cổ phần từ các Công ty Cao su Đồng Nai và Bà Rịa cho một số doanh nghiệp khác qua thời gian dài; vì điều kiện về thời gian và phạm vi theo kế hoạch tiến hành thanh tra của Đoàn Thanh tra, do đó Đoàn Thanh tra chưa tiến hành kiểm tra chi tiết các nội dung này.
Thanh tra Chính phủ nhận thấy, vị trí nhà đất trên là tài sản công, việc giải quyết phải được thực hiện theo phương án sắp xếp, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước đã được phê duyệt. Vì vậy, Thanh tra Chỉnh phủ đề nghị Bộ Tài chính tiến hành kiểm tra có biện pháp để xử lý theo đúng pháp luật; trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện dấu hiệu hình sự gây thiệt hại tài sản nhà nước thì chuyển hồ sơ, tài liệu đến cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật, không để thất thoát tài sản của nhà nước”, nội dung Kết luận Thanh tra 757 nêu rõ.
Khu đất 39 – 39 B Bến Vân Đồn là đất công
Báo cáo kết quả thực hiện Kết luận Thanh tra 757, Sở Tài Nguyên Môi trường thành phố Hồ Chí Minh giải trình: Nhà đất nêu trên thuộc tài sản công và bản chất của việc này là nhà nước cho phép doanh nghiệp nhà nước được tiếp tục sử dụng đất theo quy hoạch mà hoàn toàn không phải là việc giao đất cho đối tượng khác không thông qua đấu giá.
Chung cư cao tầng đã được xây dựng và bán cho người sử dụng từ khu đất 39 – 39 B Bến Vân Đồn, phường 12, quận 4, thành phố Hồ Chí Minh. |
Tuy nhiên, Sở Tài nguyên Môi trường thành phố cũng không đưa ra được hướng giải quyết sắp xếp tài sản công ra sao mà chỉ nêu các văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, việc xử lý tài sản công này đến nay vẫn còn nhiều ý kiến nhưng thực tế thì dự án đã được doanh nghiệp có năng lực hoàn thành và bán cho người sử dụng.
Liên quan đến khu đất số 39 - 39B Bến Vân Đồn, năm 2015 bà Nguyễn Thị Như Loan – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai (Quốc Cường Gia Lai) đã ký văn bản gửi Sở Giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) giải trình về việc thiếu sót, không công bố thông tin về những giao dịch lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Trong đó có giao dịch chuyển nhượng cổ phần của Quốc Cường Gia Lai trong Công ty Phú Việt Tín.
Cụ thể ngày, 4/8/2014 bà Nguyễn Thị Như Loan ra quyết định cử chính mình làm đại diện phần vốn góp 5,94 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 99% vốn của Công ty Phú Việt Tín. Đến ngày 3/9/2014, bà Loan lại ký quyết định của HĐQT Công ty Quốc Cường Gia Lai chuyển nhượng 30 triệu đồng vốn góp (tương đương với 0,5% vốn điều lệ) trong Công ty Phú Việt Tín với giá 3 tỷ đồng cho cho một cá nhân khác.
Hai tháng sau, ngày 14/11/2014, HĐQT Công ty Quốc Cường Gia Lai ra quyết định chuyển nhượng 94% phần vốn góp của mình trong Công ty Phú Việt Tín cho 2 doanh nghiệp khác thu về 800 tỷ đồng. Sau phi vụ mua bán loằng ngằng, chuyển nhượng cổ phần, Công ty Quốc Cường Gia Lai đã thu lãi khủng bởi đã thôn tính được khu đất 39 – 39B Bến Vân Đồn từ doanh nghiệp nhà nước. Và bằng cách nào đó, Công ty Quốc Cường Gia Lai đã mua được 100% vốn điều lệ tại Công ty Phú Việt Tín để sở hữu khu đất và bán lại cho các tổ chức khác thu lợi lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Dư luận đặt câu hỏi, vì sao doanh nghiệp tư nhân có thể dễ dàng mua được tài sản nhà nước với giá rẻ mạt và Công ty Phú Việt Tín được giao đất phát triển dự án mà không lập dự án đầu tư, vi phạm các quy định pháp luật như Thanh tra Chính phủ đã kết luận ở trên.