Cứng rắn như thép cũng 'khóc ròng'

23/11/2022 11:39

Kể từ khi TTCK Việt Nam lập đỉnh vào đầu tháng 4 đến nay, chỉ số Vn Index đã giảm từ mức 1.536 điểm xuống chỉ còn quanh mức 960 điểm tính đến ngày 10-11, tương ứng mức giảm 37,5%.

Trong đó, ngành thép dẫn đầu về mức độ giảm giá, có thể nói là tuột dốc không phanh, khi đồ thị kỹ thuật của các cổ phiếu không cho thấy mức giá hỗ trợ nào. Chỉ số chứng khoán chung của ngành thép giảm 69,5%, kể từ khi đa số cổ phiếu ngành thép tạo đỉnh trong tháng 3 đến nay.

Kết quả kinh doanh ngành thép

Trong số 8 công ty đại diện cho ngành thép, có tới 7 công ty báo cáo kinh doanh lỗ trong quý III. Hòa Phát đứng đầu về thua lỗ với con số ghi nhận lịch sử ở mức âm 1.786 tỷ đồng. Hoa Sen đứng thứ 2 với mức lỗ 887 tỷ đồng, và cổ phiếu Hoa Sen (HSG) dẫn đầu về mức giảm giá trong ngành thép.

Như vậy, tỷ phú Trần Đình Long đã dự đoán chính xác từ trước rằng kết quả kinh doanh của quý III và quý IV năm ngay của ngành thép sẽ rất thê thảm. Tuy đã được cảnh báo từ trước, nhưng các nhà đầu tư dù có nằm mơ cũng không ngờ được cổ phiếu ngành thép lại giảm mạnh đến thế, và TTCK lại giảm mạnh như vậy, nhất là khi các dự báo về tăng trưởng GDP của Việt Nam suốt thời gian qua vẫn cho thấy sự tích cực. Với mức giảm giá này, giá trị tài sản của các nhà đầu tư hiện tại chỉ còn khoảng 1/3 so với thời điểm chỉ cách đây 7 tháng, làm sao không khóc?

Nguyên nhân trực tiếp chính là nhu cầu tiêu thụ và giá thép thế giới giảm, trong bối cảnh chi phí nguyên liệu đầu vào sản xuất tăng cao. Điều đó là sự cộng hưởng của các nguyên nhân lớn: căng thẳng dòng vốn USD trên toàn cầu; bất động sản và xây dựng Trung Quốc suy yếu; bất động sản và xây dựng Việt Nam cũng suy yếu tương tự.

Trung Quốc có sức ảnh hưởng lớn nhất đối với ngành thép, khi sản lượng thép của quốc gia này chiếm gần 53% quy mô toàn cầu, đồng thời nhu cầu tiêu thụ chiếm hơn 56% thế giới. Tuy nhiên, sức tiêu thụ của nước này đã suy yếu dần, với dấu hiệu cảnh báo đã có từ hồi quý IV-2021, khi chứng kiến Tập đoàn bất động sản Evergrande phải nhờ đến sự hỗ trợ của chính phủ.

Ghi nhận sự suy yếu của ngành bất động sản Trung Quốc thể hiện qua chỉ số giá nhà mới xây của nước này bắt đầu tăng trưởng giảm dần, kể từ quý IV năm ngoái và chính thức bước vào tăng trưởng âm vào tháng 5 kéo dài đến nay.

Trên góc nhìn rộng hơn, kể từ khi đại dịch Covid-19 diễn ra trên toàn cầu, dòng vốn nước ngoài cũng bắt đầu rút dần khỏi Trung Quốc, thể hiện qua cán cân tài khoản vốn và tài chính duy trì ở mức âm liên tục trong nhiều quý, kể từ đầu năm 2020 và mức độ rút vốn ngày càng lớn hơn.

Tính đến hết quý III, lượng vốn rút ròng trong quý này 144 tỷ USD, và lũy kế kể từ đầu năm 2020 là 517 tỷ USD. Trong bối cảnh rút vốn ròng của nước ngoài, nền kinh tế của quốc gia này còn phải hứng chịu thêm khó khăn xuất phát từ chính sách Zero Covid mạnh tay của chính quyền trung ương. Điều đó không những ảnh hưởng tới riêng ngành thép, còn ảnh hưởng luôn cả sức tiêu thụ của các ngành kim loại nói chung như đồng, nhôm, kẽm, quặng sắt…

Mặc dù tình hình ở Trung Quốc là nguyên nhân quan trọng nhất, nhưng sâu xa hơn, vai trò của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cũng đóng góp không hề nhỏ đối với sự sụt giảm của giá hàng hóa nguyên liệu nói chung và giá thép nói riêng. Tốc độ tăng lãi suất của Fed ngày một tăng lên kể từ cuối quý II, đã kích hoạt làn sóng giảm giá của hầu hết mặt hàng nguyên liệu cơ bản.

Không chỉ vậy, lãi suất USD tăng nhanh đã gây tác động rút vốn ngày càng lớn ở mọi nơi trên thế giới. Hầu hết quốc gia đều chứng kiến đồng tiền của mình giảm giá trị liên tục so với USD. Đó cũng chính là nguyên nhân gây ra tình trạng đóng băng và sụt giảm giá trị bất động sản ở ngay chính nước Mỹ và các quốc qua khác trên thế giới, không chỉ riêng Trung Quốc. Điều này đã xúc tiến thêm tốc độ suy yếu của ngành bất động sản và xây dựng, sau khi chính bản thân ngành này đã bão hòa động lực tăng giá bởi duy trì sự tăng giá liên tục nhiều năm trước đó.

Triển vọng giá thép thời gian tới

Tính tới ngày 10-11, giá thép thanh vằn và thép cuộn cán nóng trên sàn Thượng Hải giao dịch lần lượt quanh mức 3.586NDT/tấn và 3.735NDT/tấn, sau khi chứng kiến mức giảm giá tương đương nhau là 33,2% kể từ tháng 4 đến nay. Giá thép đã có dấu hiệu tạo đáy vào ngày 1-11 vừa qua, sau khi giới đầu tư kỳ vọng vào sự mở cửa trở lại của nền kinh tế Trung Quốc, thông qua các động thái thảo luận của chính quyền nước này về các giải pháp nới lỏng đối với chính sách Zero Covid hiện tại.

Sự kỳ vọng có lẽ còn hơi sớm, khi ngay sau đó thị trường chứng kiến nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới tại Trung Quốc bị phong tỏa do bùng phát Covid. Tuy nhiên, ít nhất sự kỳ vọng này cũng sẽ hỗ trợ cho giá thép tránh khỏi nguy cơ giảm mạnh thêm.

Nhưng rủi ro khác đối với giá thép vẫn còn, đó là tốc độ tăng lãi suất của Fed trong thời gian tới. Thị trường cũng bắt đầu kỳ vọng rằng Fed sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất, sau khi chứng kiến giá hàng hóa nguyên liệu và chứng khoán giảm liên tục trong thời gian qua. Bởi lẽ điều này tạo cơ hội cho thấy số liệu báo cáo lạm phát sẽ giảm trong thời gian tới. Mặc dù 2 yếu tố kỳ vọng này có cơ sở, tuy nhiên có lẽ chỉ đang có tác dụng ngăn đà giảm sâu thêm của giá thép. Cơ hội cho sự gia tăng vững vàng của giá thép trong ngắn hạn chưa có.

Bạn đang đọc bài viết "Cứng rắn như thép cũng 'khóc ròng'" tại chuyên mục DOANH NGHIỆP - DOANH NHÂN. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0931318385hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@biztoday.vn).  
#