Covid-19 thế giới 20/10: Nga đề xuất 1 tuần không làm việc; Pfizer báo tin vui với trẻ 12-18 tuổi; vì sao Ấn Độ hoãn giao vaccine cho COVAX?

Theo trang thống kê Worldometers, đến nay, toàn cầu ghi nhận hơn 242,3 triệu người nhiễm Covid-19, trong đó có xấp xỉ 4,93 triệu ca tử vong và gần 219,7 triệu bệnh nhân bình phục.

Vaccine Pfizer/ BioNTech phòng Covid-19 có hiệu quả 93% trong việc ngăn ngừa nhập viện ở những người từ 12-18 tuổi. (Nguồn: CTV News)

Tình hình dịch Covid-19

Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu sự tác động nặng nề nhất của dịch Covid-19 với số ca nhiễm tiệm cận 46 triệu, trong đó có hơn 748.652 ca tử vong.

Xếp thứ hai thế giới về số ca nhiễm là Ấn Độ với 34,1 triệu ca, trong đó có hơn 452.600 ca tử vong. Brazil đứng thứ ba với gần 21,66 triệu ca nhiễm và gần 603.900 ca tử vong.

Trong 24 giờ qua, Mỹ là nước ghi nhận số ca mắc mới cao nhất thế giới (71.809 ca), tiếp sau là Anh (43.738 ca), Nga (33.740 ca), Thổ Nhĩ Kỳ (30.862 ca).

* Tại Mỹ, Bộ trưởng An ninh Nội địa Alejandro Mayorkas có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 dù đã được tiêm đầy đủ vaccine ngừa Covid-19, tuy nhiên chưa tiêm mũi tăng cường.

Ông Mayorkas, 61 tuổi, hiện chỉ bị các triệu chứng nhẹ, phải cách ly, làm việc tại nhà và là quan chức mới nhất trong chính quyền Mỹ thông báo nhiễm Covid-19.

* Ở Nga, trong 24 giờ qua có 1.015 ca tử vong vì Covid-19, cao nhất từ khi dịch xuất hiện tại nước này, nâng tổng số người không qua khỏi vì đại dịch lên 225.325 trường hợp trong tổng số hơn 8 triệu ca mắc.

Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko cho biết, tỷ lệ trẻ em vị thành niên mắc Covid-19 đang tăng đáng kể so với năm ngoái và gần 1 nửa số trường hợp xuất hiện các biểu hiện lâm sàng rõ rệt. Do vậy, khối lượng công việc của ngành nhi khoa cũng đang tăng lên.

Ngày 19/10, Phó Thủ tướng Nga Tatyana Golikova đã đề nghị 1 tuần không làm việc từ 30/10-7/11 trên toàn quốc, để ngăn chặn tình trạng lây nhiễm Covid-19.

Thừa nhận đây là biện pháp khó khăn, song bà Golikova hy vọng chính phủ và người dân ủng hộ để nhanh chóng dập dịch. Dự kiến, bà Golikova đệ trình đề xuất này lên Tổng thống Vladimir Putin trong cuộc họp diễn ra ngày hôm nay (20/10).

Cùng ngày, chính quyền thành phố Moscow cũng ban hành loạt biện pháp cứng rắn để kiểm soát dịch. Theo đó, những người từ 60 tuổi trở lên chưa tiêm vaccine Covid-19 sẽ phải làm việc tại nhà; các doanh nghiệp, công sở buộc phải duy trì 30% số nhân viên làm việc từ xa.

Dự kiến, các biện pháp cứng rắn trên sẽ kéo dài từ 25/10/2021-25/2/2022.

Bộ trưởng Murashko lưu ý, phần lớn bệnh nhân Covid-19 ở Nga là những người chưa được tiêm chủng kịp thời, với tỷ lệ gia tăng ca mắc trong tuần qua là 12%.

Thống kê của Hội đồng điều phối chính phủ phòng chống Covid-19 Nga cho biết, tỷ lệ miễn dịch cộng đồng tại nước này ước tính đạt 45%.

Tính đến ngày 15/10, hơn 51 triệu người dân tại Nga đã tiêm mũi vaccine Covid-19 đầu tiên, hơn 47,5 triệu dân được tiêm đủ liều. Tại thủ đô Moscow, tỷ lệ miễn dịch cộng đồng đạt 61% với gần 5,2 triệu người tiêm mũi thứ nhất và gần 4,8 triệu dân đã tiêm đủ 2 liều.

* Ngày 19/10, một số quốc gia châu Âu khác cũng ghi nhận số ca tử vong tăng cao.

Ukraine ghi nhận dấu mốc buồn khi có thêm 538 ca tử vong trong 24 giờ qua, mức cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát. Tới nay, nước này đã có hơn 2,6 triệu ca mắc và 61.000 ca tử vong vì Covid-19.

Ukraine đang nỗ lực thuyết phục người dân loại bỏ tâm lý hoài nghi để đi tiêm chủng. Chiến dịch tiêm chủng cũng gặp trở ngại do vấn nạn làm giả giấy chứng nhận tiêm vaccine và xét nghiệm PCR.

Theo số liệu của chính phủ, hiện mới chỉ 16% dân số Ukraine đã được tiêm đủ liều vaccine.

Bulgaria cũng thông báo có thêm 4.979 ca mới, mức tăng cao nhất được ghi nhận trong một ngày, trong bối cảnh biến thể Delta đang lây lan mạnh. Số ca tử vong cũng tăng lên 22.488 ca sau khi có thêm 214 người không qua khỏi.

Trong khi đó, tỷ lệ tiêm chủng của nước này vẫn ở mức thấp do tâm lý hoài nghi vaccine. Hiện mới chỉ có 24% dân số trưởng thành được tiêm đủ liều, so với mức trung bình là 74% ở Liên minh châu Âu (EU).

Hơn 6.200 người đang phải điều trị nội trú, trong đó có 537 bệnh nhân được điều trị tích cực.

Romania ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỷ lục 18.863 ca, trong đó có 574 ca tử vong, cũng là mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát.

Bộ Y tế Israel thông báo ca đầu tiên nhiễm biến thể phụ của chủng Delta AY.4.2, vốn được đánh giá là rất hiếm gặp bên ngoài nước Anh. Chính phủ Anh cũng cho biết đang theo dõi sự gia tăng của biến thể phụ này trong số ca nhiễm mới Covid-19.

Vaccine Covid-19

Reuters đưa tin, theo phân tích công bố ngày 19/10 của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, vaccine Pfizer/ BioNTech phòng Covid-19 có hiệu quả 93% trong việc ngăn ngừa nhập viện ở những người từ 12-18 tuổi.

Nghiên cứu được CDC Mỹ thực hiện từ tháng 6-9, khi biến thể Delta dễ lây lan chiếm ưu thế tại nước này.

Kết quả các thử nghiệm của Pfizer và BioNTech cũng cho thấy nhóm tuổi 12-18 có phản ứng miễn dịch cao chống lại virus sau tiêm vaccine.

Ngoài ra, theo dữ liệu từ 19 bệnh viện nhi, trong số 179 bệnh nhân nhập viện vì Covid-19, 97% chưa được tiêm chủng. Dữ liệu này một lần nữa khẳng định thêm hiệu quả của vaccine.

Cũng theo thống kê, có 16% bệnh nhân nhập viện vì Covid-19 với triệu chứng nặng đến mức cần hỗ trợ sự sống, tuy nhiên, trong số này, không có người nào tiêm vaccine.

Cùng ngày, Reuters dẫn 2 nguồn tin cho biết, Ấn Độ đã hoãn cam kết cung cấp vaccine Covid-19 cho cơ chế tiếp cận vaccine toàn cầu COVAX, một ngày sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết sẽ không "cắt ngắn giai đoạn" để cấp phép sử dụng vaccine Covaxin do Ấn Độ tự bào chế.

Nguồn cung vaccine cho COVAX bị đình trệ có thể gây xáo trộn các nỗ lực tiêm phòng ở nhiều nước châu Phi, vốn dựa vào cơ chế này.

Trước đó, Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII), nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, đã ký các hợp đồng cung cấp hàng trăm triệu liều vaccine của hãng AstraZeneca cho COVAX.

Tại Hàn Quốc, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, số lượng bệnh nhân đăng ký điều trị các bệnh về tinh thần đã tăng đáng kể so với năm 2020, gồm các bệnh trầm cảm, rối loạn giấc ngủ (mất ngủ), rối loạn hoảng sợ, rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) và rối loạn tic (tic disorder).

Bên cạnh đó, chi phí y tế bình quân đầu người cho bệnh nhân tâm thần cũng tăng lên.