CSGT nói về lỗi 'xe không chính chủ'

Lãnh đạo Phòng CSGT Công an Hà Nội khẳng định người dân di chuyển trên đường bằng xe mượn của bạn bè, người thân sẽ không bị xử phạt.

Thời gian gần đây, nhiều trang mạng xã hội đưa thông tin về việc: “Từ 1/1/2022, CSGT bắt đầu phạt lỗi đi xe không chính chủ”.

“Nếu tôi mượn xe của chồng hoặc con để đi lại thì sao? Như vậy có bị xử phạt không?”, độc giả của Zing đặt câu hỏi.

Thông tin về nội dung này, thiếu tá Đào Việt Long, Phó trưởng phòng CSGT Công an Hà Nội, khẳng định quy định hiện nay không có lỗi “đi xe không chính chủ”.

Loi xe khong chinh chu la gi anh 1

Người dân đi lại bằng xe mượn của người thân sẽ không bị CSGT xử phạt. Ảnh: Việt Linh.

Nghị định 100 có quy định về hành vi không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong giấy đăng ký xe sang tên của mình) khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế. Cá nhân hoặc tổ chức chỉ bị xử phạt khi không làm thủ tục chuyển tên chủ xe trong giấy đăng ký trong vòng 30 ngày kể từ khi được chuyển giao xe được mua, cho, tặng, thừa kế…

“Do đó, tài xế di chuyển trên đường bằng xe đi mượn từ bạn bè, người thân thì không bị phạt về lỗi không sang tên xe”, ông Long khẳng định.

Về các hoàn cảnh áp dụng lỗi vi phạm này, thiếu tá Long cho biết CSGT sẽ thực hiện qua công tác điều tra, giải quyết tai nạn giao thông và đăng ký xe. Khi đó, nếu phát hiện xe đã mua bán, sang nhượng nhưng vẫn chưa làm thủ tục sang tên thì sẽ ra quyết định xử phạt.

CSGT cũng khuyến cáo chủ xe khi mua, bán, tặng… phương tiện cần làm thủ tục sang tên chính chủ để tránh gặp rủi ro khi xảy ra tai nạn hoặc các vi phạm pháp luật khác liên quan tới phương tiện.

Còn về cột mốc 1/1/2022, thiếu tá Đào Việt Long lý giải theo quy định tại Thông tư 58 của Bộ Công an, xe đã chuyển quyền sở hữu qua nhiều đời chủ nhưng không có giấy tờ chuyển nhượng vẫn được giải quyết sang tên đến hết ngày 31/12/2021. Từ 1/1/2022, xe không có giấy tờ chuyển quyền sở hữu sẽ không được giải quyết sang tên.

Nghị định 100 quy định:

- Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với cá nhân và 800.000 đồng đến 1,2 triệu đồng đối với tổ chức là chủ môtô, xe máy: Không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế.

- Phạt tiền 2-4 triệu đồng đối với cá nhân, 4-8 triệu đồng đối với tổ chức là chủ ôtô: Không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế.