Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Kobe, Hyogo, Nhật Bản, ngày 21/6/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN
Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 6/9 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 221.505.613 ca, trong đó có 4.581.006 người tử vong.
Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh trong ngày đang có dấu hiệu chững lại trên phạm vi toàn cầu, những vùng dịch “nóng nhất” ở châu Á và châu Âu, trong khi số ca tử vong cũng có xu thế giảm.
Nhiều nước Á-Âu tình hình vẫn đáng ngại với sự bùng phát của biến chủng virus Delta hết sức nguy hiểm. Đặc biệt, Mỹ, Ấn Độ, Iran, Anh và Brazil số ca mắc mới vẫn cao một cách báo động. Mỹ lại quay lại vị trí quốc gia có số ca mắc mới và tử vong trong ngày cao nhất thế giới.
Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận gần 198 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 19 triệu ca và 105.672 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 5/9, thế giới có 102 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 84 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch.
Nhân viên y tế chuyển thi thể bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở New York, Mỹ. Ảnh: AFP/ TTXVN
Mỹ vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất với 40.800.541 ca mắc và 666.219 ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 33 triệu ca mắc và 440.785 ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil với trên 20 triệu ca bệnh, trong đó có 583.628 ca tử vong.
Tại Nhật Bản, chính phủ quốc gia Đông Bắc Á này có thể sẽ kéo dài thời gian áp dụng tình trạng khẩn cấp vì dịch COVID-19. Theo đó, tình trạng khẩn cấp, vốn đang có hiệu lực ở 21 tỉnh, thành ở Nhật Bản, trong đó có thủ đô Tokyo, có thể sẽ được gia hạn, ngoại trừ ở một số khu vực có sự cải thiện về hệ thống y tế.
Ban chỉ đạo ứng phó với dịch COVID-19 của Chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ đưa ra quyết định chính thức về vấn đề này sau khi lắng nghe ý kiến từ các chính quyền địa phương và các chuyên gia y tế. Trong những ngày gần đây, số ca mắc mới ở Nhật Bản bắt đầu có xu hướng giảm. Ngày 4/9, Nhật Bản ghi nhận thêm 16.012 ca mới, giảm 6.724 ca so với một tuần trước đó.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, ngày 19/8/2021. Ảnh: THX/ TTXVN
Tại Trung Quốc, tập đoàn Công nghệ Sinh học Quốc gia Trung Quốc (CNBG), một nhà sản xuất vaccine là công ty con của tập đoàn Dược phẩm Quốc gia Trung Quốc (Sinopharm), cho biết họ đã được phê duyệt thử nghiệm lâm sàng đối với một loại thuốc điều trị COVID-19 dựa trên globulin miễn dịch (imuneglobulin, còn gọi là kháng thể - antibody) của con người được phát triển từ huyết tương của các bệnh nhân COVID-19 đã phục hồi. Theo các chuyên gia, loại thuốc này sẽ có hiệu quả trong việc chữa trị cho những bệnh nhân nguy kịch.
Loại thuốc trên đã được công bố tại Hội chợ Thương mại Dịch vụ Quốc tế Trung Quốc (CIFTIS) năm 2021. Trong một thông báo ngày 3/9, CNBG cho biết đã được phê duyệt các thử nghiệm lâm sàng vào ngày 30/8. Ngoài loại thuốc mới, CNBG cũng trưng bày 6 sản phẩm chống dịch khác, bao gồm 2 loại vaccine cập nhật có hiệu quả chống các đột biến và 1 loại thuốc điều trị dựa trên kháng thể đơn dòng.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em tại Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 3/9/2021. Ảnh: THX/ TTXVN
Theo CNBG, loại thuốc mới này có chứa các kháng thể trung hòa mức độ. Tuy nhiên, CNBG không tiết lộ địa điểm và thời gian sẽ khởi động các thử nghiệm lâm sàng.
CNBG đã sản xuất các sản phẩm huyết tương làm từ huyết tương hiến tặng của những bệnh nhân đã hồi phục từ đầu năm 2020 và đây được cho là một phương pháp điều trị hiệu quả với bệnh nhân COVID-19 đang trong tình trạng nghiêm trọng.
Các chuyên gia Trung Quốc cũng mang theo những sản phẩm này để điều trị cho các bệnh nhân địa phương khi họ đi hỗ trợ các quốc gia nước ngoài, ví dụ như Italy.
Chuyển bệnh nhân COVID-19 lên xe cứu thương tại thành phố Melbourne, bang Victoria, Australia ngày 30/7/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Tại Australia, Thủ tướng Scott Morrison khẳng định dịch bệnh COVID-19 hiện nay không thể bị triệt tiêu hoàn toàn và người dân có thể tự do đi lại sau khi nước này đạt được mục tiêu tiêm chủng.
Nhà lãnh đạo Australia cho rằng người dân có thể lên kế hoạch đón Giáng sinh năm 2021 với người thân bởi với tốc độ tiêm chủng hiện nay, nước này có thể hoàn thành mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số vào cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11. Do thiếu nguồn cung vaccine, đến nay, mới có 37% người dân Australia đã tiêm chủng.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại thành phố Melbourne, bang Victoria, Australia ngày 19/8/2021. Ảnh:
Hiện Chính phủ liên bang đang tìm kiếm mua thêm vaccine đã đẩy nhanh công tác tiêm chủng trong thời gian tới. Hiện Australia vẫn đang áp đặt lệnh phong tỏa tại các bang và vùng lãnh thổ để khống chế dịch bệnh lây lan do biến thể Delta cho đến khi có ít nhất 70% người từ 16 tuổi trở lên được tiêm chủng.
Theo kế hoạch này, Australia sẽ dần mở cửa biên giới quốc tế, vốn đóng từ tháng 3/2020, khi tỷ lệ người tiêm chủng đạt trên 80%. Ngày 5/9, Australia thông báo phát hiện 1.485 ca mới trong cộng đồng tại bang New South Wales, trong khi bang Victoria có 183 ca nmới trong cộng đồng.
Tại nước láng giềng New Zealand, giới chức thông báo có 20 ca nhiễm trong cộng đồng tại tâm dịch Auckland - thành phố lớn nhất nước này. Mặc dù số ca nhiễm mới đã giảm trong tuần qua, song giới chức y tế New Zealand cảnh báo cần hết sức cảnh giác trước nguy cơ lây nhiễm của biến thể Delta.
Nhân viên y tế làm nhiệm vụ tại một điểm xét nghiệm COVID-19 ở thành phố Auckland, New Zealand ngày 20/8/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Chính phủ New Zealand dự kiến sẽ xem xét áp đặt lệnh hạn chế trên toàn quốc vào ngày 6/9 nhằm khống chế hoàn toàn dịch bệnh. Riêng Auckland vẫn đang áp đặt lệnh phong tỏa hoàn toàn cho đến ngày 13/9.
Tại châu Âu, Nga đã ghi nhận thêm 18.645 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc ở nước này lên thành 7.012.599 ca. Ngoài ra, Nga cũng ghi nhận thêm 793 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong tại đây lên thành 187.200 ca. Trước đó một ngày, Nga đã ghi nhận 796 ca, mức cao nhất thế giới trong ngày 4/9.
Theo số liệu riêng của Cơ quan thống kê nhà nước Rosstat của Nga, chỉ trong thời gian từ tháng 4/2020-7/2021, nước này đã ghi nhận tới 365.000 ca tử vong do COVID-19 hoặc các nguyên nhân liên quan đến COVID-19.
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Samut Prakan, Thái Lan ngày 9/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 5/9, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 75.341 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 232.000 người.
Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có tới 6 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Campuchia, Philippines và Việt Nam. Đông Nam Á tiếp tục là điểm dịch nóng nhất châu Á.
Ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia do dịch bệnh đã kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong vòng mấy ngày qua, điểm nóng này tiếp tục cho thấy tín hiệu hiệu hạ nhiệt, khi số ca mắc và tử vong bắt đầu giảm nhanh.
Trong khi đó, diễn biến dịch vẫn nghiêm trọng ở Philippines mấy ngày gần đây. Trong 1 ngày qua, nước này ghi nhận số ca tử vong vẫn ở mức cao và ca mắc mới cao thứ hai khu vực.
Malaysia tình hình dịch bệnh đang ngày càng đáng lo ngại. Nước này hiện là điểm dịch nóng thứ hai của khu vực sau Indonesia, khi làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh và mạnh suốt mấy tuần vừa qua, trong khi số người chết vì COVID-19 cũng ở mức báo động. Số ca mắc mới liên tiếp lập kỷ lục buồn tại Malaysia và cao nhất ASEAN trong 24 giờ qua.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Selangor, Malaysia ngày 14/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Ngày 5/9, số ca tử vong vì dịch bệnh tại Malaysia cũng ở mức đáng ngại với 336 trường hợp không qua khỏi (đứng thứ hai trong khối ASEAN). Trước làn sóng dịch nguy hiểm mới, Chính phủ Malaysia tiếp tục gia hạn phong tỏa toàn quốc với hy vọng đảo chiều đồ thị dịch bệnh.
Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua không cố bố số liệu. Tình hình COVID-19 tại nước này mấy ngày trước cũng ở mức báo động.
Thái Lan cũng là điểm nóng dịch mới khi số ca lây nhiễm cộng đồng tăng mạnh trong vài tuần gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch tại nhiều tỉnh, lùi ngày mở cửa du lịch. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 5/9 ghi nhận thêm trên 15.000 ca bệnh mới, trong khi số ca tử vong là 224 người, ngang mức của mấy ngày trước đó.
Tiếp nhận lô vaccine Sinovac phòng COVID-19 của Trung Quốc tại sân bay quốc tế Phnom Penh, Campuchia ngày 31/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Campuchia dịch bệnh tiếp tục xu thế hạ nhiệt khi nước này chỉ có 461 bệnh nhân mới và 7 ca tử vong trong một ngày qua. Campuchia đang dần đi qua giai đoạn đỉnh hịch và số ca mắc mới cũng như tử vong vì COVID-19 tại nước này đang tiếp đà thuyên giảm. Trước tình hình mới, Campuchia đang tính nới lỏng giãn cách xã hội.
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 232.080 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 1.413 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng vượt ngưỡng 10,4 triệu ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là trên 9,2 triệu trường hợp.
Toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp khi chủng mới Delta đang làm bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, 9/10 số nước thành viên trong ASEAN đều ghi nhận ca COVID-19 mới (Myanmar không công bố số liệu).