COVID-19 tới 6 giờ 2/10: Thế giới trên 4,8 triệu ca tử vong; Dịch diễn biến nặng trở lại ở Nga

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 429.518 trường hợp mắc COVID-19 và 6.754 ca tử vong. Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu xấp xỉ 235 triệu ca, trong đó trên 4,8 triệu người không qua khỏi.

Tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Moskva, Nga, ngày 30/9/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 2/10 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 234.990.562 ca, trong đó có 4.804.446 người tử vong.

Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh và tử vong trong ngày tiếp tục xu thế chững lại trên phạm vi toàn cầu, những vùng dịch “nóng nhất” ở châu Á và châu Âu, trong khi số ca tử vong cũng có xu thế giảm.

Nhiều nước Á-Âu tình hình vẫn đáng ngại với sự bùng phát của biến chủng virus Delta hết sức nguy hiểm. Đặc biệt, Mỹ, Ấn Độ, Iran, Anh và Brazil số ca mắc mới vẫn cao một cách báo động. Mỹ lại quay lại vị trí quốc gia có số ca mắc mới trong ngày cao nhất thế giới với trên 90.000 ca, trong khi số ca tử vong cũng dẫn đầu với trên 1.000 trường hợp, tức là giảm mạnh so với thời gian trước.

Nga một lần nữa chứng kiến dịch bùng phát mạnh khi số ca tử vong trong ngày cao thứ hai thế giới, với xấp xỉ 900 trường hợp trong số trên 24.000 ca dương tính ngày 1/10.

Tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Moskva, Nga, ngày 30/9/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 211 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 18 triệu ca và trên 98.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 1/10, thế giới có 124 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 102 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với trên 718.000 ca tử vong trong tổng số 44.406.071 ca. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 448.300 ca tử vong trong số 33.768.516 ca. Brazil đứng thứ 3 với 597.255 ca tử vong trong số 21.427.073 ca.

Tính theo tỷ lệ dân số, Peru là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 605 người tử vong. Tiếp đến là Bosnia-Herzegovina với 323 người và CH Bắc Macedonia với 320 người/100.000 dân.

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Saint Petersburg, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

Xét theo khu vực, Mỹ Latinh và Caribe hiện có hơn 1,4 triệu ca tử vong trong hơn 44,9 triệu ca. Tiếp đến là châu Âu, có hơn 67,8 triệu người mắc COVID-19, trong đó có hơn 1,3 triệu ca tử vong. Châu Á ghi nhận hơn 1,1 triệu ca tử vong trong hơn 75,9 triệu ca. Bắc Mỹ có hơn 1 triệu ca tử vong trong hơn 53,2 triệu ca. Châu Phi ghi nhận hơn 211.800 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại Dương là hơn 2.900 người.

Ngày 1/10, Nhật Bản đã dỡ bỏ hoàn toàn tình trạng khẩn cấp áp dụng tại thủ đô Tokyo và 18 tỉnh tại nước này, đồng thời dỡ bỏ tình trạng bán khẩn cấp tại các vùng còn lại trên cả nước. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 4/2021, toàn bộ 47 tỉnh tại Nhật Bản không phải áp dụng lệnh tình trạng khẩn cấp ở bất kỳ hình thức nào.

Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch nới lỏng từng bước các biện pháp hạn chế để nối lại các hoạt động kinh tế và xã hội song song với các biện pháp phòng chống làn sóng dịch bệnh COVID-19 tiếp theo. Khi lệnh tình trạng khẩn cấp dần được dỡ bỏ, lĩnh vực du lịch của Nhật Bản cũng có dấu hiệu khởi sắc với số lượng đặt chỗ các chương trình du lịch trong nước bắt đầu tăng, trong khi các nhà hàng và các công viên chủ đề chuẩn bị đón số lượng khách dự kiến sẽ tăng.

Người dân chờ xét nghiệm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Trong diễn biến trái chiều, Hàn Quốc sẽ duy trì các quy định giãn cách xã hội cứng rắn trên toàn quốc thêm 2 tuần nữa, trong bối cảnh các ca COVID-19 mới gia tăng. Kế hoạch gia hạn sẽ có hiệu lực từ ngày 4/10, theo đó khu vực Seoul và vùng phụ cận sẽ vẫn giãn cách xã hội mức cao nhất (cấp độ 4), trong khi phần còn lại của đất nước sẽ giãn cách ở cấp độ 3.

Các quán cà phê và nhà hàng trong khu vực thủ đô sẽ được phép hoạt động đến 22h, người dân được phép tham gia các cuộc tụ tập ở khu vực thủ đô sau 18h với tối đa 6 người, trong đó phải có ít nhất 4 người đã được tiêm chủng đầy đủ. Tuy nhiên, Thủ tướng Hàn Quốc cho biết các quy định về số người tham dự các sự kiện như đám cưới, tiệc thôi nôi cũng như đến các địa điểm thể thao ngoài trời sẽ được sửa đổi một phần căn cứ vào số người được tiêm phòng đầy đủ trong bối cảnh tiếp tục có nhiều lời phàn nàn về việc hạn chế tụ tập.

Tương tự, Hy Lạp thông báo sẽ áp dụng lệnh giới nghiêm ban đêm và cấm tổ chức biểu diễn nhạc tại các quán bar, cafe và nhà hàng ở thành phố Thessaloniki. Quy định mới được ban hành sau khi số ca mắc mới COVID-19 tại thành phố lớn thứ 2 tại Hy Lạp gia tăng. Bộ Bảo vệ dân sự Hy Lạp cho biết vùng đô thị Thessaloniki và vùng phụ cận Halkidiki, cùng với thành phố Larrissa ở miền Trung sẽ áp dụng các biện pháp hạn chế cấp độ 4 trong vòng 1 tuần từ ngày 1/10.

Người dân xếp hàng tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại điểm tiêm di động ở Cologne, Tây Đức ngày 3/5/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Hy Lạp đã vượt qua giai đoạn đầu của đại dịch vào năm 2020 với ít tác động hơn các quốc gia khác trong khu vực. Tuy nhiên, trong năm nay, dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn và số ca mắc mới cũng bắt đầu tăng trong những tuần gần đây. Ngày 30/9, Hy Lạp ghi nhận 2.232 ca mắc mới và 33 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc và tử vong vì dịch bệnh tại quốc gia này lên là 655.767 ca và 14.828 ca. Với dân số 11 triệu người, Hy Lạp đã tiêm được hơn 12 triệu liều vaccine, khoảng 58% dân số đã được tiêm phòng đầy đủ.

Chính phủ Australia thông báo trong tháng 11 tới, các bang đạt tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ lên tới 80% dân số sẽ mở trở lại cho hoạt động đi lại quốc tế, bắt đầu với bang đông dân nhất ở nước này là New South Wales. Hiện bang New South Wales đang thực hiện thí điểm việc cách ly tại nhà. Nếu chương trình này thành công, công dân Australia và những người có thị thực thường trú được tiêm chủng đầy đủ khi nhập cảnh về nước tại bang này sẽ được cách ly tại nhà trong một tuần, thay vì phải cách ly tại khách sạn trong hai tuần.

Để được cách ly tại nhà, các du khách phải được tiêm chủng đầy đủ hai liều vaccine đã được phê duyệt, trừ trẻ em dưới 12 tuổi hoặc người được miễn trừ về mặt y tế. Hiện các loại vaccine phòng COVID-19 của các hãng Pfizer/BioNTech, AstraZeneca, Moderna và Janssen đã được công nhận ở Australia. Cơ quan Quản lý hàng hóa trị liệu Australia (TGA) cũng vừa ra khuyến cáo hai loại vaccine của hãng Sinovac (Trung Quốc) sản xuất và Covishield do Ấn Độ sản xuất sẽ được coi là "vaccine được công nhận" khi xác định du khách nhập cảnh đã được tiêm chủng phù hợp hay chưa. Việc công nhận hai loại vaccine này sẽ loại bỏ một rào cản lớn đối với nhiều sinh viên quốc tế muốn học tập tại Australia.

Tư vấn tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Moskva, Nga, ngày 30/9/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong tổng số 54 quốc gia ở châu Phi, mới chỉ có 15 quốc gia đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho ít nhất 10% dân số tính đến ngày 30/9, đạt mục tiêu toàn cầu do Hội đồng y tế thế giới, cơ quan hoạch định chính sách y tế cao nhất trên thế giới, đề ra hồi tháng 5 vừa qua.

Nhà điều phối vaccine ở châu Phi thuộc WHO Richard Mihigo nhấn mạnh: "Những dữ liệu mới nhất cho thấy thành quả khiêm tốn song vẫn còn một chặng đường dài để đạt được mục tiêu mà WHO đề ra là tiêm chủng đầy đủ cho 40% dân số châu lục vào cuối năm nay".

Trong tháng 9 vừa qua, tổng cộng 23 triệu liều vaccine đã tới châu Phi, tăng gấp 10 lần so với tháng 6. Trong tuần từ ngày 19-26/9, số ca mắc mới COVID-19 ở châu Phi đã giảm 35% xuống hơn 74.000 ca, trong khi có gần 1.800 ca tử vong được ghi nhận ở 34 quốc gia tại châu lục này. Cho đến nay, cơ chế COVAX - do WHO và Liên minh Toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) phối hợp, đã cung cấp hơn 301 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho 142 quốc gia.

Người dân quét mã QR thông tin y tế khi sử dụng phương tiên giao thông công cộng ở Jakarta, Indonesia, ngày 23/9/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 1/10, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 50.542 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước; Trong khi tổng số ca tử vong tới nay đã tăng lên trên 263.500 người.

Số ca mắc mới của toàn khối ở mức ngang bằng so với 24 giờ. Một ngày qua, hiệp hội ASEAN có tới 9 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Philippines, Thái Lan, Campuchia, Brunei, Myanmar, Lào và Việt Nam. Đông Nam Á vẫn là điểm dịch nóng nhất châu Á.

Xét về tổng số ca mắc và tử vong, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á tiếp tục là Indonesia do dịch bệnh đã kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong vòng mấy ngày qua, điểm nóng này tiếp tục cho thấy tín hiệu hạ nhiệt, khi số ca mắc và tử vong bắt đầu giảm nhanh. Indonesia đã qua đỉnh dịch lần này và tình hình đang khả quan hơn. Trong 1 ngày qua, “quốc gia vạn đảo” ghi nhận chỉ có trên 1.000 ca bệnh mới và 87 ca tử vong.

Nhân viên y tế đưa bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện dã chiến tại Manila, Philippines, ngày 1/9/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Diễn biến dịch vẫn nghiêm trọng ở Philippines mấy ngày gần đây. Ngày 1/10, Philippines chứng kiến số ca mắc mới và tử vong cao nhất Đông Nam Á. Malaysia tình hình dịch bệnh cũng đáng lo ngại. Nước này hiện là điểm dịch nóng thứ hai của khu vực sau Indonesia, khi làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh và mạnh suốt mấy tuần vừa qua.

Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua ghi nhận trên 1.800 ca mắc và 54 trường hợp tử vong. Tình hình COVID-19 tại nước này mấy ngày trước cũng ở mức báo động.

Thái Lan là điểm nóng dịch mới khi số ca lây nhiễm cộng đồng tăng mạnh trong vài tuần gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch tại nhiều tỉnh. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 1/10 ghi nhận thêm trên 11.700 ca bệnh mới, trong khi số ca tử vong là 123 người, tăng nhẹ so với mức của mấy ngày trước đó.

Một điểm tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia ngày 20/5/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Campuchia có xu thể dịch đi ngang mấy ngày trước đây, với 232 bệnh nhân mới và 17 ca tử vong trong một ngày qua. Campuchia được đánh giá đã đi qua giai đoạn đỉnh dịch. Trước tình hình mới, Campuchia đang tính nới lỏng giãn cách xã hội.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 263.545 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 739 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng lên trên 12 triệu ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là trên 11 triệu trường hợp.

Toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, song hy vọng vượt qua đại dịch đã bắt đầu xuất hiện ở một số nước thành viên. Trong 24 giờ qua, 9/10 nước thành viên trong ASEAN ghi nhận ca COVID-19 mới, trong khi Singapore không công khai số liệu.

Thuốc kháng virus Molnupiravir của hãng dược phẩm Merck & Co (Mỹ). Ảnh: AFP/TTXVN

Molnupiravir, một loại thuốc kháng virus dạng uống đang thử nghiệm để chống COVID-19 của hãng dược phẩm Merck & Co (Mỹ), có thể làm giảm khoảng 50% khả năng phải nhập viện hoặc tử vong ở những bệnh nhân có nguy cơ mắc bệnh nặng.

Theo kết quả phân tích sơ bộ về nghiên cứu thử nghiệm giai đoạn 3 đối với 775 bệnh nhân được Merck công bố ngày 1/10, có 7,3% trong số đó được dùng thuốc Molnupiravir phải nhập viện trong vòng 29 ngày sau khi được điều trị, trong khi con số này ở những người dùng giả dược là 14,1%. Không có ca tử vong nào được ghi nhận ở những bệnh nhân dùng Molnupiravir trong vòng 29 ngày, trong khi ở những người dùng giả dược là 8 ca.

Thử nghiệm giai đoạn 3 này được tiến hành tại hơn 170 địa điểm ở các nước và vùng lãnh thổ gồm Mỹ, Brazil, Italy, Nhật Bản, Nam Phi, Guatemala và Đài Loan (Trung Quốc). Tất cả 775 người tham gia thử nghiệm đều có các triệu chứng mắc COVID-19 đã được xác nhận và được phân bổ ngẫu nhiên thuốc Molnupiravir hoặc giả dược trong vòng 5 ngày kể từ khi bắt đầu xuất hiện các triệu chứng.